Cách dùng thuốc trị thủy đậu cho trẻ an toàn, hiệu quả

Tham vấn bác sĩ

Thủy đậu ở trẻ là một bệnh truyền nhiễm dễ gặp, dễ điều trị nhưng cũng dễ biến chứng nếu bé mắc bệnh không được chăm sóc, điều trị đúng cách. Bài biết dưới đây sẽ cập nhật tới bố mẹ những điều quan trọng cần biết về bệnh thủy đậu ở trẻ và hướng dẫn cách dùng thuốc trị thủy đậu an toàn, mang lại hiệu quả cao.

1.Trẻ mắc thủy đậu có thể khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc không?

Thủy đậu ở trẻ là một bệnh truyền nhiễm, phổ biến hơn ở các bé dưới 10 tuổi. Bệnh thủy đậu ở trẻ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng dễ bùng thành dịch hơn vào khoảng mỗi mùa xuân.

Trẻ mắc thủy đậu được uống thuốc điều trị đúng cách sẽ giảm nguy cơ biến chứng nặng

Trẻ mắc thủy đậu được uống thuốc điều trị đúng cách sẽ giảm nguy cơ biến chứng nặng

Khi mắc bệnh thủy đậu, dù ở mức nặng hay nhẹ, mọi trẻ đều sẽ phải trải qua 04 giai đoạn của bệnh:

– Giai đoạn ủ bệnh thủy đậu ở trẻ thường diễn ra từ 10 – 20 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ mắc thủy đậu không xảy ra bất cứ triệu chứng nào, do đó rất khó để phát hiện trẻ có thể đã mắc bệnh.

– Giai đoạn khởi phát thủy đậu ở trẻ nhỏ chỉ diễn ra từ 1 – 2 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ mắc thủy đậu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ban đầu như mệt mỏi, đau nhức đầu, đau cơ, chán ăn, đau họng, sốt nhẹ hoặc sốt cao… Cuối giai đoạn khởi phát, trẻ có thể bắt đầu nổi những nốt mẩn đỏ đầu tiên trên da.

– Giai đoạn toàn phát. Ngay khi chuyển qua giai đoạn toàn phát, các nốt thủy đậu ở trẻ sẽ phát triển nhanh chóng, mọc toàn thân, to dần lên thành các nốt mụn nước lớn.

– Giai đoạn hồi phục sẽ đến sau 7-10 ngày bé phát bệnh. Đây là giai các nốt thủy đậu của bé dần khô lại, bong vảy và hồi phục. Song cần lưu ý rằng đây cũng là giai đoạn các nốt thủy đậu của trẻ dễ bội nhiễm, biến chứng nhất.

Theo lý thuyết, bệnh thủy đậu ở trẻ có thể tự khỏi mà không cần dùng tới thuốc. Tuy nhiên, do đặc thù các nốt thủy đậu dễ nhiễm trùng, dễ biến chứng nên bé mắc thủy đậu cần được bố mẹ chăm sóc và cho uống thuốc trị thủy đậu đúng cách để giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

2. Trẻ thủy đậu nên được đi khám sớm từ giai đoạn khởi phát

thuốc trị thủy đậu cho trẻ

Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường về sức khỏe phụ, huynh nên cho con đi khám sớm

Trẻ mắc thủy đậu ở độ tuổi càng nhỏ thì nguy cơ biến chứng nặng càng cao, càng phải chăm sóc và điều trị thật cẩn thận. Do đó, lựa chọn tốt nhất là bố mẹ nên cho bé mắc thủy đậu đi khám bác sĩ tại cơ sở uy tín càng sớm càng tốt.

Khi bước sang giai đoạn khởi phát, trẻ mắc thủy đậu đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Nếu bố mẹ chú ý quan sát và cho con đi khám bác sĩ sớm, trẻ sẽ được bác sĩ xác định bệnh và hỗ trợ điều trị với phác đồ phù hợp. Dù vẫn phải trải qua đầy đủ 4 giai đoạn của bệnh thủy đậu, nhưng khi được uống thuốc trị thủy đậu theo chỉ định của bác sĩ, các triệu chứng bé gặp phải sẽ nhẹ nhàng hơn và giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Hơn thế, khi cho trẻ mắc thủy đậu đi khám bác sĩ sớm, bố mẹ còn được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc con khoa học. Nhờ đó, bố mẹ không bị lúng túng và gia tăng mức độ an toàn hơn khi cho trẻ mắc thủy đậu điều trị bệnh tại nhà.

3. Các thuốc trị thủy đậu thường dùng điều trị cho trẻ

thuốc trị thủy đậu

Các thuốc thường dùng trị bệnh cho trẻ nhỏ

Khi mắc bệnh thủy đậu, trẻ thường được bác sĩ kê những thuốc sau để giảm nhẹ triệu chứng và giúp bệnh sớm phục hồi hơn:

3.1. Thuốc hạ sốt cho bé thủy đậu

Bệnh thủy đậu của trẻ là do virus Varicella Zoster gây ra, khi bệnh khởi phát, thân nhiệt của bé sẽ tăng lên. Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng sốt cao trên 38,5 độ C, bố mẹ cần cho bé uống thuốc hạ sốt.

Paracetamol hay Ibuprofen là 2 thuốc hạ thuốc phổ biến và an toàn cho đối tượng trẻ nhỏ. Bố mẹ có thể cho bé dùng 1 trong 2 thuốc hạ sốt này, liều lượng theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo chỉ định được nhà sản xuất in trên vỏ hộp. Bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ mắc thủy đậu hạ sốt với Aspirin, vì thuốc này có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

3.2. Thuốc giảm ngứa cho bé thủy đậu

Trẻ bị thủy đậu hầu hết sẽ bị ngứa ngáy, khó chịu khi các nốt thủy đậu xuất hiện. Mức độ ngứa sẽ càng tăng lên theo khi nốt thủy đậu to lên thành mụn và cả khi đã đóng vảy. Nếu không hỗ trợ điều trị, có người lớn ở cạnh bên chăm sóc thì bé dễ phát sinh hành động gãi gây nhiễm trùng, bội nhiễm nốt thủy đậu.

Một số trường hợp trẻ mắc thủy đậu ngứa nhiều sẽ được bác sĩ kê thuốc giảm ngứa. Thuốc kháng histamin có thể sử dụng trong trường hợp này để giúp bé giảm bớt tình trạng ngứa ngáy do nốt thủy đậu gây ra.

3.3. Thuốc kháng virus cho bé thủy đậu

Kháng virus là thuốc thường được kê để điều trị bệnh cho các bé thủy đậu. Mục đích là để làm giảm sự hoạt động của virus gây bệnh, giảm tình trạng nhiễm trùng thứ phát và ngừa nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.

Tuy nhiên, thuốc kháng virus thường chỉ dùng cho trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch và các trường hợp cần thiết. Do đó, bố mẹ chỉ cho bé mắc thủy đậu uống thuốc này khi được bác sĩ kê đơn.

3.4. Thuốc kháng sinh cho bé thủy đậu

Trẻ mắc thủy đậu sẽ được bác sĩ chỉ định uống kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm trùng xảy ra. Lý do là bởi thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn gây nhiễm khuẩn, viêm sưng chứ không tiêu diệt được virus gây bệnh thủy đậu.

3.5. Thuốc bôi ngoài da cho bé thủy đậu

Mụn nước chính là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh thủy đậu. Nếu không được điều trị, chăm sóc tốt, nốt thủy đậu của trẻ có thể vớ ra bất cứ lúc nào và gây nhiễm trùng, bội nhiễm rất nguy hiểm. Do đó, để ngừa nguy cơ viêm loét da có thể xảy ra, trẻ mắc thủy đậu thường được bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi hay thuốc sát trùng da ở giai đoạn hồi phục.

Lưu ý rằng, các thuốc thường dùng điều trị cho trẻ thủy đậu được bài viết đề cập bên trên chỉ nhằm mục đích để bố mẹ hiểu hơn về bệnh thủy đậu nói chung và các thuốc trị thủy đậu nói chung. Mọi thuốc bé mắc thủy đậu uống đều cần được chỉ định từ bác sĩ, đặc biệt là các bé dưới 6 tuổi. Bố mẹ không nên tự ý mua thuốc để điều trị bệnh thủy đậu cho trẻ, tránh tác dụng phụ và nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Trong quá trình điều trị bệnh tại nhà, bố mẹ không nên chủ quan khi bé xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, hôn mê, co giật, nốt mụn nước xuất huyết… Thay vào đó, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa bé tới ngay Thu Cúc TCI cơ sở gần nhất để được bác sĩ hỗ trợ điều trị kịp thời nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital