Biểu hiện, nguyên nhân và cơ chế bệnh thoái hóa khớp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Thoái hóa khớp là hậu quả của sự mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Bệnh lý này rất hay gặp ở người lớn tuổi. Cùng tìm hiểu biểu hiện, nguyên nhân, cơ chế bệnh thoái hóa khớp và  phương pháp chẩn đoán. 

1. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

Nguyên nhân thoái hóa khớp được phân làm hai loại là nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.

1.1 Thoái hóa khớp nguyên phát

Lão hóa theo tuổi tác: đây là nguyên nhân chính, thường xuất hiện ở người lớn tuổi sau 60 tuổi. Theo tuổi tác các mô xương và sụn giảm dần độ đàn hồi, cùng với loãng xương gây tổn thương nhiều vị trí. Trường hợp này thường tiến triển chậm và mức độ không nặng.

Yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có người thân bị thoái hóa khớp ở giai đoạn sớm thì sự di truyền về hình thể gen collagen type 2 là có hoàn toàn có thể.

Nội tiết và chuyển hóa: phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, bệnh nhân đái tháo đường, người bệnh loãng xương do nội tiết,… có thể là nguyên nhân gây tình trạng loãng xương sớm.

1.2 Thoái hóa thứ phát

Thường do nguyên nhân cơ giới, bệnh phát sinh. Nguyên nhân này hay gặp ở người trẻ dưới 40 tuổi, có tổn thương khu trú ở một vài vị trí, nặng và tiến triển nhanh.

Tiền sử chấn thương: do gãy xương khớp, đứt dây chằng (khớp vai,…), tổn thương sụn chêm hoặc sau cắt sụn chêm, chấn thương liên tiếp do nghề nghiệp đặc thù như võ sĩ quyền anh, công nhân vận hành máy, vận động viên bóng rổ hoặc cử tạ, diễn viên múa bale, thợ mỏ than,…

Dị dạng bẩm sinh và rối loạn phát triển

Tiền sử phẫu thuật cắt sụn chêm

Tiền sử bệnh về xương như hoại tử xương,…

Rối loạn chảy máu: bệnh nhân Hemophilia có tràn máu khớp thúc đẩy thoái hóa khớp.

Bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa: các bệnh như to đầu chi, bệnh Cushing, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, các tinh thể lắng đọng trong dịch khớp, bệnh da sạm nâu và alcapton niệu, bệnh nhiễm sắc tố,… là các bệnh làm hủy hoại tế bào sụn khớp và mang hoạt dịch, gây thoái hóa khớp.

cơ chế bệnh thoái hóa khớp

Các nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa khớp.

2. Cơ chế bệnh thoái hóa khớp

2.1 Vai trò của các Cytokine tiền viêm trong cơ chế bệnh thoái hóa khớp

Cytokine tiền viêm gây quá trình dị hóa trong thoái hóa khớp. Chúng phá hủy sụn khớp bằng cách kích hoạt các enzym gây viêm.

2.2 Vai trò của nitric oxide trong cơ chế bệnh thoái hóa khớp

Các gốc tự do tham gia vào quá trình dị hóa sụn. NO được tổng hợp từ L-arginine dưới tác động của men nitric oxide synthase cảm ứng (NOS) các men này được tổng hợp nhanh sau khi các tế bào bị kích thích do một cytokine nhất định. Trong thoái hóa khớp, sụn khớp tiết nhiều NO so vối sụn bình thường. NO thúc đẩy IL-lp gây THK chủ yếu bằng cách ức chế tổng hợp các chất căn bản sợi collagen và tăng hoạt tính của metalloproteinase.

2.3 Thay đổi sinh hóa và cơ học lớp xương dưới sụn

Các proteoglycan bị mất dần và các lưới sợi collagen cũng bị thoái hóa dần, làm tổn thương cấu trúc và sự toàn vẹn chức năng của tổ chức. Tăng bất thường các enzym proteolytic, đặc biệt là metalloprotease. Bề mặt sụn bị bào mòn dần và xơ hóa, các mảnh vỡ rơi vào dịch khớp và bị các tế bào đại thực bào màng hoạt dịch thực bào do vậy thúc đẩy quá trình viêm và thoái hóa.

3. Biểu hiện thoái hóa khớp trên lâm sàng

3.1 Đau khớp

Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất, nhưng thường xảy ra khi khớp đã bị thoái hóa ở mức độ vừa và nặng. Đặc trưng của cơn đau là diễn ra thành từng đợt, dài hay ngắn tùy thuộc vào từng trường hợp. Hết đợt có thể hết đau nhưng sau đó tái phát đợt khác hoặc có thể đau liên tục tăng dần.

