Những người mất ngủ dài ngày có thể chịu những tác động tiêu cực về cả sức khỏe thể chất và tinh thần, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Vậy, người bị mất ngủ thường có biểu hiện như thế nào, nguyên nhân gây mất ngủ là gì và cách cải thiện ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Người mất ngủ thường có những biểu hiện gì?
Sau một ngày dài học tập, làm việc, cơ thể rất cần được nghỉ ngơi để phục hồi và tái tạo năng lượng. Giấc ngủ chất lượng chính là “liều thuốc” quan trọng giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi.
Một giấc ngủ có chất lượng phải đảm bảo đủ giờ (theo từng độ tuổi), đủ sâu. Đặc biệt, khi thức dậy phải cảm thấy khoẻ khoắn, tỉnh táo.
Thông thường một người trưởng thành ngủ khoảng 7 – 8 giờ mỗi đêm. Thời gian ngủ một đêm có thể dao động từ 4 – 11 giờ. Một số khảo sát cho thấy thời gian ngủ của con người giảm dần theo tuổi tác. Tuy nhiên, nhiều người có thời gian ngủ ít hơn bình thường, và gặp phải những tình trạng sau:
– Khó đi vào ngủ, nằm mãi không ngủ được
– Khó duy trì giấc ngủ ngon và sâu
– Bị tỉnh giấc nhiều lần trong một đêm và khó để ngủ lại
– Thức dậy sớm vì không thể ngủ tiếp được
– Cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, thiếu tỉnh táo sau khi thức dậy
2. Nguyên nhân gây mất ngủ
Nhiều người chỉ bị mất ngủ thoáng qua do căng thẳng, stress, thay đổi lịch làm việc hoặc do chênh lệch múi giờ, môi trường ngủ bất lợi (quá nhiều tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không phù hợp), ăn quá no trước khi ngủ, sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá, rượu,…
Nếu không phải do những nguyên nhân trên và việc mất ngủ trong thời gian dài mà không chấm dứt thì nguyên nhân có thể do người bệnh bị gặp vấn đề về sức khỏe như:
2.1 Dị ứng
Tình trạng nghẹt mũi xảy ra do sự kích thích của các chất gây dị ứng có thể gây gián đoạn giấc ngủ.
2.2 Nhiều người mất ngủ do bệnh cơ xương khớp
Những người mắc bệnh viêm khớp, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm,… thường gặp tình trạng đau đớn, lo lắng, gây khó khăn trong việc ngủ. Ngược lại, việc thiếu ngủ cũng có thể làm tăng các triệu chứng của các căn bệnh này.
2.3 Bệnh tim mạch
Các bất thường liên quan đến tim phổi, đặc biệt bệnh động mạch vành, có thể là những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ.
2.4 Bệnh tuyến giáp
Tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức có thể kích thích các chức năng trao đổi chất khác của cơ thể. Người bệnh thường cảm thấy bồn chồn và tràn đầy năng lượng, bởi vậy không thể chìm vào giấc ngủ dễ dàng.
2.5 Trào ngược dạ dày thực quản
Nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ ở những người trong độ tuổi từ 45 đến 64 là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các triệu chứng ợ nóng, ho, nghẹt thở, viêm nướu, đau họng, ợ hơi, hôi miệng,.. do bệnh trào ngược có thể tác động tiêu cực đến giấc ngủ.
2.6 Thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân khiến nhiều người mất ngủ
Sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh có thể khiến phụ nữ ngủ không ngon giấc.
2.7 Bệnh lý tâm thần
Tình trạng mất ngủ có thể xảy ra ở một số người mắc các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress, tâm thần phân liệt,…
2.8 Các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ khác
Tiêu biểu như ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ …
3. Người bệnh chịu tác động như thế nào từ việc mất ngủ?
Việc mất ngủ ngắn hạn có thể ít gây ảnh hưởng đến người bệnh, nhưng mất ngủ dài hạn và không được điều trị có thể gây những tác động lớn để sức khỏe và tinh thần người bệnh:
– Không tỉnh táo, thường xuyên thấy buồn ngủ vào ban ngày
– Giảm tập trung, kém linh hoạt khi xử lý các công việc quen thuộc
– Mệt mỏi, dễ cáu gắt, khó điều chỉnh cảm xúc của mình, nhiều trường hợp dẫn đến trầm cảm
– Tăng cân
– Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiêu hóa, ung thư, đột quỵ
– Ảnh hưởng đến làn da
– Dễ gây ra tai nạn khi lái xe hay vận hành máy móc
4. Những người mất ngủ cần phải làm gì để cải thiện giấc ngủ?
Khi thấy biểu hiện mất ngủ, bạn nên thăm khám sớm chuyên khoa Nội thần kinh để được khám và điều trị đúng hướng, tránh những hệ lụy lâu dài đến sức khỏe. Dựa trên các triệu chứng bạn gặp phải và việc thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về nguyên nhân và mức độ bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Trong những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp:
4.1 Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
– Điều chỉnh thời gian biểu, sắp xếp thời gian làm việc một cách khoa học
– Đi ngủ đúng giờ và thức dậy đúng giờ, tránh ngủ nhiều ban ngày
– Điều chỉnh nhiệt độ trong phòng ngủ vừa phải, tránh quá lạnh hoặc quá nóng
– Không ăn quá no và uống nhiều nước trước giờ ngủ
– Hạn chế sử dụng tivi, máy vi tính, điện thoại… trong phòng ngủ
– Tắm nước ấm để thư giãn trước khi ngủ khoảng 1-2 giờ trước khi ngủ
– Tập thể dục thường xuyên
– Uống các loại trà thảo dược giúp an thần
Sau khi lên giường 10-15 phút mà cảm thấy không thể ngủ được, nên đứng dậy đi làm một việc khác.
4.2 Cân bằng tâm lý
Trước khi ngủ không nên suy nghĩ đến những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Sau khi vừa kết thúc công việc, thay vì ngủ ngay, bạn nên trò chuyện vui vẻ với người thân, bạn bè để thư giãn. Ngoài ra, đọc sách, đi dạo, làm việc nhẹ nhàng, thiền, yoga cũng rất có ích trong việc cải thiện giấc ngủ.
Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà vẫn cảm thấy khó ngủ thì bệnh nhân có thể cần dùng một số loại thuốc ngủ, thuốc an thần. Tuy nhiên không nên tự ý sử dụng hoặc lạm dụng các loại thuốc này vì chúng có thể gây ức chế hệ thần kinh, khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất ngủ không tự nhiên. Các loại thuốc chỉ được sử dụng khi cần thiết và cần có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Trong những trường hợp mất ngủ do các bệnh lý tâm thần, tim mạch, tiêu hóa thì cách tốt nhất để điều trị tốt các bệnh lý nguyên nhân. Từ đó, các những người mất ngủ cũng sẽ thấy các triệu chứng giảm dần.