Dấu hiệu bệnh mộng thịt và cách điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Mộng thịt là tình trạng thường gặp ở mắt, tuy không đe dọa tính mạng nhưng biến chứng có thể khiến sức khỏe thị lực bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhận biết ngay các dấu hiệu bệnh mộng thịt để chủ động đi khám và điều trị thông qua các nội dung sau đây.

1. Về bệnh mộng thịt

Mộng thịt về bản chất là khối u hình tam giác, nằm trên phần màu trắng ở góc mắt và kéo dài qua giác mạc. Nhìn chung, bệnh mộng thịt là khối u lành tính, mặc dù có thể khiến khuôn mặt kém thẩm mỹ nhưng không ảnh hưởng quá lớn tới sức khỏe của người bệnh và không phải ung thư.

Bệnh tiến triển chậm và dừng phát triển ở thời điểm nhất định. Một số ít trường hợp có thể mắc bệnh nặng khiến mộng thịt phì đại và che phủ đồng tử. Từ đó, người bệnh thường xuyên gặp phải nhiều vấn đề về thị lực khiến công việc, cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng.

Mặc dù không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng mộng thịt gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Bên cạnh đó, mộng thịt cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt, khiến người bệnh tự ti khi giao tiếp và làm việc…

Mộng thịt là khối u lành tính ở vùng giác mạc mắt của mắt

Mộng thịt là khối u lành tính ở vùng giác mạc mắt của mắt

2. Nguyên nhân gây mộng thịt

Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa khẳng định nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng mộng thịt và mộng thịt có liên quan tới yếu tố di truyền hay không. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, mộng thịt có thể hình thành do tiếp xúc nhiều với tia cực tím. Do vậy, những người làm việc ngoài trời, tiếp xúc với ánh mặt trời trực tiếp có thể dễ mắc bệnh mộng thịt hơn.

Ngoài ra, những người tiếp xúc thường xuyên với phấn hoa, bụi, thuốc lá… hay sinh sống trong môi trường kém vệ sinh, nguồn nước ô nhiễm cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đồng thời, người mắc bệnh nhãn khoa cũng là đối tượng có thể dễ mắc mộng thịt.

3. Dấu hiệu bệnh mộng thịt

Dấu hiệu đặc trưng khi mắc bệnh mộng thịt mà mọi người có thể nhận biết dễ dàng chính là có một khối dị vật nhỏ màu vàng nằm ở rìa của giác mạc. Đồng thời khi mắc mộng thịt, người bệnh còn có thể gặp phải một số vấn đề khác như:

– Cộm, đỏ ở mí mắt

– Đỏ mắt

– Chảy nước mắt

– Nóng mắt

– Cảm giác đau, ngứa

– Nhìn mờ, nhìn đôi…

Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh mộng thịt, mọi người nên chủ động đi khám ngay để được bác sĩ xác định bệnh và điều trị sớm, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm tới thị lực.

Dấu hiệu bệnh mộng thịt thường thấy chính là một khối nhỏ màu vàng ở rìa giác mạc kèm cộm, đỏ mí mắt...

Dấu hiệu bệnh mộng thịt thường thấy chính là một khối nhỏ màu vàng ở rìa giác mạc kèm cộm, đỏ mí mắt…

4. Biến chứng mộng thịt mắt

Bệnh mộng thịt không được phát hiện sớm hoặc tự ý điều trị có thể khiến khối u bất thường này phì đại quá mức và gây biến chứng nguy hiểm như:

– Nhìn đôi, loạn thị: Mộng thịt cản trở đồng tử và giác mạc khiến việc thu hình ảnh vào trong mắt bị hạn chế, gây suy giảm thị lực ở người bệnh. Nhìn đôi, loạn thì khiến sức khỏe thị lực của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt, làm gia tăng nguy cơ vấp ngã, chấn thương…

Viêm loét giác mạc: Tình trạng giác mạc trầy xước và nhiễm trùng khiến thị lực bị ảnh hưởng và còn có thể để lại nhiều di chứng có hại cho đôi mắt.

– Dính mi cầu: Thành xơ bị dính vào kết mạc, khiến mi mắt và nhãn cầu khó cử động và gây ra tình trạng nhược thị, suy giảm thị lực.

– Mất thị lực: Tình trạng tổn thương giác mạc và nhãn cầu trở nên nghiêm trọng hơn khiến thị lực bị ảnh hưởng nặng nề, mất một hoặc toàn phần thị lực và dễ mắc các bệnh về nhãn khoa nguy hiểm khác.

Mộng thịt phát triển quá mức có thể gây mất thị lực nên mọi người cần thăm khám kịp thời

Mộng thịt phát triển quá mức có thể gây mất thị lực nên mọi người cần thăm khám kịp thời

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh mộng thịt

Bác sĩ tiến hành chẩn đoán mộng thịt thông qua kiểm tra thị lực, địa hình giác mạc, độ cong giác mạc, đo khúc xạ… Sau khi xác định bệnh, dựa vào mức độ và thể trạng của từng người mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp:

– Điều trị nội khoa: Sử dụng một số loại thuốc uống, thuốc nhỏ mắt để kiềm hãm sự phát triển của bệnh và tác động để khối u thoái triển, ức chế triệu chứng. Phương pháp được ứng dụng trong trường hợp người bệnh mắc mộng thịt chưa quá nghiêm trọng.

– Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật loại bỏ tổ chức mộng thịt để bảo toàn các cấu trúc khác của mắt. Phẫu thuật có thể giải quyết hoàn toàn tổ chức bệnh nhưng không thể ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát nên bác sĩ có thể sẽ chỉ định ghép mô kết mạc tự thân để duy trì sức khỏe thị lực tối ưu cho người bệnh. Phẫu thuật cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao để bảo đảm an toàn cho người bệnh. Sau mổ, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn chăm sóc và vệ sinh mắt của bác sĩ, đồng thời theo dõi sát sao và tái khám ngay nếu thấy có dấu hiệu bất thường.

Bác sĩ chỉ định điều trị mộng thịt bằng nhiều phương pháp, phụ thuộc vào mức độ bệnh và thể trạng của từng người

Bác sĩ chỉ định điều trị mộng thịt bằng nhiều phương pháp, phụ thuộc vào mức độ bệnh và thể trạng của từng người

6. Phòng ngừa mộng thịt

Để phòng ngừa mắc mộng thịt, mọi người cần lưu ý tới một số vấn đề sau trong việc sinh hoạt và vệ sinh mắt đúng cách tại nhà.

– Đeo kính để bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc phải làm việc ngoài trời, tiếp xúc với ánh mặt trời trực tiếp.

– Bổ sung dưỡng chất cho mắt như vitamin A, C, E, Omega… khi có khuyến cáo của bác sĩ.

– Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử với khoảng cách mắt quá gần và cũng không nên lạm dụng để tránh gây hại cho mắt.

– Sử dụng kính chống ánh sáng xanh khi làm việc trên các thiết bị điện tử để ngăn chặn suy giảm thị lực.

– Vệ sinh sạch sẽ mắt để loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân có hại trú ngụ ở vùng mắt.

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường các loại thực phẩm tươi xanh có lợi cho mắt.

– Khám nhãn khoa thường xuyên để kiểm soát sức khỏe thị lực và phát hiện sớm bệnh lý để điều trị kịp thời.

Nhìn chung, các dấu hiệu bệnh mộng thịt có thể nhận biết dễ dàng qua quan sát và cảm nhận. Khi thấy bản thân gặp phải những vấn đề bất thường ở vùng mắt, mọi người hãy chủ động đi khám để được tư vấn và điều trị bởi các phương pháp phù hợp, giúp nhanh chóng khỏi bệnh và bảo toàn thị lực tối ưu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital