Polyp túi mật là bệnh gì? Bệnh polyp túi mật có nguy hiểm không? Khi nào tiến hành điều trị?,..và rất nhiều câu hỏi liên quan về loại bệnh lý khá phổ biến này sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh polyp túi mật
Polyp túi mật là bệnh lý có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trưởng thành, không có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ. Có khoảng 92% các trường hợp polyp túi mật là lành tính và tỷ lệ nhỏ bệnh có nguy cơ chuyển biến ác tính thành ung thư.
Vì vậy, không thể chủ quan với polyp trong túi mật, người bệnh nên chủ động thăm khám và tiến hành điều trị càng sớm càng tốt.
1.1. Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật hay còn gọi là túi mật có polyp là hiện tượng xuất hiện các u nhú mọc ra ở bên trong lớp niêm mạc của thành túi mật theo dạng đơn độc hoặc thành từng chùm (đa polyp túi mật).
1.2. Phân loại polyp túi mật
Tùy thuộc vào tính chất, kích thước của polyp và nguyên nhân gây bệnh để có thể chia polyp túi mật theo các loại sau:
– Polyp Cholesterol: Chiếm khoảng 50% tổng các trường hợp polyp túi mật (đây là loại phổ biến nhất). Polyp Cholesterol có đường kính thường nhỏ khoảng 2-10mm, với đặc điểm xuất hiện các đốm vàng trên niêm mạc thành túi mật.
– Polyp cơ tuyến túi mật: Là loại phổ biến thứ hai sau polyp Cholesterol và chiếm khoảng 25% trường hợp bệnh. Loại này có kích thước lớn hơn rất nhiều so với polyp Cholesterol vào khoảng 10-20 mm.
– Polyp viêm: Chiếm khoảng 10% các trường hợp polyp túi mật. Loại này thường là những u nhú dạng đơn độc, đường kính 5-10mm và được cấu tạo từ các tế bào viêm, mô xơ, mô hạt.
– Polyp tuyến: Loại này khá hiếm gặp với 5% các trường hợp polyp túi mật và cũng thường mọc ở dạng đơn độc.
– Một số loại polyp khác: Là các mô dị hình, u mỡ, u hạt, u xơ,…
1.3. Nguyên nhân gây bệnh
Cho đến nay, vẫn chưa thể đưa ra được nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh polyp túi mật. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng sự hình thành các u nhú ở tuyến mật có liên quan tới một số yếu tố như: Chức năng gan kém hoặc các bệnh gan do virus, sự bất thường trong quá trình chuyển hóa Cholesterol, mỡ máu, thói quen sinh hoạt ăn uống thiếu khoa học, bệnh lý béo phì,…
Một số yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
– Người bệnh trên 60 tuổi, có tiền sử mắc các bệnh về gan hoặc hội chứng về gan.
– Người bệnh bị béo phì, chỉ số mỡ máu cao, đường huyết cao.
– Ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất béo và thức ăn giàu cholesterol vào cơ thể.
– Người bệnh có tiền sử mắc sỏi mật hoặc viêm đường mật nguyên phát.
1.4. Triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh
Đa phần các trường hợp polyp túi mật sẽ không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi thực hiện khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám vì các lý do khác.
Chỉ có khoảng 6-7% người bệnh polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng. Thường gặp nhất là triệu chứng đau tức dưới sườn phải hoặc đau vùng trên rốn. Một số ít còn có biểu hiện buồn nôn, nôn ói, chậm tiêu, co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải nhất là khi ăn đồ ăn chiên xào, nhiều chất béo.
Chính vì vậy, việc phát hiện bệnh polyp túi mật chủ yếu là nhờ vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cộng hưởng từ hạt nhân và chụp cắt lớp vi tính.
2. Bệnh polyp túi mật có nguy hiểm không?
Như đã nói ở trên, có khoảng 92% các trường hợp polyp túi mật là lành tính và sẽ không gây nguy hiểm hay gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Một số ít còn lại có thể phát triển thành những biến chứng cấp tính như ứ trệ dịch mật, viêm túi mật, viêm đường mật, rối loạn đường tiêu hoá,… và nguy hiểm nhất là tiến triển ác tính thành ung thư.
Lưu ý những trường hợp túi mật có polyp bất thường, khả năng cao phát triển ác tính như:
– Polyp đơn độc và polyp có chân rộng (polyp không cuống).
– Polyp với kích thước lớn từ 10mm trở lên.
– Polyp có kích thước nhỏ nhưng mọc thành các cụm lớn (đa polyp túi mật).
– Polyp phát triển nhanh bất thường, tăng sinh nhanh về diện tích, số lượng và kích thước chỉ trong thời gian ngắn.
– Polyp phát triển ở người bệnh trên 50 tuổi.
– Polyp xuất hiện kèm theo sỏi túi mật.
– Polyp có biến chứng và gây viêm túi mật mãn tính.
– Polyp túi mật ở người bệnh viêm xơ đường mật bất kể mọi kích thước và hình thái.
Vì vậy, để ngăn ngừa polyp túi mật phát triển ác tính thành ung thư, người bệnh cần theo thực hiện thăm khám định kỳ nhằm theo dõi sự phát triển của polyp cũng như tình trạng, triệu chứng bệnh để có hướng can thiệp kịp thời.
3. Khi nào polyp túi mật cần được tiến hành điều trị?
Với trường hợp polyp túi mật là lành tính, người bệnh hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với polyp túi mật chỉ cần lưu ý việc thăm khám và theo dõi tình trạng bệnh. Vì thế phần lớn người bệnh chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học mà chưa phải can thiệp y tế.
Tuy nhiên, với các trường hợp, người bệnh có từ 2-3 polyp trở lên, kích thước của polyp lớn hơn 10 mm hoặc các polyp phát triển nhanh chóng, tăng lên về số lượng trong các lần siêu âm kiểm tra sau 3-6 tháng thì có thể được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật. Bệnh nhân sau khi cắt túi mật vẫn khỏe mạnh, bình thường, không ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Trong trường hợp polyp túi mật có xu hướng lớn dần lên trên 10mm kèm theo các biểu hiện như đau bụng, nôn ói, sốt cao tái phát hoặc có kết quả chẩn đoán hình ảnh gợi ý tính chất ác tính như khi thấy polyp có chân lan rộng, không đều đặn, thì việc chỉ định phẫu thuật có thể được đưa ra là điều chắc chắn.
Như vậy, chắc hẳn bạn đã có cho mình câu trả lời với thắc mắc bệnh polyp túi mật có nguy hiểm không. Đối với người bệnh có polyp trong túi mật, hãy thực hiện nghiêm túc việc thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thể kiểm soát tình trạng bệnh cũng như có hướng điều trị tốt nhất.