Bệnh loét hang vị dạ dày khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xuất huyết thậm chí là ung thư dạ dày. Do đó, trang bị những kiến thức về căn bệnh này là cách hiệu quả để phòng bệnh và điều trị đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm bệnh loét hang vị dạ dày là gì?
Hang vị nằm ở vị trí gần cuối dạ dày, là phần tiếp nối của thân vị chạy sang bên phải. Với vị trí giải phẫu nằm ngang, có vai trò như một van đóng mở lưu trữ lượng lớn thức ăn, nên hang vị cũng dễ bị viêm loét hơn các bộ phận khác của dạ dày.
Khi niêm mạc hang vị dạ dày bị tấn công bởi vi khuẩn, virus, dịch acid… làm xuất hiện các vết thương, tình trạng này gọi là viêm hang vị. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến loét hang vị, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
2. Những nguyên nhân dẫn đến loét hang vị dạ dày
2.1. Nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh loét hang vị dạ dày
Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý viêm loét tại dạ dày. Chúng dễ dàng xâm nhập và lây lan qua hoạt động ăn uống của con người, điều này lý giải tại sao có đến 70% người dân Việt Nam nhiễm loại vi khuẩn này. Vi khuẩn Hp sinh sống trong lớp nhầy niêm mạc dạ dày, khi số lượng vi khuẩn nhiều chúng sẽ tiết ra chất độc tấn công làm mất lớp nhầy bảo vệ gây ra tình trạng viêm loét.
2.2. Uống thuốc giảm đau, chống viêm trong một thời gian dài
Sử dụng các loại thuốc kháng viêm chứa steroid hoặc thuốc giảm đau không steroid trong thời gian dài có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ dạ dày. Đồng thời các thuốc này còn kích thích tiết acid gây ăn mòn niêm mạc. Thậm chí khi sử dụng thuốc quá liều hoặc liều cao nhiều ngày có thể dẫn tới chảy máu đường tiêu hóa, thủng dạ dày.
2.3. Thói quen nghiện đồ uống có cồn dẫn đến bệnh loét hang vị dạ dày
Đồ uống có cồn như bia rượu rất hại cho dạ dày, gan… Chúng làm tăng co bóp, tăng tiết dịch dạ dày, đồng thời bào mòn lớp bảo vệ niêm mạc gây ra viêm loét.
Ngoài ra hang vị còn bị viêm loét do ảnh hưởng bởi căng thẳng kéo dài, ăn uống không điều độ.
3. Các triệu chứng thường gặp của bệnh loét hang vị dạ dày
Triệu chứng của loét hang vị khá tương đồng với loét dạ dày, các biểu hiện thường gặp là:
– Người bệnh cảm thấy đau tức vùng thượng vị, cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, kéo dài vài chục phút hoặc nhiều giờ. Đau vùng thượng vị thường nghiêm trọng hơn sau khi người bệnh ăn no hoặc bụng đói.
– Xuất hiện cơn đau bụng, khó chịu sau khi ăn thực phẩm lạ, đồ ăn có vị chua cay hoặc sau khi uống nước có gas, rượu bia…
– Người bệnh có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu, trào ngược, nôn và buồn nôn…
Những triệu chứng viêm loét hang vị kéo dài khiến người bệnh ăn uống kém, mệt mỏi, thiếu máu, suy nhược cơ thể ảnh hưởng tới công việc và học tập.
4. Các biến chứng nguy hiểm của loét hang vị dạ dày
Do đặc điểm giải phẫu, hang vị dạ dày là bộ phận rất dễ bị viêm loét và nhiễm trùng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm sau đây:
4.1. Loét hang vị dẫn đến chảy máu dạ dày
Niêm mạc hang vị loét nặng, ăn sâu vào lớp cơ, các tĩnh mạch tại đây bị ảnh hưởng vỡ ra dẫn đến tình trạng chảy máu dạ dày. Nếu chảy máu với lượng ít người bệnh có thể nhận biết thông qua việc quan sát màu sắc của phân, phân sẽ có màu đen hoặc lẫn máu. Nếu chảy máu dạ dày ồ ạt, người bệnh sẽ bị nôn ra máu, đi ngoài ra máu tươi. Biến chứng này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới choáng, hạ huyết áp và tử vong.
4.2. Biến chứng loét gây hẹp môn vị
Tình trạng viêm loét kéo dài làm tổn thương môn vị và hình thành sẹo. Mô sẹo gây hẹp môn vị dẫn tới thức ăn khó di chuyển xuống ruột non. Khi bị hẹp môn vị người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, nôn ói có mùi hôi thối,…
4.3. Biến chứng loét dẫn đến ung thư dạ dày
Loét hang vị nhất là do vi khuẩn HP tiềm ẩn nguy cơ ung thư hóa cao. Niêm mạc hang vị loét có xu hướng loạn sản và hóa ung thư dạ dày cao nếu không được điều trị dứt điểm.
Ngoài ra, bệnh loét hang vị dạ dày còn ảnh hưởng nhiều tới khả năng ăn uống, quá trình tiêu hóa, làm mất ngủ, cơ thể suy nhược.
5. Điều trị và phòng ngừa hiệu quả bệnh loét hang vị dạ dày
5.1. Điều trị loét hang vị dạ dày
Khi được chẩn đoán viêm loét hang vị dạ dày, người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không nên trì hoãn vì có thể khiến bệnh ngày một nặng hơn. Thông thường các loại thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định cho người bệnh kết hợp sử dụng để mang lại hiệu quả cao nhất, bao gồm: thuốc kháng sinh để diệt tác nhân vi khuẩn gây loét, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc kháng acid, thuốc kháng thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI)… giúp phục hồi niêm mạc loét, ngăn ngừa viêm nhiễm.
Lưu ý: Người bệnh không bao giờ được tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
5.2. Phòng ngừa viêm loét hang vị dạ dày
Để phòng ngừa các bệnh lý viêm loét dạ dày nói chung, bạn cần có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học, cụ thể:
– Tăng cường thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như rau xanh, hoa quả tươi, sữa chua, ăn chín, uống sôi…
– Không nên ăn cay, chua, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, không uống bia rượu, cà phê, trà xanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
– Sau khi ăn 30 phút không được nằm, chạy nhảy, tập thể dục, vận động mạnh mà cần ngồi thoải mái để thức ăn được nhào trộn kỹ tại dạ dày.
– Hàng ngày, nên có chế độ tập luyện và vận động đều đặn, nhẹ nhàng, không nên gắng sức nhất là người cao tuổi.
– Thực hiện nội soi đường tiêu hóa định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ để kịp thời tầm soát các bệnh lý từ đó tăng cơ hội chưa khỏi hoàn toàn nếu có bệnh.
Bài viết trên đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin bổ ích về bệnh loét hang vị dạ dày cũng như nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị. Hy vọng với những hiểu biết này, bạn sẽ luôn có một dạ dày khỏe mạnh, một đường tiêu hóa trơn tru nhất!