Rong kinh đã trở thành một “nỗi khổ không lời” trong kỳ kinh nguyệt của nhiều phụ nữ. Thế nhưng, đau bụng rong kinh còn “khủng khiếp” hơn. Tình trạng này khiến nhiều chị em không thể sinh hoạt bình thường. Thậm chí, đây còn có thể là triệu chứng phản ánh nhiều bệnh phụ khoa đáng ngại, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là đau bụng rong kinh?
Như chúng ta đều biết, rong kinh là một trong những biểu hiện của việc bị rối loạn kinh nguyệt. Lúc này, chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, thời gian hành kinh kéo dài và lượng máu kinh được đẩy ra ngoài cũng nhiều hơn bình thường.
Tình trạng rong kinh được hiểu ngắn gọn hơn là mất máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt. Từ đó, người bệnh có thể bị suy nhược cơ thể do thiếu máu, thiếu sắt. Ngoài ra, tình trạng này cũng khiến cho chị em gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe phụ khoa.
Rong kinh thường được phân chia thành rong kinh cơ năng và rong kinh thực thể. Rong kinh cơ năng do sức khỏe sinh lý, quá trình sản sinh nội tiết tố và nồng độ của các hormone đang mất cân bằng, không ổn định. Trong khi đó, rong kinh thực thể lại do một số bệnh lý phụ khoa có liên quan tới chức năng, hoạt động của tử cung, buồng trứng gây ra. Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, rong kinh thực thể do xuất phát từ bệnh lý nên sẽ đi kèm với nhiều triệu chứng hơn, biểu hiện cũng sẽ nghiêm trọng, nặng nề hơn.
Một số triệu chứng đi kèm với tình trạng rong kinh gồm:
– Xuất huyết nghiêm trọng trong suốt thời gian hành kinh. Thời gian ra máu kéo dài, liên tục trên 7 ngày.
– Lượng máu kinh được đẩy ra nhiều, khiến phụ nữ phải thường xuyên thay băng vệ sinh nhiều lần để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt.
– Thường xuyên bị ra máu nhiều vào các kỳ kinh liên tiếp.
– Ban đêm, máu kinh được đẩy ra nhiều hơn.
– Máu kinh có màu sắc sẫm màu hơn, bị vón cục.
– Thường xuyên có cảm giác đau ở bụng dưới, đau mỏi lưng, tức ngực.
– Mệt mỏi, da xanh tái, thở dốc, huyết áp không ổn định do rong kinh mất nhiều máu, thiếu sắt.
Như vậy, có thể nhận thấy rõ ràng, đau bụng rong kinh là một trong những triệu chứng dễ gặp, nhất là với những người bị rong kinh thực thể. Đây là tình trạng đau bụng dưới, diễn ra trước hoặc trong thời gian hành kinh. Căn nguyên của tình trạng này là các cơn co thắt tại tử cung với cường độ mạnh, liên tục, gây áp lực khiến chị em bị đau.
Cơn đau có thể theo từng cơn hoặc đau liên tục không dứt, đau ngày càng dữ dội hơn. Đi kèm với cơn đau bụng rong kinh, chị em còn có thể cảm thấy chân tay lạnh, bủn rủn, toát mồ hôi, buồn nôn, máu kinh ra với màu sắc lạ kèm theo cục máu đông,…
2. Chị em thường bị đau bụng rong kinh do đâu? Liệu có nguy hiểm?
Đôi khi, cơn đau bụng kèm rong kinh diễn ra nhằm cảnh báo người phụ nữ về một vấn đề bệnh lý nào đó. Triệu chứng rõ rệt, lặp lại liên tục qua các kỳ kinh, chị em cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và hỗ trợ.
2.1. Chị em thường bị đau bụng rong kinh do đâu?
Các trường hợp đau bụng kèm rong kinh thường thuộc về rong kinh thực thể, rong kinh do bệnh lý. Vì vậy, chị em có thể cần cảnh giác với một số nhóm bệnh lý sau:
– Lạc nội mạc tử cung:
Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh mà các phần nội mạc tử cung phát triển lấn ra ngoài buồng tử cung. Khi tới kỳ kinh nguyệt, những mảng niêm mạc này không những không bong ra ngoài như phần niêm mạc tại tử cung mà vẫn tiếp tục bám lại, khiến máu kinh không được đào thải ra hết. Từ đó, tình trạng rong kinh xảy ra, kèm theo những áp lực tại tử cung khiến người bệnh bị đau bụng trong những ngày hành kinh.
– Lạc tuyến nội mạc tử cung
Lạc tuyến nội mạc tử cung là tình trạng các mô tuyến nằm bên trong nội mạc tử cung phát triển mạnh trong cơ tử cung, không chỉ tập trung tại lớp lót nội mạc tử cung. Chu kỳ phát triển của những lớp nội mạc này là chu kỳ thay đổi của nội tiết tố, dẫn đến thời điểm hành kinh.
Vì vậy, cũng giống như lạc nội mạc tử cung, lạc tuyến nội mạc tử cung dẫn đến hiện tượng rong kinh kéo dài, thậm chí là cường kinh. Kèm theo đó, người bệnh còn phải chịu đựng những cơn đau quặn tại vùng chậu trong thời gian hành kinh, thậm chí cả khi giao hợp.
Đây cũng là một trong những bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều tới khả năng sinh sản của người phụ nữ.
– U xơ tử cung
Các mô cơ và mô sợi tăng trưởng bất thường, hình thành những khối u trong hoặc trên thành tử cung. Kích thước, tốc độ tăng trưởng của u xơ tử cung chịu ảnh hưởng bởi hai hormone nội tiết là estrogen và progesterone. Vì thế, bệnh lý này chỉ thường gặp ở phụ nữ trẻ, đang trong độ tuổi sinh sản và trước giai đoạn mãn kinh.
U xơ tử cung thường nằm tại các vị trí dưới niêm mạc, trong thành tử cung và dưới thanh mạc. Trong đó, u xơ tử cung dưới niêm mạc và trong thành tử cung có nguy cơ dẫn tới rong kinh cao nhất do những khối u này trực tiếp tác động tới quá trình tái tạo niêm mạc tử cung, bong tróc niêm mạc trong thời gian hành kinh.
– Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là một dạng viêm nhiễm phụ khoa, có ảnh hưởng tới tử cung, vòi trứng, phần phụ và buồng trứng.
Đặc biệt, việc làm ảnh hưởng tới vòi trứng, làm rối loạn khả năng giải phóng trứng tại cơ quan này là nguyên nhân viêm vùng chậu gây rối loạn kinh nguyệt. Triệu chứng điển hình nhất của bệnh là đau bụng rong kinh, làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người phụ nữ.
– Một số nguyên nhân khác
Do một số dị tật, trạng thái bất thường tại tử cung hay âm đạo.
Do tiến hành thực hiện các phương pháp điều trị, xâm lấn ảnh hưởng tới nội tiết như phẫu thuật, đặt vòng tránh thai,…
Do mắc các bệnh về tuyến giáp, làm rối loạn chức năng tuyến giáp.
2.2. Bị đau bụng rong kinh liệu có nguy hiểm không?
Như những thông tin đã chia sẻ ở trên, việc bị đau bụng rong kinh có thể là biểu hiện của một số bệnh lý phụ khoa có liên quan tới hoạt động, chức năng của tử cung, buồng trứng.
Vì vậy, nếu cho rằng đau bụng rong kinh không gây ảnh hưởng tới sức khỏe, không cần điều trị, chị em đã quá chủ quan.
– Gây thiếu máu, mệt mỏi: Hệ quả đầu tiên và thường gặp nhất ở những phụ nữ bị rong kinh là thiếu máu, thiếu sắt. Rong kinh kéo dài kèm theo đau bụng dưới sẽ khiến chị em mệt mỏi, cơ thể suy nhược, da dẻ xanh xao, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày.
Việc thiếu máu thường xuyên còn có thể ảnh hưởng đến trí não, khiến nhiều chị em bị suy giảm trí nhớ, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu.
– Viêm phụ khoa: Rong kinh khiến cho môi trường âm đạo mất cân bằng. Máu kinh ra nhiều, ảnh hưởng đến pH tự nhiên và khiến cho vi khuẩn, nấm, tạp khuẩn dễ dàng sinh sôi, phát triển. Những trường hợp nghiêm trọng, viêm có thể tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí lan sâu vào các cơ quan sinh dục bên trong như cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng.
– Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Niêm mạc tử cung khó bong tróc, áp lực lên tử cung lớn, làm ảnh hưởng đến khả năng đẩy máu kinh ra ngoài. Vậy nên, tinh trùng rất khó xâm nhập vào tử cung, bắt đầu quá trình thụ tinh.
Rong kinh cũng làm cho môi trường âm đạo mất đi sự cân bằng vốn có. Từ đó, tinh trùng sau khi đi qua âm đạo cũng bị ảnh hưởng cả về số lượng và chất lượng. Khả năng thụ thai thành công giảm, dễ rơi vào tình trạng vô sinh – hiếm muộn.
3. Chẩn đoán và điều trị đau bụng rong kinh
Đau bụng đi kèm rong kinh trong kỳ kinh nguyệt không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của chị em mà còn khiến cho sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể gặp rất nhiều hệ quả không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị từ sớm là rất cần thiết, nhất là với những trường hợp rong kinh thực thể đi cùng triệu chứng đau bụng kinh dữ dội.
Hiện nay, công tác chẩn đoán các bệnh phụ khoa gây rong kinh chủ yếu thực hiện dựa trên kỹ thuật siêu âm và nội soi, quan sát và phát hiện kịp thời những bất thường bên trong tử cung, buồng trứng, cũng là những nguyên nhân rong kinh.
Trong trường hợp siêu âm không chỉ rõ được nguyên nhân, vấn đề bệnh lý, người bệnh sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI để chẩn đoán chính xác. Đặc biệt, với các trường hợp lạc tuyến nội mạc cổ tử cung khu trú, hay những trường hợp cần chẩn đoán bề rộng các khối u.
Ngoài ra, đối với một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm như:
– Phết tế bào cổ tử cung.
– Soi buồng tử cung.
– Soi tươi dịch âm đạo.
– Nạo và thực hiện sinh thiết ống cổ tử cung, tế bào niêm mạc tử cung.
Để cải thiện tình trạng đau bụng rong kinh, bác sĩ cũng cần dựa trên thể bệnh, dạng bệnh của từng bệnh nhân để đưa ra phương án cải thiện.
Với những bệnh nhân bị đau bụng rong kinh do rong kinh cơ năng, việc cải thiện triệu chứng sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Chị em chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, nghỉ ngơi sao cho phù hợp với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể áp dụng chườm nóng vùng bụng trong thời gian hành kinh để tử cung co bóp tốt hơn, thư giãn vùng chậu, bụng dưới, giúp tăng khả năng tuần hoàn máu. Cùng với đó, chị em có thể sử dụng nước gừng, trà gừng, các loại trà nóng để giúp tử cung co bóp tốt hơn. Những việc này còn giúp các mẹ thư giãn, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi khi phải chịu đựng những cơn đau bụng kinh.
Với những bệnh nhân đau bụng rong kinh do bệnh lý, việc điều trị cần tiến hành chuyên sâu hơn. Những bệnh nhân này cần được thăm khám và kiểm tra sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa, nhận chẩn đoán chi tiết để có hướng điều trị phù hợp nhất. Với những trường hợp rong kinh do u xơ, u nang, các nang tại buồng trứng phát triển, việc cần làm là thực hiện phẫu thuật ngoại khoa, xử lý triệt để các tác nhân bệnh đó để vừa khắc phục rong kinh, đau bụng kinh, vừa cải thiện sức khỏe sinh lý, sinh sản.
Một số trường hợp khác, người bệnh có thể được hướng dẫn sử dụng vitamin, các loại thực phẩm chức năng, các loại vitamin, khoáng chất hoặc liệu pháp hormone để cải thiện tình trạng của bản thân tốt hơn. Tuy nhiên, việc điều trị, sử dụng các chế phẩm này cần có sự thông qua của bác sĩ chuyên khoa và cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin chi tiết về tình trạng đau bụng rong kinh mà chị em cần nắm rõ. Qua đây, hy vọng chị em có thể chủ động hơn trong việc khám, kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ và có ý thức phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm có biểu hiện là vấn đề rối loạn kinh nguyệt.