Áp xe vú sau sinh là bệnh lý phổ biến, tuy nhiên không phải mẹ nào cũng có hiểu biết nhất định về bệnh này. Áp xe vú nếu không được điều trị kịp thời sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và con.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao mẹ sau sinh lại dễ bị áp xe vú?
Áp xe vú là hiện tượng vú bị vi khuẩn tấn công gây ra trạng thái đỏ, sưng tấy, đọng mủ bên trong. Đây được cho là một trong những hậu quả của bệnh viêm tuyến vú không được điều trị kịp thời dẫn đến hình thành ổ áp xe. Theo thống kê, phụ nữ sau sinh hoặc đang cho con bú chiếm tỷ lệ cao nhất trong người bị áp xe vú bởi nguyên nhân sau:
1.1 Mẹ bị tắc tia sữa gây áp xe vú sau sinh
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng áp xe vú. Ống dẫn sữa bị bít tắc vì lý do nào đó khiến sữa không thể thoát ra ngoài được dù đã có những tác động như bú, mút, dần dần hiện tượng ứ đọng này sẽ hình thành cục. Trong khi đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra làm tình trạng tắc càng thêm trầm trọng, gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, từ đó dẫn tới viêm tuyến vú, áp xe vú.
Ngoài ra việc nhiều mẹ không cho bé bú thường xuyên, không hút sữa khi bé bú thừa, không vệ sinh núm vú sạch sẽ,… cũng là những tác nhân gây tắc tia sữa ở mẹ và tạo điều kiện hình thành ổ áp xe.
1.2 Vú bị tổn thương
Phụ nữ sau sinh rất dễ gặp hiện tượng tổn thương vú vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể bị nứt núm vú, trầy xước hoặc trong lúc bú, bé có hành động day, cắn núm vú. Việc này sẽ vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào ngực của mẹ.
1.3 Các yếu tố khác gây ra áp xe vú sau sinh
Sau khi sinh phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe khiến việc ăn uống, nghỉ ngơi không được đầy đủ hoặc luôn trong trạng thái stress, phải chăm con vất vả cũng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn ống dẫn sữa, sữa ứ đọng ở ngực dễ dàng hình thành ổ áp xe.
2. Các triệu chứng của áp xe vú sau sinh
Khi bị áp xe vú, chủ yếu các mẹ cảm thấy sự thay đổi bất thường của ngực, cụ thể những dấu hiệu sau đây:
– Xuất hiện cảm giác đau tức từ sâu bên trong ngực do các mô viêm và nang chứa dịch gây ra. Cảm giác đau xuất hiện ngày một nhiều hơn đặc biệt khi cử động cánh tay, vai hoặc có tác động từ phía bên ngoài.
– Ngực thay đổi: bị sưng, căng, to và đỏ hơn bình thường. Cùng với đó là da ngực nóng và sưng tấy. Chỗ da bị áp xe thường có màu đỏ hoặc vàng nhạt.
– Xuất hiện nang cứng bên trong tuyến vú. Đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh áp xe vú. Các mẹ cảm nhận rõ hơn một hoặc nhiều cục cứng khi sờ nắn ngực, cùng với đó là cảm giác đau nhức.
– Đau rát trong quá trình cho con bú: do ngực bị sưng đỏ kết hợp ống dẫn sữa bị bít tắc nên gặp khó khăn hơn khi cho con bú. Sữa không ra chảy ra ngoài được khiến bé sẽ có chiều hướng bú mạnh làm ngực mẹ càng tổn thương nặng nề.
– Sốt cao là một trong dấu hiệu dễ thấy của áp xe vú. Các mẹ có thể bị sốt lên tới 39,40 độ. Tình trạng áp xe càng nặng thì nhiệt độ càng cao. Kèm theo sốt, mẹ có thể bị rùng mình, ớn lạnh toàn thân.
– Mẹ sẽ bị hạ huyết áp, thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, khó chịu trong người. Trong trường hợp áp xe quá nặng, ngoài dấu hiệu trên các chị em có thể bị sưng hạch bạch huyết, chảy mủ, vỡ ổ áp xe.
3. Các giai đoạn tiến triển của bệnh áp xe với mẹ sau sinh
Bệnh áp xe vú tiến triển theo ba giai đoạn sau:
– Giai đoạn viêm: đây là giai đoạn bệnh mới khởi phát, Lúc này mẹ sẽ có dấu hiệu như mệt mỏi, cơn đau tức từ bên trong vú bắt đầu xuất hiện. Một vài chị em có thể bị xuất hiện hạch ở nách nhưng chỉ chiếm tỷ lệ thấp.
– Giai đoạn áp xe: là giai đoạn nguy hiểm khi xuất hiện nhiều ổ áp xe ở thùy tuyến vú. Các cơn đau tăng dần lên kết hợp với vú bị sưng tím, núm vú tụt vào bên trong và tiết ra dịch màu vàng.
– Giai đoạn hoại tử: là giai đoạn trầm trọng nhất của áp xe vú, đe dọa đến sức khỏe của các chị em. Vi khuẩn xâm nhập sâu trong tuyến vú gây ra vỡ ổ áp xe.
4. Các cách đối phó với áp xe vú sau khi sinh
4.1 Phương pháp y khoa
Với trường hợp đã tạo thành áp xe thì cần phải điều trị bằng kháng sinh hoặc can thiệp ngoại khoa. Một trong những biện pháp chủ yếu là chích, dẫn lưu ổ áp xe. Phụ thuộc vào tình trạng của các ổ viêm mà bệnh nhân sẽ được điều trị phù hợp.
– Phát hiện áp xe ở giai đoạn sớm thì chỉ cần chọc để hút mủ mà không phải phẫu thuật.
– Còn trường hợp áp xe quá lớn, phát triển thành thể tuyến thì cần phẫu thuật gây mê để dẫn lưu ổ áp xe.
Một lưu ý với phương pháp ngoại khoa này là áp xe vú vẫn có tỷ lệ tái phát, hình thành ổ viêm nhiễm mới.
4.2 Thiết lập lại thói quen sinh hoạt hàng ngày
– Khẩu phần ăn cần đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh các loại thực phẩm có khả năng kích ứng cao như hải sản, đồ uống có cồn,…
– Cho bé bú thường xuyên, bú no hết một bên ngực, tránh bé bú lâu, ngậm mút đầu ngực. Thực hiện hút sữa thừa và vệ sinh núm vú ngay khi bé bú xong.
– Thường xuyên xoa bóp nhẹ nhàng, chườm nóng vùng ngực để giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn ống dẫn sữa.
4.3 Một số lưu ý khi điều trị áp xe vú các mẹ cần biết
– Tuyệt đối không áp dụng các liệu pháp điều trị chưa được kiểm chứng làm nghiêm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm của tuyến vú.
– Thực hiện phẫu thuật ổ áp xe tại các bệnh viện uy tín để đảm bảo an toàn và chỉ chích khi các ổ áp xe có mủ.
– Nên đi siêu âm xác định có phải bị áp xe vú hay không, đồng thời kiểm tra tình trạng của các ổ áp xe trước khi chính thức phẫu thuật nhất là khi có dấu hiệu của đau ngực, vú bị sưng tím,…
Trên đây là những thông tin dành cho bà mẹ bỉm sữa khi bị áp xe vú. Chị em nên thực hiện lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe và tránh được những biến chứng nguy hiểm của áp xe vú.