Rách sụn chêm đầu gối là loại chấn thương gặp phải khá phổ biến nhất là ở những người trẻ tuổi, thường xuyên vận động mạnh. Vậy bị rách sụn chêm đầu gối có tự lành lại không hay bắt buộc phải tiến hành điều trị?
Menu xem nhanh:
1. Sụn chêm đầu gối nằm ở đâu?
Sụn chêm đầu gối nằm ở giữa phần dưới của xương đùi và phần trên của xương chày. Sụn có hình bán nguyệt, bề dày trung bình khoảng 3-5mm. Sụn chêm có ba phần là phần sừng trước, phần thân giữa và phần sừng sau. Sụn chêm có tính dai, đàn hồi như cao su để phù hợp với tính năng nâng đỡ.
Sụn chêm đầu gối có 2 loại gồm sụn chêm trong và sụn chêm ngoài.
– Sụn chêm đầu gối trong: Nằm phía bên trong của khớp gối, hình chữ C, có chiều dài khoảng 5-6cm.
– Sụn chêm đầu gối ngoài: Nằm phía ngoài khớp gối, hình dạng giống chữ O.
2. Rách sụn chêm đầu gối gây ra những ảnh hưởng gì?
Rách sụn chêm khớp gối thường xảy ra khi gặp các chấn thương khi vận động mạnh, tập thể thao hoặc do tai nạn giao thông. Một số ảnh hưởng điển hình khi bị rách sụn chêm mà người bệnh có thể gặp phải như sau:
– Khó khăn trong việc đi lại, vận động: Rách sụn chêm là một trong những nguyên nhân chính gây ra thoái hóa khớp gối. Khớp gối sẽ yếu dần khiến cho việc di chuyển, đi lại và vận động gặp nhiều khó khăn.
– Đau nhức khớp gối: Hầu hết các chấn thương đều gây ra những cơn đau và khó chịu cho người bệnh theo mức độ khác nhau. Rách sụn chêm không những gây đau nhức mà còn làm sưng, khiến cho người bệnh không thể nào duỗi thẳng chân được.
– Hư khớp gối: Khi sụn chêm bị rách dẫn đến quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh chóng. Hậu quả là hư khớp gối.
– Ảnh hưởng tới cả các bộ phận khác: Rách sụn chêm làm tổn thương lên dây chằng chéo. Điều này sẽ dẫn đến hàng loạt các tổn thương khác như tổn thương ở dây chằng chéo sau, bong chỗ bám, phù tủy xương.
3. Giải đáp: Bị rách sụn chêm đầu gối có tự lành lại không?
Khả năng hồi phục sau rách sụn chêm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của tình trạng rách sụn, loại rách, vị trí rách sụn chêm, dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh vùng khớp gối (kết quả chụp Xquang, chụp cộng hưởng từ MRI), tuổi tác của người bệnh và mức độ hoạt động thể chất hằng ngày.
Với những trường hợp rách sụn chêm ở mặt ngoài sụn, vết rách có kích thước nhỏ thì khả năng sụn chêm tự lành là khá cao. Do đây là vị trí có nguồn cung cấp máu nuôi dưỡng dồi dào nên có lợi cho quá trình tái tạo. Ngược lại, khi rách sụn ở vị trí 2/3 bên trong của mặt sụn chêm, cũng là nơi được cung cấp máu “nghèo nàn” thì đây là vị trí ít có khả năng tự làm lành trở lại. Lúc này, người bệnh cần được xem xét thực hiện phẫu thuật điều trị rách sụn chêm.
4. Điều trị rách sụn chêm khi không thể tự lành lại
Việc điều trị rách sụn đầu gối sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp cụ thể khi thực hiện thăm khám và đánh giá các kết quả chẩn đoán hình ảnh. Hiện nay, điều trị rách sụn chiên được thực hiện theo 2 chỉ định là điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật.
4.1. Điều trị bảo tồn khi bị rách sụn chêm đầu gối
Điều trị bảo tồn (điều trị không phẫu thuật) sẽ được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp người bệnh bị rách sụn chêm đầu gối với vết rách kích thước nhỏ ở bờ ngoại vi. Trên lâm sàng, người bệnh vẫn có thể thực hiện được các hoạt động hằng ngày, gối vẫn còn vững, chuyển động khớp gối không bị hư hỏng hay gặp vấn đề gì.
Điều trị bảo tồn có thể được thực hiện đơn giản bằng các cách sau:
– Chườm đá (chườm đều đặn 20 phút/lần, vài lần/ngày bằng dụng cụ chườm đá thông dụng);
– Băng thun đầu gối;
– Hạn chế vận động tối đa. Người bệnh có thể sử dụng nạng nhưng không nên đi lại nhiều nếu như không cần thiết;
– Dành thời nhiều gian nghỉ ngơi, nên nằm bất động.
Song song với các yêu cầu kể trên, người bệnh cần dùng thêm các thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid, các thuốc giảm phù nề,… theo đúng đơn thuốc được bác sĩ chỉ định. Một lưu ý quan trọng là bạn nên nâng chân cao hơn so với tim bằng cách kê gối cao dưới chân hoặc gác chân lên đệm khi nằm, khi ngủ. Tư thế này sẽ giúp giảm tình trạng sưng khớp gối, giúp cho vết rách sụn chêm nhanh chóng được hồi phục.
Điều trị bảo tồn thường được ưu tiên thực hiện ở đối tượng người bệnh cao tuổi bị rách sụn chêm do thoái hóa khớp gối hoặc do bị các bệnh lý về viêm xương khớp.
4.2. Điều trị phẫu thuật khi bị rách sụn chêm đầu gối
Phẫu thuật rách sụn chêm hiện này phổ biến được thực hiện là phẫu thuật nội soi khớp gối. Bác sĩ sẽ đưa một máy quay có kích thước đủ nhỏ vào tới khớp gối. Dụng cụ này sẽ có nhiệm vụ sửa chữa hoặc cắt bỏ vùng sụn chêm bị rách, bị hư hỏng, bảo tồn tối đa phần sụn lành để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến sự di chuyển của khớp gối sau ca phẫu thuật.
Theo đó, tùy vào tình trạng vết rách sụn, vị trí rách, bác sĩ sẽ lên phương án phẫu thuật chi tiết, có thể là:
– Phẫu thuật cắt toàn bộ vùng sụn chêm khớp gối (cắt hoàn toàn cả vùng bao khớp). Trường hợp này hiện nay ít thực hiện.
– Phẫu thuật cắt đi một phần sụn chêm đầu gối bị tổn thương: Thường được chỉ định trong các trường hợp bị rách sụn chêm ở vùng vô mạch.
– Phẫu thuật khâu/sửa sụn chêm: Được chỉ định khi người bệnh bị rách sụn chêm ở vùng giàu mạch máu, vết rách dọc, chiều dài vết rách trong khoảng 2cm, vết rách sụn mới và không quá 6 tuần.
Như vậy, bị rách sụn chêm đầu gối có tự lành không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Điều quan trọng là người bệnh cần chủ động thăm khám khi có những dấu hiệu bất thường ở khớp gối gây đau, sưng vùng gối và cản trở đi lại. Việc điều trị đúng phương pháp, thực hiện điều trị sớm sẽ cho hiệu quả làm lành sụn nhanh chóng, có lợi cho người bệnh.