Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây viêm mũi mủ ở trẻ nhỏ
Viêm mũi mủ ở trẻ thường do virus, vi khuẩn gây ra trong đó vi khuẩn chiếm phần lớn. Bệnh được chia làm 2 dạng là viêm mũi mủ cấp tính và mãn tính.
Ngoài ra, viêm mũi mủ thường do trẻ bị viêm mũi nhưng do ba mẹ chưa chú ý hoặc điều trị sau cách hay điều trị muộn khiến viêm mũi chuyển sang dạng quá mẫn, dễ phản ứng với các tác nhân bên ngoài.
2. Nhận biết các triệu chứng viêm mũi mủ ở trẻ em
Khi bị viêm mũi mủ, trẻ nhỏ thường có các biểu hiện mà cha mẹ cần chú ý như:
– Nghẹt mũi: do dịch tiết bị ứ đọng trong khoang mũi hoặc trong các xoang gây ra tình trạng nghẹt mũi ở bé.
– Chảy nhiều dịch mũi: các dịch nhầy thường đặc quánh có thể chảy ra ngoài hay chảy xuống cổ họng của trẻ. Dịch tiết ra ngoài thường có mủ màu trắng đục, xanh hay vàng tùy theo tình trạng bệnh. Trong đó trẻ tiết ra mủ màu vàng thường là khi bệnh đã bị viêm nhiễm nặng.
– Bé đau nhức vùng mũi xoang.
– Miệng và hơi của trẻ có mùi hôi khó chịu do ảnh hưởng của dịch nhầy tiết ra.
– Trẻ có thể kèm theo đau đầu, mệt mỏi, biếng ăn, ngủ không ngon giấc,…
3. Viêm mũi mủ ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh này ở trẻ em không khó chữa, tuy nhiên ba mẹ tuyệt đối không nên chủ quan, hãy đưa bé đi thăm khám sớm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như viêm tai, viêm phổi, viêm xoang cấp,…
Khi bé bị mũi mủ với những triệu chứng kéo dài trên 7 ngày, kèm theo các triệu chứng nặng hơn như khàn tiếng, đau tai và khó thở các bậc phụ huynh nên đưa con đến ngay cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Tai Mũi Họng để bé được thăm khám và có biện pháp xử trí kịp thời.
4. Điều trị viêm mũi mủ ở trẻ em như thế nào?
Viêm mũi mủ ở trẻ em nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn gây bệnh vì vậy kháng sinh thường được sử dụng để điều trị. Bên cạnh đó các bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc đi kèm tùy thuộc vào tình trạng của bé như: thuốc giảm phù nề và kháng viêm, corticoid, thuốc giảm đau nhức mũi và hạ sốt có chứa thành phần paracetamol giúp trẻ mau chóng hết các triệu chứng viêm mũi mủ.
Các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm này thường chỉ được sử dụng từ 7-10 ngày sau đó trẻ nên đi thăm khám lại với bác sĩ để tránh tình trạng sử dụng thuốc kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
5. Biện pháp giúp phòng ngừa viêm mũi mủ ở trẻ em
– Giữ vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ và đồ chơi của bé sạch sẽ.
– Luôn giữ ấm cổ họng cho bé, tránh gió lùa trực tiếp vào cổ họng.
– Vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ giúp loại bỏ chất nhầy, gỉ mũi. Từ đó, góp phần phòng tránh bệnh viêm nhiễm hô hấp như viêm xoang, nghẹt mũi hay viêm mũi,…
– Dạy và nhắc bé không được ngoáy mũi, bởi như vậy, niêm mạc mũi rất dễ bị tổn thương.