Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến và nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sự sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu về biểu hiện suy tim để biết cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Suy tim là bệnh gì, ai có nguy cơ mắc bệnh?
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm máu để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Người bị suy tim sẽ suy giảm khả năng hoạt động, suy giảm chất lượng sống và tùy từng tình trạng bệnh sẽ có hướng điều trị khác nhau.
Những người mắc một số bệnh lý như huyết áp cao, mất máu cấp gây thiếu máu, cường giáp, tan máu cấp hay rối loạn nhịp tim thường là nhóm có nguy cơ bị suy tim rất cao.
2. Biểu hiện suy tim ai cũng cần biết
2.1. Khó thở – biểu hiện suy tim phổ biến
Đây là biểu hiện sớm của suy tim đặc biệt khi ở các tư thế thấp đầu hoặc khi gắng sức. Ngoài khó thở, người bệnh còn có cảm giác thở gấp, hồi hộp, hụt hơi và tức ngực. Khi bệnh tiến triển nặng hơn thì mức độ khó thở cũng tăng lên.
Biểu hiện phổ biến của suy tim là khó thở. Dựa vào tình trạng khó thở, suy tim được chia thành 4 cấp độ khác nhau.
– Cấp độ 0: không bị khó thở, ngay cả khi vận động hay gắng sức.
– Cấp độ 1: cảm thấy khó thở khi gắng sức.
– Cấp độ 2: khó thở ngay cả khi làm những việc nhẹ như đi bộ nhẹ nhàng, bê chậu.
– Cấp độ 3: làm những việc thường ngày như tắm giặt … cũng cảm thấy khó thở.
– Cấp độ 4: khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, không làm gì.
2.2. Ngực đau thắt
Bệnh nhân suy tim nếu gắng sức sẽ thường xuyên đau ngực trái trước tim hoặc có cảm giác tức ngực, nặng ngực, ngực có cảm giác thắt nghẹn và bị ép.
2.3. Có hiện tượng phù nề
Suy tim khiến cho trái tim bị suy giảm chức năng, giảm lưu lượng máu tống đi, máu theo tĩnh mạch về tim bị ứ lại. Tình trạng này làm cho mao mạch căng lên, dịch bị thoát qua thành mao mạch để đến các vùng lân cận và gây ra hiện tượng phù nề.
– Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân thấy nặng mí mắt khi ngủ dậy, mặt tròn hơn. Đến buổi chiều hai bàn chân sẽ bị phù nhẹ. Có thể xác định phù nề bằng cách lấy ngón tay ấn vào phần da chân, khi nhấc tay lên thấy da vẫn lõm.
– Giai đoạn nặng hơn, triệu chứng phù nề ngày càng rõ ràng như cảm thấy cơ thể nặng nề, trướng bụng và ăn không tiêu.
2.4. Ho khan
Nếu bị ho khan kéo dài mà chưa tìm ra nguyên nhân thì đây có thể là triệu chứng của suy tim. Đặc điểm của ho khi bị suy tim là khó khạc ra đờm và ho khan. Bệnh càng nặng thì cơn ho càng tăng dần, ho nhiều khi nằm xuống.
2.5. Cơ thể mệt mỏi cũng là biểu hiện suy tim
Việc tim bị suy yếu chức năng sẽ khiến cho việc thực hiện hoạt động thường ngày của người bệnh cũng khó khăn vì họ rất nhanh bị kiệt sức. Tình trạng mệt mỏi của người bị suy tim ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Nguyên nhân của tình trạng mệt mỏi là do lượng máu bơm đi ngày càng thiếu và không đủ máu cung cấp đến tất cả các cơ quan trên cơ thể. Ngoài ra, một số người bệnh còn bị suy nhược cơ thể, cảm thấy chóng mặt, giảm trí nhớ và đau đầu.
3. Nguyên nhân gây suy tim
Ngoài biểu hiện suy tim thì nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này cũng là điều mà bệnh nhân cần quan tâm. Khi biết được nguyên nhân sẽ có cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
3.1. Nguyên nhân liên quan đến một số bệnh lý khác
– Các bệnh lý mạch vành như hội chứng vành cấp, thiếu máu cục bộ cơ tim …
– Tăng huyết áp
– Hẹp van tim, hở van tim
– Bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trong tim như thông liên thất, thông liên nhĩ …
– Trong gia đình có tiền sử mắc bệnh tim hoặc bị suy tim
– Rối loạn do thâm nhiễm
– Tim bị tổn thương do thuốc hoặc bị nhiễm độc
– Bệnh chuyển hóa như bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường
– Nguyên nhân do virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng
– Rối loạn nhịp tim
3.2. Một số yếu tố thúc đẩy khác
– Chế độ ăn uống nhiều muối
– Không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc hoặc uống không đúng liều lượng
– Thiếu máu
– Dùng thêm các loại thuốc khiến tình trạng bệnh nặng hơn
– Lạm dụng bia rượu
– Đang trong thai kỳ
4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh lý suy tim
4.1. Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ hỏi một số thông tin cá nhân và triệu chứng suy tim người bệnh đang gặp phải. Một số thông tin sẽ được hỏi là:
– Bệnh nhân có đang mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh thận, đau thắt ngực, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch hay không?
– Bệnh nhân có tiền sử gia đình về bệnh tim hoặc đột tử hay không?
– Bệnh nhân có hút thuốc lá và sử dụng bia rượu không, tần suất như thế nào?
– Bệnh nhân có điều trị hóa trị, xạ trị hay không?
– Những loại thuốc đang dùng?
Ngoài ra người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, chụp chiếu để đánh giá mức độ suy tim và nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp để chẩn đoán tình trạng suy tim thường là:
– Chụp X-quang lồng ngực
– Siêu âm tim
– Chụp cộng hưởng từ MRI
4.2. Phương pháp điều trị suy tim
Suy tim là bệnh mạn tính, người bệnh cần kiên trì điều trị suốt đời. Tùy thuộc vào biểu hiện suy tim mà mỗi người sẽ có một cách điều trị khác nhau. Nếu được phát hiện và chữa sớm, tim có thể hồi phục chức năng hoặc cải thiện đáng kể.
Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị và cải thiện bệnh lý suy tim là:
– Thuốc ức chế men chuyển
– Thuốc ức chế thụ thể
– Thuốc chẹn thụ thể beta
– Thuốc lợi tiểu
– Thuốc đối kháng aldosterone
– Inotropes
Các loại thuốc chỉ mang tính tham khảo, dựa vào tình hình thực tế mà bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng và thể chất. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ và báo ngay nếu có bất thường khi dùng thuốc.
Suy tim là một trong các vấn đề tim mạch nguy hiểm hiện nay. Bệnh gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và biểu hiện của suy tim thường khó phát hiện. Do đó, nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy đến chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.