Mộng thịt là bệnh lý thường gặp ở mắt với tỷ lệ người mắc bệnh ở khu vực có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm khá cao. Tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng biến chứng mộng thịt có thể đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe thị lực. Vì vậy, người mắc bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ để giảm thiểu nguy cơ tổn thương thị lực.
Menu xem nhanh:
1. Mộng thịt là gì?
Về bản chất, mộng thịt là khối u có hình tam giác nằm trên phần màu trắng và kéo dài qua giác mạc mắt. Hay nói cách khác, mộng thịt là sự phát triển bất thường của các mô thịt vùng góc mắt, lan sang giác mạc. Nhìn chung, bệnh mộng thịt có thể gây ra diện mạo đáng sợ nhưng đây là khối u lành tình, không phải ung thư. Bệnh có thể tiến triển chậm, từ từ và dừng phát triển ở một thời điểm nhất định. Một số trường hợp mắc bệnh nặng, mộng thịt có thể phì đại và che phủ đồng tử gây ra các vấn đề thị lực.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh mộng thịt mọi người có thể nhận biết như là:
– Cộm, đỏ ở mí mắt
– Đỏ mắt
– Chảy nước mắt
– Nóng mắt
– Cảm giác đau, ngứa
– Nhìn mờ, nhìn đôi…
Không chỉ gây cảm giác khó chịu ở vùng mắt mà bệnh mộng thịt còn có thể cản trở thẩm mỹ khuôn mặt.
2. Nguyên nhân gây mộng thịt
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào cho thấy bệnh mộng thịt liên quan tới yếu tố di truyền. Nguyên nhân chính gây nên mộng thịt vẫn chưa được xác định cụ thể. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, mộng thịt hình thành có thể do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím. Do vậy, những người phải làm việc ngoài trời, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp thường có tỷ lệ mắc cao hơn.
Ngoài ra, những người thường xuyên tiếp xúc với phấn hoa, bụi, thuốc lá… hay sống trong môi trường ô nhiễm cũng có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn so với người bình thường. Đồng thời, những người mắc các bệnh lý nhãn khoa cũng là đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
3. Biến chứng mộng thịt
Bệnh mộng thịt thường không được phát hiện sớm và tự ý điều trị khiến cho tình trạng bệnh diễn tiến phức tạp và có thể gây ra các biến chứng mộng thịt nguy hại như:
3.1. Nhìn đôi, loạn thị
Nhìn đôi, loạn thị là ảnh hưởng thường gặp nhất đối với những người mắc mộng thịt. Nguyên nhân là do mộng thịt phát triển quá mức, cản trở đồng tử và giác mạc thu hình ảnh vào trong mắt, khiến tầm nhìn bị hạn chế và khó nhìn rõ mọi vật.
3.2. Viêm loét giác mạc
Giác mạc là lớp mô trong suốt ở phía trước con ngươi, tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên và cho phép ánh sáng thu vào trong mắt để mọi người có thể nhìn thấy mọi vật. Viêm loét giác mạc do mộng thịt là tình trạng giác mạc bị trầy xước, nhiễm trùng. Bệnh có mức độ nguy hiểm cao do có thể để lại nhiều di chứng vĩnh viễn, khó hồi phục: Lồi mắt cua, theo nhãn, sẹo giác mạc, mất thị lực…
3.3. Dính mi cầu
Là tình trạng thành xơ bị dính chặt vào kết mạc nhãn cầu với kết mạc mi mắt, khiến mi mắt và nhãn cầu không thể cử động được. Tình trạng này làm hạn chế cử động của mắt, kéo dài có thể gây ra nhược thị.
3.4. Mất thị lực
Khi mộng thịt phát triển quá mức có thể làm tổn thương giác mạc và nhãn cầu nghiêm trọng. Lúc đó, thị lực bị ảnh hưởng nặng nề, có thể mất một phần hoặc toàn bộ thị lực. Ngoài ra, tình trạng này còn khiến cho người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh giác mạc, thủy tinh thể… cao hơn.
4. Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh mộng thịt thông qua các kỹ thuật: Kiểm tra thị lực, kiểm tra địa hình giác mạc, đo khúc xạ, chẩn đoán độ cong mặt trước của giác mạc… Sau khi chẩn đoán chính xác bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các phương pháp như:
– Điều trị nội khoa: Sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc uống, thuốc nhỏ mắt… để ngăn ngừa bệnh tiến triển và tác động khiến mộng thịt thoái triển, ức chế các triệu chứng của bệnh. Phương pháp này được điều trị trong trường hợp bệnh chưa quá nghiêm trọng.
– Điều trị ngoại khoa: Can thiệp phẫu thuật để bảo toàn sức khỏe thị lực của người bệnh trong trường hợp điều trị nội khoa không đạt hiệu quả. Phẫu thuật ngoài việc ngăn ngừa tình trạng bệnh và cải thiện thị lực thì còn có chức năng thẩm mỹ cho mắt. Tuy phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn phần mộng thịt phì đại nhưng cũng không thể ngăn ngừa tình trạng tái phát nên các bác sĩ có thể chỉ định khâu, ghép mảnh mô bề mặt mắt vào vùng bị ảnh hưởng, hay còn gọi là ghép kết mạc tự thân.
Cần lưu ý: Việc điều trị phải tiến hành sớm và đúng cách để cải thiện sức khỏe thị lực một cách tốt nhất và giảm thiểu nguy cơ biến chứng mộng thịt nguy hiểm. Nên lựa chọn điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín, bác sĩ chuyên môn cao.
5. Phòng ngừa mộng thịt
Phòng ngừa mắc bệnh mộng thịt ở mắt có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
– Đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài đường, khi phải làm việc ngoài trời hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời.
– Bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho mắt như vitamin A, C, E, Omega… có trong thực phẩm, trong các loại vitamin, thực phẩm chức năng. Cần lưu ý, chỉ sử dụng vitamin và thực phẩm chức năng khi có khuyến cáo của bác sĩ.
– Học tập và làm việc khoa học, hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử ở khoảng cách quá gần, trong thời gian quá lâu.
– Vệ sinh vùng mắt nhẹ nhàng và khoa học để loại bỏ bụi cũng như các tác nhân có thể dễ gây viêm nhiêm.
– Khám nhãn khoa thường xuyên, định kỳ hằng năm để kiểm soát sức khỏe của mắt và phát hiện sớm các bệnh lý giúp bác sĩ có thể điều trị kịp thời.
Như vậy có thể thấy, mặc dù đây là bệnh không quá phức tạp nhưng chủ quan trong việc phát hiện và điều trị có thể gây ra các biến chứng mộng thịt vô cùng nguy hiểm. Người bệnh cần cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở mắt và thăm khám kịp thời để được các bác sĩ xử trí đúng cách.