Bệnh viêm loét hành tá tràng rất phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu cụ thể triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu bệnh viêm loét hành tá tràng là gì?
Hành tá tràng là phần đầu tiên của ruột non, nằm ngay sau dạ dày, chúng có niêm mạc được tạo thành từ các tế bào lát tầng. Viêm loét hành tá tràng là hiện tượng những tổn thương tạo thành ổ loét ở lớp niêm mạc hoặc có thể xâm lấn sâu hơn xuống lớp dưới niêm mạc.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm loét hành tá tràng
Bạn có thể nhận biết bệnh viêm loét hành tá tràng thông qua các dấu hiệu:
– Thường xuyên đau thượng vị, cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, thời gian đau có thể vài chục phút đến vài giờ, có khi người bệnh đau và khó chịu cả ngày, cơn đau thường khởi phát lúc người bệnh đói, ăn quá no hoặc vào ban đêm.
– Hàng loạt các rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra như tiêu chảy, táo bón…
– Người bệnh xuất hiện các dấu hiệu ợ chua, ợ hơi, nóng rát, nôn và buồn nôn, ăn không ngon, khó tiêu, mất ngủ, cơ thể suy nhược, da xanh xao do thiếu máu.
– Ngoài ra, người bệnh sẽ đi ngoài phân đen, phân có lẫn máu khi loét hành tá tràng gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Bệnh để lâu không điều trị, các triệu chứng sẽ tăng nặng mức độ khó chịu và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
3. Nguyên nhân dẫn đến viêm loét hành tá tràng là gì?
3.1. Bệnh viêm loét hành tá tràng do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Khi một lượng lớn các vi khuẩn Hp xâm nhập vào trong dạ dày, ruột non gây tăng tiết acid dạ dày đồng thời cũng làm giảm hàng rào chất nhầy bảo vệ lớp niêm mạc tế bào. Điều này cho phép acid dạ dày tiếp xúc với niêm mạc hành tá tràng gây viêm loét tại đây.
3.2. Bệnh viêm loét hành tá tràng do sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm
Thuốc chống viêm không steroid là những loại thuốc được sử dụng rất phổ biến để giảm viêm và giảm đau. Sử dụng trong thời gian dài, thuốc làm giảm hàng rào chất nhầy của tá tràng, khiến acid dạ dày tiếp xúc với niêm mạc tế bào gây ra tổn thương viêm loét.
3.3. Bệnh viêm loét hành tá tràng gây ra bởi một số nguyên nhân khác
– Thường xuyên sử dụng các loại thuốc như aspirin, naproxen, ibuprofen.
– Thường xuyên bị mắc bệnh viêm đường tiêu hóa.
– Có tình trạng dịch mật chảy từ tá tràng vào đến dạ dày (trào ngược dịch mật).
– Hệ miễn dịch yếu nên hay bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhiễm vi rút.
– Đối diện với căng thẳng, trầm cảm trong thời gian dài.
– Thường xuyên hút thuốc và tiêu thụ bia rượu.
– Do tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị ung thư.
4. Hậu quả của bệnh viêm loét hành tá tràng
Bệnh viêm loét hành tá tràng nếu không được điều trị ngay sẽ dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng như:
– Loét hành tá tràng có thể dẫn đến thủng tá tràng: Vết loét ăn sâu vào lớp cơ trong thời gian dài sẽ dẫn đến thủng tá tràng. Nếu dạ dày – tá tràng bị thủng, sẽ khiến thức ăn trào vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng rất nguy hiểm.
– Biến chứng xuất huyết đường tiêu hóa: Vết loét có thể chảy máu ít trong thời gian dài, biểu hiện bằng việc người bệnh đi ngoài phân đen hay phân có lẫn máu. Hoặc nguy cơ gây chảy máu ồ ạt, biểu hiện bằng việc người bệnh bị nôn ra máu, đi ngoài ra máu tươi.
– Biến chứng hẹp môn vị: Ổ loét ở môn vị gây hẹp lòng ruột, làm cho thức ăn khó di chuyển từ dạ dày xuống ruột non. Các dấu hiệu của hẹp môn vị khiến người bệnh bị nôn mửa, bụng óc ách và sút cân nhanh.
– Bệnh loét hành tá tràng có thể dẫn đến ung thư dạ dày: Vết loét quá nghiêm trọng và trong thời gian quá lâu sẽ gây ra bất thường, tiến triển thành ung thư.
5. Phương pháp chẩn đoán bệnh loét hành tá tràng
Để chẩn đoán chính xác mức độ viêm loét tại hành tá tràng, bác sĩ sẽ khám và khai thác triệu chứng hiện tại. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và thăm dò chức năng như sau:
– Nội soi tiêu hóa trên (thực quản – dạ dày – tá tràng): Phương pháp này bác sĩ sử dụng một ống mềm dài có gắn nguồn sáng và camera ở phía đầu. Nhờ đó bác sĩ có thể quan sát kỹ lưỡng bên trong dạ dày và tá tràng người bệnh. Phương pháp nội soi tiêu hóa giúp bác sĩ xác định chính xác tổn thương, lấy mẫu sinh thiết xác định bản chất của tổn thương, kiểm tra người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP không…
– Xét nghiệm máu, xét nghiệm mẫu phân, xét nghiệm hơi thở để kiểm tra xem người bệnh có dương tính với vi khuẩn HP hay không.
6. Các biện pháp điều trị bệnh viêm loét hành tá tràng hiệu quả
– Nếu vết loét hành tá tràng là do vi khuẩn HP gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và một số loại thuốc làm giảm lượng axit do dạ dày tạo ra, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày…
– Nếu người bệnh bị loét dạ dày tá tràng do sử dụng thuốc chống viêm, do uống bia rượu thì cần phải ngừng sử dụng thuốc (nếu có thể) và kiêng hẳn bia rượu, đồng thời uống thuốc để giảm sản xuất axit ở dạ dày.
7. Phòng ngừa bệnh viêm loét hành tá tràng
Bạn không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị viêm loét hành tá tràng, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh:
– Nếu bắt buộc phải uống thuốc chống viêm, bạn hãy đề nghị bác sĩ cân đối liều lượng hoặc chuyển sang một loại thuốc khác có tác dụng tương tự nhưng không gây hại cho dạ dày.
– Không nên hút thuốc lá, thuốc lào và uống bia rượu.
– Nếu dương tính với vi khuẩn HP hãy tuân thủ điều trị, không được bỏ thuốc, không được uống thuốc cách nhật.
– Tập thể dục thường xuyên, tăng cường hoạt động thể chất giúp tăng cường miễn dịch và giảm tình trạng viêm ở hành tá tràng.
– Có thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
– Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống lành mạnh tốt cho hệ tiêu hóa.
– Có thói quen khám sức khỏe và nội soi tiêu hóa định kỳ để tầm soát các bệnh lý ở đường tiêu hóa.
Bệnh viêm loét hành tá tràng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, do vậy bạn không nên chủ quan. Khi thấy những dấu hiệu bất thường tại đường tiêu hóa, cần đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra ngay, đề phòng bệnh tiến triển nặng.