Đau khớp thường liên quan đến vận động, cụ thể là đau âm ỉ, tăng lên khi người bệnh vận động, khi thay đổi tư thế và giảm đau khi về đêm và khi người bệnh ngủ hay nghỉ ngơi.

3.2 Hạn chế vận động

Thoái hóa khớp gây hạn chế sự vận động của khớp. Thể hiện rõ nhất là lúc người bệnh gặp khó khăn khi bước lên hoặc xuống cầu thang, đang ngồi ghế đứng dậy, ngồi xổm, đi bộ lâu,…

3.3 Biến dạng khớp

Thoái hóa khớp lâu ngày có thể gây biến dạng khớp, do sự hình thành các gai xương, do lệch trục khớp, thoát vị màng hoạt dịch.

3.4 Các biểu hiện khác

Ngoài ba triệu chứng điển hình ở trên, thoái hóa khớp gối trên lâm sàng còn biểu hiện một số dấu hiệu như sau:

Phát ra tiếng “lạo xạo” hoặc “lục cục” khi vận động khớp.

Cứng khớp vào buổi sáng hay còn gọi là “phá rỉ khớp” thường diễn ra không quá 30 phút.

Có thể sờ thấy các “chồi xương” ở quanh khớp.

Teo cơ do ít vận động

Viêm đau do tràn dịch khớp thứ phát

Biểu hiện thoái hóa khớp thường tập trung ở vị trí (vùng) khớp bị tổn thương (thoái hóa), thường không có biểu hiện toàn thân.

Biểu hiện thoái hóa khớp trên lâm sàng

Đau, cứng khớp, hạn chế vận động, phát ra tiếng “lục cục” là biểu hiện điển hình khi khớp gặp vấn đề.

4. Các phương pháp chẩn đoán và biểu hiện cận lâm sàng

4.1 Chụp X-quang

Chụp X-quang thường quy là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh “đầu tay” được chỉ định nhằm phát hiện một số tổn thương ở xương khớp, trong đó có thoái hóa khớp.

Trên phim chụp X quang, hình ảnh thoái hóa khớp thường biểu hiện như:

– Hẹp khe khớp: trên phim chụp thấy khe khớp không đồng đều, bờ không đều.

– Đặc xương dưới sụn: thường gặp ở phần đầu xương, trong phần xương đặc có thể thấy một số hốc nhỏ sáng hơn.

– Mọc gai xương: gai xương mọc ở phần tiếp giáp giữa xương, sụn và màng hoạt dịch.

4.2 Chụp cộng hưởng từ MRI

Phương pháp này có thể quan sát được hình ảnh khớp một cách đầy đủ trong không gian 3 chiều. Giúp phát hiện những tổn thương ở sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.

+ Cộng hưởng từ đánh giá màng hoạt dịch: màng hoạt dịch không dày (độ 0), dày dưới 2mm (độ 1), dày từ 2-4mm (đột 2.

+ Cộng hưởng từ đánh giá thương tổn sụn và dưới sụn

cơ chế bệnh thoái hóa khớp và cách chẩn đoán bằng chụp MRI

Chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tân tiến, giúp phát hiện nhiều bệnh lý trong đó có bệnh lý về cơ xương khớp.

4.3 Nội soi khớp

Đây là một thủ thuật cho phép quan sát trực tiếp ổ khớp. Giúp đánh giá chính xác về mức độ, tình trạng, phạm vi và định khu được các tổn thương của sụn, màng hoạt dịch, dây chằng,… các tổn thương không thể phát hiện được trên phim chụp X-quang thường quy.

Ngoài ra, nội soi khớp còn cho biết mức độ Calci hóa của sụn khớp, điều này khó có thể nhận biết được nếu chỉ chụp X quang hoặc trên xét nghiệm máu. Nội soi khớp còn cho phép phân tích tổng thể phần xương dưới sụn, nhất là khi thương tổn có chiều hướng bị loét.

4.4 Siêu âm khớp

Kỹ thuật siêu âm khớp được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Siêu âm khớp giúp phát hiện các tình trạng như:

– Hẹp khe khớp

– Gai xương

– Tràn dịch khớp

– Dày bao hoạt dịch

– Mảnh xương do trong ổ khớp

4.5 Chụp cắt lớp vi tính CT-scan

Giúp phát hiện tổn thương sụn khớp, tuy nhiên lại không thấy rõ tổn thương của màng hoạt dịch.

4.6 Chụp xạ hình xương

Hình ảnh tăng hấp thụ phóng xạ tại xương dưới sụn ở khu vực khớp bị thoái hóa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital