Các bệnh mạch vành tim thường gặp và cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Mạch vành tim hay động mạch vành là cơ quan giúp cung cấp máu chứa oxy và các dưỡng chất nuôi cơ tim. Cùng tìm hiểu cấu tạo, chức năng của mạch vành và những nguy cơ bệnh lý có thể xảy ra với cơ quan này nhé.

1. Mạch vành tim là gì? 

1.1 Cấu tạo của hệ thống mạch vành

Mạch vành tim là tên gọi khác của động mạch vành – hệ thống mạch máu duy nhất mang máu, oxy và các dưỡng chất đến nuôi cơ tim, nhờ vậy đảm bảo năng lượng cho tim hoạt động, co bóp để bơm máu đi nuôi toàn cơ thể. 

hai động mạch vành là động mạch vành trái và động mạch vành phải. Hai động mạch này đều xuất phát ở gốc động mạch chủ qua các xoang Valsalva, và chạy trên bề mặt của tim. 

Riêng động mạch vành trái chạy một đoạn ngắn (khoảng 1 – 3cm) rồi chia thành hai nhánh lớn là động mạch liên thất trước và động mạch mũ. Như vậy, hệ thống động mạch vành tim gồm ba nhánh lớn làm nhiệm vụ nuôi dưỡng trái tim. Từ 3 nhánh này, máu sẽ được phân chia ra nhiều nhánh động mạch nhỏ hơn, đảm bảo nuôi dưỡng toàn bộ quả tim.

Mạch vành tim là hệ thống mạch đưa máu đi nuôi cơ tim

Mạch vành tim là hệ thống mạch đưa máu đi nuôi cơ tim

1.2 Vai trò của mạch vành tim

Thông thường, các động mạch sẽ đảm nhận nhiệm vụ cung cấp máu theo tỉ lệ sau:

– Động mạch vành phải cấp máu cho thất phải và 25 – 35% thất trái

– Động mạch liên thất trước cấp máu cho 45 – 55% thất trái

– Động mạch mũ cấp máu cho 15 – 25% thất trái

Bên cạnh vòng tuần hoàn lớn còn tồn tại gọi là vòng tuần hoàn bàng hệ nối giữa các nhánh của một thân hoặc giữa hai thân động mạch vành. Khi tuần hoàn vành bình thường thì các vòng nối này đóng lại. Nhưng khi xảy ra hẹp hoặc tắc một nhánh hoặc một thân, những vòng nối này mở ra nhằm tưới máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu. Nhờ vậy, cơ tim được nuôi dưỡng và đảm bảo hoạt động.

2. Các bệnh lý thường gặp ở mạch vành tim 

Có vai trò quan trọng đối với hoạt động của tim nên những bất thường ở mạch vành đều sẽ tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến tim nói riêng và toàn cơ thể nói chung. 

Các bệnh lý ở mạch vành thường gặp là:

2.1 Dị dạng mạch vành 

Dị dạng mạch vành hay còn gọi là động mạch vành dị thường. Thuật ngữ này dùng để chỉ là một khiếm khuyết (kích thước hoặc hình dạng bất thường) trong một hoặc nhiều động mạch vành. Dị tật này có thể do bẩm sinh hoặc thể liên quan đến cơ quan và động mạch chảy đến. 

Dị dạng mạch vành có thể được tìm thấy ở những bệnh nhân mắc các bệnh tim bẩm sinh khác. 

2.2 Xơ vữa mạch vành

Là hiện tượng lòng động mạch vành bị hẹp lại do sự hình thành của các mảng bám trên thành mạch, làm dòng máu đi tới cơ tim bị cản trở, lượng máu nuôi tim bị giảm sút. Lúc này, cơ tim không nhận đủ oxy và người bệnh xuất hiện triệu chứng đau thắt ngực. Xơ vữa mạch vành là nguyên nhân dẫn tới nhiều biến cố tim mạch rất nguy hiểm.

Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân gây hàng loạt biến cố tim mạch

Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân gây hàng loạt biến cố tim mạch

2.3 Co thắt mạch vành tim

Co thắt mạch vành là hiện tương xuất hiện những cơn đau thắt ngực do lòng mạch bị tắc hẹp, khiến máu lưu thông kém. Nếu tình trạng co thắt xảy ra ở người bệnh không có mảng xơ vữa, thời gian diễn ra ngắn thì thường không nguy hiểm. Nhưng nếu các cơn co thắt diễn ra thường xuyên, kéo dài thì bạn cần hết sức cảnh giác. Đó có thể là cảnh báo của nhiều biến chứng nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, ngừng tim, đột tử.

2.4 Cầu cơ mạch vành 

Bình thường động mạch vành nằm ở mặt trên cơ tim của chúng ta. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể xuất hiện một dải cơ tim nằm vắt qua động mạch vành, thay vì nằm dưới động mạch vành. Đoạn cơ tim này được gọi là cầu cơ mạch vành. 

Dị tật này thường gặp nhất ở nhánh động mạch vách liên thất trước và chỉ khoảng 5% người bình thường có dị tật này. Hầu hết các trường hợp là vô hại và không có triệu chứng. Nhưng theo thời gian, đặc biệt là sau 30 tuổi, cùng với sự lão hóa của các cầu cơ và tác động của các bệnh lý liên quan, người bệnh có thể có các triệu chứng như: đau ngực; đau lan ra tay trái hoặc lên phía dưới hàm; khó thở; mệt mỏi.

2.5 Nhồi máu cơ tim 

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng động mạch vành đột ngột bị tắc sự xuất hiện của cục huyết khối. Hiện tượng này làm cho máu không chảy được đến để nuôi cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Nếu sự tắc nghẽn chỉ xảy ra ở những mạch máu nhỏ thì chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của tim. Trong khi đó, tắc những mạch máu lớn có thể khiến tim ngừng đập dẫn đến tử vong.

3. Làm sao để nuôi dưỡng mạch vành tim khỏe mạnh?

Bên cạnh những nguyên nhân bẩm sinh, các bệnh lý cùng với những thói quen, lối sống thiếu lành mạnh là những yếu tố nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến mạch vành. Để có một hệ thống mạch vành khỏe mạnh, đảm bảo cung cấp đủ máu cho tim, bạn cần lưu ý thực hiện các biện pháp sau: 

– Hạn chế muối và đường trong khẩu phần ăn

– Tăng cường chất xơ bằng các loại rau củ quả, bổ sung các loại hạt bởi chúng giàu vitamin và các chất béo không no tốt cho tim mạch.

– Thường  xuyên vận động, tập thể dục đều đặn giúp máu lưu thông tốt hơn. Đồng thời giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh các bệnh lý.

– Uống nhiều nước

– Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá vì những chất này làm tăng cholesterol xấu, tăng áp lực lên thành mạch và tim, dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch.

Lưu ý rằng, các biện pháp trên chỉ mang tính tham khảo. Để bảo vệ mạch vành và phòng tránh các bệnh lý liên quan, bạn hãy duy trì thăm khám tim mạch định kỳ. Việc này giúp bạn kiểm tra tình trạng mạch vành của mình và kiểm soát bệnh huyết áp, mỡ máu,… – những yếu tố gây ảnh hưởng không tốt đến mạch vành.

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp nuôi dưỡng hệ mạch vành khỏe mạnh

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp nuôi dưỡng hệ mạch vành khỏe mạnh

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về mạch vành tim, các bệnh lý liên quan và cách chăm sóc để có một trái tim khỏe mạnh. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, hãy liên hệ để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và giải đáp nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital