Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị. Bệnh xuất huyết tiêu hóa được chia thành xuất huyết tiêu hóa trên và dưới, có nguyên nhân và các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về bệnh qua bài viết dưới đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh xuất huyết tiêu hóa – Khái niệm và phân loại
Tình trạng chảy máu khỏi lòng thành mạch vào đường tiêu hóa được gọi là xuất huyết tiêu hóa. Lượng máu này được thải ra khỏi đường tiêu hóa bởi việc nôn hoặc đại tiện ra máu hay phân đen.
hương án điều trị xuất huyết tiêu hóa tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong đó cần đặc biệt cảnh giác với các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa cấp tình. Lúc này, người bệnh cần được điều trị cấp cứu để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Xuất huyết tiêu hóa được chia thành 2 loại dựa vào vị trí chảy máu, gồm:
– Xuất huyết tiêu hóa trên: Tình trạng xuất huyết từ thực quản đến phía trên của dây chằng Treitz.
– Xuất huyết tiêu hóa dưới: Vị trí chảy máu từ dưới dây chằng Treitz trở xuống đến hậu môn.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến xuất huyết tiêu hóa?
Nguyên nhân chung gây xuất huyết tiêu hóa phổ biến gồm: rối loạn đông máu (giảm tiểu cầu, bệnh Hemophilia), dùng thuốc chống đông, suy giảm chức năng gan, thiếu vitamin K, mắc bệnh sốt xuất huyết,… Ngoài ra mỗi loại xuất huyết tiêu hóa lại có nguyên nhân khác nhau, cụ thể:
2.1. Nguyên nhân của xuất huyết tiêu hóa trên
Tình trạng xuất huyết tại thực quản có nguyên nhân chính là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Điều này dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản, khiến tĩnh mạch thực quản vỡ đột ngột. Ngoài ra, loét thực quản, hội chứng Mallory weiss,… cũng là lý do gây chảy máu tại thực quản thường gặp.
Xuất huyết dạ dày – tá tràng chủ yếu bắt nguồn từ các vết loét tại dạ dày, tá tràng. Loét dạ dày có tỷ lệ xuất huyết từ 15 – 16%. Vết loét thường xuất hiện ở bờ cong nhỏ, vùng tâm vị, mặt sau dạ dày. Trong khi đó, loét tá tràng hiếm gặp hơn, thường ở hành tá tràng. Tuy nhiên, tỷ lệ loét tá tràng có biến chứng chảy máu lại cao hơn (khoảng 25%). Các nguyên nhân khác gây xuất huyết dạ dày – tá tràng có thể kể đến như: ung thư dạ dày, polyp dạ dày – tá tràng,…
2.2. Nguyên nhân của bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới
Đường tiêu hóa dưới có tình trạng xuất huyết do:
– Chảy máu tại ruột non: Hiếm gặp trong xuất huyết tiêu hóa dưới. Bệnh thường liên quan đến bệnh lao ruột, u ruột non, lồng ruột, viêm ruột hoại tử,…
– Chảy máu đại trực tràng: Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong xuất huyết tiêu hóa dưới. Nguyên nhân gây chảy máu đại trực tràng gồm: viêm loét, bệnh Crohn, chảy máu túi thừa đại tràng, ung thư đại trực tràng, polyp đại trực tràng, trĩ, nhiễm khuẩn lỵ trực khuẩn hay nhiễm lỵ amip,…
– Các vấn đề tại hậu môn như: nứt kẽ hậu môn, khối u,…
3. Triệu chứng điển hình cảnh báo xuất huyết tiêu hóa
3.1. Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên
– Nôn ra máu: Có thể là máu đỏ, máu đen, máu cục; có thể lẫn với thức ăn. Lượng máu nôn ra ít hay nhiều tùy vào nguyên nhân xuất huyết.
– Đại tiện phân đen giống như bã cà phê, có mùi khắm. Thời gian các chất lưu chuyển trong ruột và lượng máu xuất huyết sẽ quyết định tính chất của phân. Nếu xuất huyết nhiều, phân thường loãng, xen lẫn nước màu đỏ. Trường hợp lượng xuất huyết ít, phân vẫn thành khuôn, có màu đen như nhựa đường, dính.
– Dấu hiệu mất máu: hoa mắt, chóng mặt, da xanh, thiểu niệu, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt,… Người bệnh có lượng xuất huyết ít có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng không rõ rệt như chóng mặt, đau đầu. Trường hợp mất máu nhiều, người bệnh có thể rơi vào tình trạng vật vã hoặc thậm chí hôn mê.
– Có biểu hiện sốt.
– Các biểu hiện khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: Giãn tĩnh mạch thực quản thường gây xuất huyết thực quản có biểu hiện của tăng áp lực tĩnh mạch cửa như: vàng da, mệt mỏi, tuần hoàn bàng hệ,… Loét dạ dày – tá tràng gây xuất huyết thường có triệu chứng: đau thượng vị, buồn nôn, nôn, ợ chua, người bệnh có tiền sử mắc bệnh lý dạ dày – tá tràng. Trường hợp xuất huyết do nguyên nhân ác tính, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược ăn nhanh no, giảm cân không rõ nguyên nhân.
3.2. Xuất huyết tiêu hóa dưới
Các triệu chứng thường gặp của xuất huyết tiêu hóa dưới gồm:
– Đại tiện ra máu đỏ tươi, máu có thể lẫn trong phân hoặc đi sau phân.
– Đại tiện phân đen, có thể lẫn máu.
– Các dấu hiệu mất máu tùy thuộc vào số lượng máu bị mất: Xuất huyết nhẹ thường không có biểu hiện cụ thể. Khi tình trạng xuất huyết nặng hơn, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: hoa mắt, chóng mặt, thiểu niệu, da xanh, niêm mạc nhớt, khát, mạch nhanh nhỏ khó bắt, tụt huyết áp,… Xuất huyết rất nặng có thể dẫn đến vật vã, li bì, hôn mê.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp phải triệu chứng liên quan đến nguyên nhân gây bệnh:
– Nguyên nhân viêm loét đại tràng, bệnh Crohn: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
– Do lỵ: Lỵ trực khuẩn gây triệu chứng sốt, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, phân có lẫn máu. Trong khi đó, lỵ amip gây đau bụng, mót rặn, đại tiện phân nhầy máu.
– Nguyên nhân ung thư đại tràng: Đại tiện ra máu nhầy như máu cá, phân mỏng, đi kèm với biểu hiện mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân.
– Nguyên nhân bệnh lý hậu môn: Bệnh trĩ gây chảy máu, có thể chảy thành tia và thấy búi trĩ lộ ra ngoài. Nứt kẽ hậu môn gây đau khi đại tiện, tình trạng chảy máu xuất hiện sau khi đại tiện, đặc biệt khi người bệnh bị táo bón.
4. Kết luận
Xuất huyết tiêu hóa trên được đánh giá có mức độ nguy hiểm cao hơn so với xuất huyết tiêu hóa dưới. Theo các nghiên cứu, khoảng 80% trường hợp chảy máu đường tiêu hóa dưới có thể tự cầm máu được. Trong khi đó, xuất huyết tiêu hóa trên thường gây mất máu nhiều, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Trong cả hai trường hợp bệnh xuất huyết tiêu hóa trên và dưới, người bệnh đều cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín ngay khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định vị trí và nguyên nhân gây xuất huyết, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả.