Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh viêm tai giữa tấn công, vậy nên vấn đề bé bị viêm tai giữa phải làm sao luôn là đề tài được nhiều bậc cha mẹ quan tâm, thắc mắc và trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp cụ thể những vấn đề này.
Menu xem nhanh:
Bé bị viêm tai giữa thường có biểu hiện gì?
Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng tại tai giữa, xảy ra khi vi khuẩn hoặc vi rút xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ. Khi trẻ mắc bệnh, tai giữa trẻ có thể tích tụ mủ, tạo áp lực lên màng nhĩ, gây đau nhức và ảnh hưởng đến thính lực.
Khi bé bị viêm tai giữa thường có biểu hiện đặc trưng là chảy mủ ở tai, đau tai nên bé sẽ hay quấy khóc, đưa tay dụi, cấu tai, chán ăn, tiêu chảy và có thể sốt cao. Khi ấn vào vùng tai hoặc kéo vành tai làm bệnh nhi đau nhói, khóc thét. Trẻ lớn hơn còn kêu đau đầu, nghe kém. Khi soi thấy màng nhĩ đỏ, không di động, hoặc căng phồng, nhiều dịch phía sau màng nhĩ, màng nhĩ có thể bị thủng và/hoặc chảy dịch trong ống tai.

Bé bị viêm tai giữa thường có biểu hiện ngứa tai, quấy khóc
Bé bị viêm tai giữa phải làm sao?
Khi phát hiện bé có những biểu hiện bị viêm tai giữa, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị kịp thời hiệu quả.
Vi khuẩn gây viêm tai giữa chủ yếu là liên cầu, Hemophilus Influenza, phế cầu… nên bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng sinh kèm với thuốc chống viêm, chống phù nề, hạ sốt, giảm đau,… Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều dùng và giờ giấc. Cho trẻ uống hết đơn thuốc và tái khám đúng lịch của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc khi thấy triệu chứng bệnh đã hết và không chủ quan không tái khám cho trẻ đúng lịch hẹn.

Đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám ngay khi trẻ có các biểu hiện viêm tai giữa
Mỗi giai đoạn của bệnh viêm tai giữa lại có cách điều trị khác nhau. Viêm tai giữa cấp thường có ba giai đoạn: xung huyết, ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Vì vậy mỗi đợt viêm của trẻ, cha mẹ đều cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, kê đơn thuốc không sử dụng đơn thuốc của lần khám trước.
Việc tự dùng ôxy già nhỏ vào tai cũng có thể gây những biến chứng đáng tiếc làm bong lớp biểu bì bảo vệ trên da ống tai, làm vết thương lâu lành hơn. Thậm chí, nó có thể gây chít hẹp ống tai gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Lưu ý khi bé bị viêm tai giữa
Viêm tai giữa cấp giai đoạn vỡ mủ, nhiều bậc cha mẹ cạo thuốc kháng sinh rắc vào tai trẻ rất nguy hiểm vì trong tá dược có trong thuốc có thể gây bít tắc dẫn lưu dịch dẫn đến tình trạng viêm ngày càng nghiêm trọng. Do dịch không được dẫn lưu ra bên ngoài sẽ làm phá hủy sang phần xương chũm của tai giữa gây viêm xương chũm thậm chí nội sọ.
Không nên chủ quan để bé ở nhà chịu đựng rồi tự ý mua thuốc điều trị cho bé.
Khi trẻ bị viêm tai giữa cần đưa đến các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng. Không được tự ý mua thuốc về điều trị nếu không được thăm khám và chỉ định thuốc kịp thời. Việc chữa trị viêm tai giữa không đúng cách có thể gây điếc không phục hồi hoặc gây ngộ độc cho tai.

Bé bị viêm tai giữa cha mẹ cần cho bé uống đủ liều thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ
Dù trẻ có bị tái phát hay không các mẹ luôn ý thức phòng bệnh là tốt nhất, bởi vì bất kỳ dịch lỏng nào chảy vào tai giữa là trẻ bị viêm ngay. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý:
– Giữ vệ sinh tai, mũi, họng cho trẻ.
– Đối với trẻ nhỏ, cho trẻ bú mẹ trong ít nhất 6 tháng để giúp ngăn ngừa sự phát triển của các đợt nhiễm trùng tai sớm. Trong giai đoạn trẻ bú bình, mẹ hãy bế trẻ ở một góc nghiêng khi con ăn thay vì đặt trẻ nằm xuống với bình sữa.
– Nếu trẻ đang ở tuổi ăn dặm, các mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn nằm, vì rất có thể khi trẻ ho, sặc, thức ăn dạng lỏng dễ tràn lên tai giữa.
– Nếu trẻ bị nôn, đặt trẻ nằm gối cao để dịch nôn không trào ngược vào tai giữa.
– Nếu trẻ hay bị chảy nước mũi, ho có đờm cần phải điều trị khỏi dứt điểm. Với trẻ nhỏ thì dùng dụng cụ hút sạch nước mũi. Trẻ lớn hơn thì hướng dẫn cách xì mũi, khạc đờm là tốt nhất. Tuy nhiên, cũng phải tầm hai tuổi bé mới làm được việc này.
– Trong điều kiện thời tiết mùa đông khô hanh như ở miền bắc thì các mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý vào hốc mũi cho trẻ mỗi ngày để đường mũi được thông thoáng, đỡ viêm nhiễm. Mỗi sáng nhỏ vài giọt vào sâu trong miệng để sát trùng họng cho trẻ. Tuy nhiên, vào mùa đông bạn nên làm ấm dung dịch trước khi nhỏ sẽ tốt hơn.
– Cha mẹ và trẻ em cần duy trì thói quen rửa tay đúng cách và thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Đây là biện pháp hiệu quả giúp loại bỏ vi khuẩn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, từ đó giảm nguy cơ dẫn đến viêm tai giữa do nhiễm trùng.
– Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ là điều vô cùng quan trọng, bởi một số loại vắc xin như vắc xin phòng cúm, phế cầu khuẩn có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng tai. Chủ động tiêm phòng không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tai – mũi – họng.
Nhìn chung, với vấn đề “Bé bị viêm tai giữa phải làm sao“, ba mẹ nên chủ động đưa con đến các bác sĩ tai mũi họng thăm khám để có thể chẩn đoán đúng tình trạng của con và có phương pháp điều trị phù hợp, tránh việc tự ý điều trị sai cách ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Đồng thời, nên nâng cao ý thức phòng tránh bệnh cho con bằng cách giữ vệ sinh cho con hù hợp, ăn uống đúng cách, sinh hoạt phù hợp, tiêm phòng đầy đủ cũng như tạo cho con những thói quen tốt để ngăn ngừa bệnh.