Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, khó lường trước. Bệnh kéo theo nhiều ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống của người bệnh. Ai cũng có thể bị đột quỵ, tuy nhiên một số đối tượng đã được chứng minh dễ mắc đột quỵ cao hơn người bình thường.
Menu xem nhanh:
1. Các đối tượng dễ mắc đột quỵ cần biết
1.1. Người có huyết áp cao dễ mắc đột quỵ
Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về mạch máu. Huyết áp cao làm gia tăng áp lực lên thành mạch máu từ đó dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu. Những mảng xơ vữa này theo thời gian góp phần hình thành nên các cục máu đông đi khắp các mạch máu. Nếu cục máu đông này di chuyển lên não, dẫn đến tắc mạch máu não và gây ra đột quỵ.
Có đến 90% trường hợp đột quỵ xuất huyết não có mối liên hệ với tăng huyết áp. Nếu đang gặp phải tình trạng tăng huyết áp, bạn nên:
– Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng bỏ thuốc khi thấy huyết áp hạ
– Đo huyết áp, thăm khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi tình trạng
– Ăn nhạt, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý
1.2. Người mắc bệnh tim mạch
Người mắc bệnh lý về tim mạch có nguy cơ đột quỵ cao, bao gồm:
– Bệnh động mạch vành
– Bệnh rung nhĩ
Người bị các bệnh lý trên thường có nhịp tim không đều, lâu dần tạo điều kiện cho cục máu đông xuất hiện trong buồng tim. Khi cục máu đông thoát ra khỏi buồng tim, chúng có thể di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu não và dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
1.3. Người bệnh tiểu đường dễ mắc đột quỵ
Người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2-4 lần so với người bình thường. Tiểu đường là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm, thường diễn tiến âm thầm và làm tổn thương nhiều cơ quan như tim, não, mắt, thận, …
Ở người bệnh tiểu đường, huyết áp thường tăng cao và theo thời gian sẽ làm quá trình xơ vữa mạch máu diễn ra nhanh hơn. Tình trạng này hình thành cục máu đông trong lòng động mạch hoặc mảng xơ vữa gây bít tắc lòng mạch, làm suy giảm lưu lượng máu giàu oxy đến nuôi não.
1.4. Người có lượng mỡ máu cao
Mỡ máu cao có thể gây ra mảng xơ cứng bám vào các mạch máu, cản trở việc lưu thông máu lên não. Nếu để kéo dài sẽ gây ra tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, gây ra đột quỵ nhồi máu não.
Mỡ máu là thành phần không thể thiếu của cơ thể chúng ta. Vì vậy, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát ở mức an toàn. Điều này không chỉ ngăn ngừa đột quỵ mà còn nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
1.5. Người uống nhiều rượu bia
Uống rượu bia với lượng lớn tác động xấu đến huyết áp, gây nên nhiều bệnh thần kinh, tim mạch, gan mật, …
Bia rượu cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ. Nguyên nhân là vì bia rượu tác động xấu đến tim mạch, lâu dài khiến chức năng hoạt động của tim suy yếu. Do đó, chức năng bơm máu của tim kém đi, dễ gây đột quỵ.
1.6. Người hút thuốc lá
Người hút thuốc lá lâu năm dễ mắc đột quỵ và các bệnh lý xơ vữa mạch máu. Hút thuốc lá gây viêm trong mạch máu, làm tăng nhanh quá trình xơ vữa mạch máu và tạo điều kiện hình thành cục máu đông.
Mảng xơ vữa khiến lòng mạch máu ngày càng hẹp lại hoặc bít tắc hoàn toàn từ đó cản trở quá trình máu cung cấp oxy, dưỡng chất đến các cơ quan.
Theo nghiên cứu, người hút thuốc trong thời gian dài có nguy cơ mắc đột quỵ gấp 3 lần. Nguy hiểm hơn, việc hút thuốc ảnh hưởng đến chính người hút và cả những người xung quanh.
1.7. Người thường xuyên căng thẳng
Thời gian gần đây, đột quỵ có xu hướng trẻ hóa do áp lực công việc cùng với lối sống thiếu lành mạnh như:
– Thức khuya ngủ ít
– Ăn uống không điều độ (lạm dụng đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn)
– Bỏ bữa
– Không cân đối thời gian việc, nghỉ ngơi
Căng thẳng quá mức làm huyết áp tăng, đau đầu kéo dài, tinh thần suy yếu, … nếu trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là ở người trẻ tuổi.
1.8. Người có người thân từng bị đột quỵ
Người có người thân từng bị đột quỵ có nguy cơ đột quỵ cao hơn do ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt cùng yếu tố di truyền.
1.9. Người đã từng bị đột quỵ
Nếu đang có suy nghĩ “người đã bị đột quỵ sẽ không bị lần 2 nữa”, bạn cần loại bỏ sai lầm này. Ước tính có đến 40% trường hợp đột quỵ sẽ tái phát trong 5 năm tiếp theo.
2. Gợi ý các biện pháp phòng ngừa đột quỵ dễ thực hiện
2.1. Chế độ dinh dưỡng
Để phòng ngừa đột quỵ, bạn cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, lưu ý như sau:
– Đảm bảo cân bằng hàm lượng các nhóm chất gồm protein, chất béo, tinh bột, khoáng chất và vitamin.
– Không ăn quá nhiều hoặc quá ít trong một ngày, nên chia nhỏ khẩu phần ăn để giảm áp lực lên dạ dày, hệ tiêu hóa.
– Ưu tiên bổ sung các loại rau củ, hoa quả tươi để tăng cường chất xơ, bổ sung dưỡng chất tốt cho cơ thể.
– Sử dụng thực phẩm giàu omega-3 và chất béo không no để giảm thành phần cholesterol xấu trong máu, hạn chế cục máu đông hình thành.
Những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, thiếu máu lên não, tiểu đường, … cần thăm khám và nhờ bác sĩ chuyên khoa xây dựng chế độ ăn uống riêng biệt.
2.2. Chế độ luyện tập
Để nâng cao sức khỏe, tập luyện thể dục thể thao đều đặn là điều ai cũng nên làm. Giải pháp này không chỉ ngăn ngừa đột quỵ mà còn nhiều căn bệnh khác, bởi vì
– Giảm lo lắng, căng thẳng
– Tăng lưu thông máu
– Cải thiện sức đề kháng
Tùy theo sở thích, thể trạng cơ thể mà bạn có thể lựa chọn các bài tập phù hợp. Bạn nên duy trì tập tối thiểu từ 4-5 buổi/tuần với thời gian từ 20-30 phút.
Người cao tuổi có thể lựa chọn các môn nhẹ nhàng như:
– Yoga
– Thiền
– Dưỡng sinh
– Đi bộ
Người trẻ nhiều lựa chọn hơn với các bài tập gồm:
– Tập gym
– Aerobics
– Chạy bộ
– Bơi lội
– Đạp xe
2.3. Điều trị các bệnh lý mạn tính
Các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ là một trong những yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, người đang mắc các căn bệnh trên cần điều trị tích cực để cải thiện tình trạng bệnh.
Đột quỵ ngày càng trẻ hóa với nhiều biến chứng phức tạp. Vì vậy, tất cả mọi người nhất là những người thuộc nhóm dễ mắc đột quỵ nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm.