Vú sưng và căng tức, có cảm giác đau nhức sâu bên trong vú, dùng tay sờ nắn thấy có các cục cứng… là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ áp xe vú ở các mẹ bỉm sữa. Với người phụ nữ bình thường áp xe vú đã gây nên rất nhiều phiền toái và khó chịu thì áp xe vú ở bà mẹ đang cho con bú càng trở nên nguy hiểm và khiến họ lo lắng nhiều hơn. Hôm nay hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết “Áp xe vú: Dấu hiệu và cách điều trị” dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu áp xe vú
Những phụ nữ đang cho con bú thường xuyên bị tắc tia sữa hay viêm tuyến vú sẽ là những người có nguy cơ cao bị áp xe vú. Nếu bạn nhận thấy có những dấu hiệu dưới đây thì nên đi khám ngay tại những cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị kịp thời, tránh gây nên những biến chứng nguy hiểm về sau.
1.1 Cảm giác đau nhức bên trong tuyến vú
Áp xe vú là tình trạng trong vú có nang chứa dịch mủ và các mô bị viêm. Vì vậy khi bị áp xe vú, mẹ bầu sẽ không thể tránh khỏi cảm giác đau nhức sâu bên trong tuyến vú. Cảm giác đau sẽ tăng dần lên khi dùng tay ấn vào vùng bị áp xe, cử động vai và cánh tay.
1.2 Vú căng và sưng to
Khi bị áp xe các mẹ bầu đều cảm thấy vú của mình bị sưng và căng cứng hơn bình thường. Tình trạng sưng và căng ngực ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngực sưng to khiến các mẹ cảm thấy nặng nề ở nửa người trên.
1.3 Xuất hiện cục cứng bên trong vú
Đây là một trong những triệu chứng điển hình của áp xe vú. Khi mẹ bầu dùng tay sờ nắn ngực sẽ cảm nhận được một hoặc nhiều cục cứng bên trong vú và sẽ cảm thấy đau nhức, sưng đỏ.
1.4 Đau buốt khi cho con bú
Nếu đang trong quá trình cho con bú mà gặp phải tình trạng viêm tuyến vú, tắc tia sữa hay áp xe tuyến vú, bạn sẽ cảm thấy đau buốt khi khi cho con bú. Nếu gặp phải tình trạng này bạn nên ngừng việc cho con bú và đi khám ngay khi có thể. Cho con bú trong giai đoạn này vừa gây đau nhức, khó chịu cho mẹ, mặt khác trong sữa có chữa lẫn dịch mủ rất dễ gây bệnh cho em bé, nhất là với trẻ sơ sinh.
1.5 Trẻ bú không ra sữa
Tình trạng áp xe vú ở mẹ đang cho con bú thường là biến chứng khi mẹ bị tắc tia sữa, viêm tuyến vú. Khi đó, em bé bú không ra sữa hoặc chỉ ra ít sữa và người mẹ cũng không thể cung cấp đủ sữa theo nhu cầu ăn của con, rất dễ làm trẻ quấy khóc và cáu giận.
1.6 Da ngực nóng và sưng đỏ
Nếu khối áp xe vú không nằm ở sâu bên trong vú, bạn sẽ cảm thấy da ngực tại vị trí áp xe sưng tấy, có màu đỏ hoặc vàng, thậm chí bị hoại tử, khi dùng tay sờ sẽ cảm thấy nóng.
1.7 Sốt, có cảm giác ớn lạnh
Áp xe vú là tình trạng viêm nhiễm tuyến vú đã hình thành mủ, vì vậy rất dễ gây ra hiện tượng sốt, tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm ở vú mà có thể chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ hay sốt cao lên đến 39-40 độ. Khi bị sốt, người mẹ thường cảm thấy ớn lạnh và rùng mình.
2. Phương pháp điều trị áp xe vú
Với suy nghĩ không muốn điều trị bằng kháng sinh và lo sợ sẽ bị mất sữa, ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ, rất nhiều mẹ bầu đã tìm đến những phương pháp dân gian để điều trị.
Thực tế, trong dân gian có lưu truyền rất nhiều phương pháp có thể sử dụng để chữa tắc tia sữa, viêm tuyến vú, áp xe vú như chườm ngực bằng lá mít, uống nước lá mít, dùng hành tím với cơm nóng, chườm ngực bằng lá vông sao rượu,…
Những phương pháp này có thể sẽ rất hiệu quả khi bạn bị tắc tia sữa giai đoạn đầu, nhưng nếu mẹ bầu đã bị áp xe vú thì lại khác. Đây là tình trạng vú bị viêm nhiễm và đã hình thành dịch mủ, nếu không điều trị có thể dẫn đến hoại tử mô, viêm tuyến vú mãn tính, nhiễm trùng máu,… Hơn nữa, dược tính của những loại thảo dược theo phương pháp dân gian là quá yếu và không đủ để tiêu trừ khối viêm. Việc điều trị áp xe vú sẽ tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm, sự phát triển của khối áp xe mà các bác sĩ sẽ quyết định sử dụng thuốc nội khoa hay thủ thuật chích, rạch áp xe vú. Vậy nên cách tốt nhất để điều trị tình trạng áp xe vú là nên đến những cơ sở y tế uy tín để được khám chữa bởi những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Hy vọng rằng bài viết ở trên đã giúp các chị em có được những thông tin hữu ích về dấu hiệu cũng như cách điều trị áp xe vú. Cần lưu ý rằng đây là một bệnh lý nguy hiểm, chính vì vậy chị em không nên chủ quan tự ý chữa trị mà cần đến thăm khám và nhận tư vấn của bác sĩ khi thấy cơ thể xuất hiệu dấu hiệu của bệnh lý này.