Ảnh hưởng hơn 200.000 người Việt mỗi năm, đột quỵ được xếp vào nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nước ta. Bệnh đang có xu hướng gia tăng đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi do đó ai cũng cần nâng cao nhận thức, loại bỏ hiểu lầm về đột quỵ để chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu đi nuôi não bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra khiến não không thể nhận đủ oxy. Lúc đó, một phần não chết đi và làm tổn thương não. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao cũng như nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.
1.1. Yếu tố có thể kiểm soát
Cao huyết áp: tạo điều kiện hình thành các cục máu đông, cản trở máu lưu thông lên não hoặc gây sức ép lên thành động mạch và dẫn đến tình trạng xuất huyết não.
– Hút thuốc: khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, làm xơ cứng động mạch và cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp.
– Cholesterol cao, béo phì: gây ra nhiều bệnh lý như mỡ máu, cao huyết áp, tim mạch và từ đó tăng nguy cơ đột quỵ.
– Bệnh tim mạch: suy tim, rung tâm nhĩ, nhiễm trùng tim, rối loạn nhịp tim cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
– Bệnh tiểu đường.
– Thiếu máu não thoáng qua.
– Đột quỵ tái phát: những người từng bị đột quỵ có khả năng tái phát trong vài tháng đầu. Nguy cơ này thường có thể kéo dài trong khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
1.2. Cảnh báo yếu tố không thể kiểm soát được
– Tuổi tác: độ tuổi nào cũng có thể bị đột quỵ, tuy nhiên những người sau tuổi 55 có nguy cơ cao hơn.
– Giới tính: lưu ý rằng nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới.
– Tiền sử gia đình: nếu bạn có người thân từng bị đột quỵ hoặc mắc các bệnh nhồi máu cơ tim, thiếu máu não thoáng qua cũng có nguy cơ đột quỵ cao.
2. Các hiểu lầm về đột quỵ cần loại bỏ sớm
2.1. Hiểu lầm về đột quỵ là bệnh không thể phòng tránh
Chuyên gia cảnh báo các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm:
– Tăng huyết áp
– Cholesterol cao
– Béo phì
– Tiểu đường
– Hút thuốc
– Chấn thương ở đầu, cổ
Các yếu tố này hoàn toàn có thể khắc phục thông qua chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống điều độ cũng như tăng cường tập luyện. Bên cạnh đó, cần hạn chế uống rượu bia, cân bằng cảm xúc để hạn chế căng thẳng.
2.2. Không mang yếu tố gia đình
Những thành viên trong gia đình thường ăn uống, sinh hoạt khá giống nhau. Do vậy, nếu có lối sống không lành mạnh thì tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng. Điều này làm tăng nguy cơ đột quỵ cho mọi thành viên trong gia đình.
Yếu tố di truyền gồm nguy cơ cao bị huyết áp cao, yếu tố nguy cơ tim mạch cũng gián tiếp tăng nguy cơ đột quỵ.
2.3. Hiểu lầm về đột quỵ là triệu chứng khó nhận biết
Nhiều người vẫn hiểu lầm về đột quỵ không có triệu chứng cảnh báo nên khó nhận biết. Trên thực tế, bệnh có một số dấu hiệu cảnh báo, người bệnh và người thân có thể nhận biết qua quy tắc FAST:
– F: khuôn mặt mất cân đối, méo mặt, tê cứng mặt.
– A: yếu, tê liệt tay chân, thường xảy ra một bên cơ thể.
– S: nói lắp, ngắc ngứ, nói không hết câu.
– T: nhanh chóng gọi cho cơ sở y tế khi cơ thể xuất hiện triệu chứng đột quỵ.
Đột quỵ không khó nhận biết, mỗi người nên theo dõi sức khỏe cá nhân cũng như những người xung quanh để phát hiện bệnh kịp thời. Bên cạnh những dấu hiệu trên, đột quỵ có thể gây ra một số triệu chứng như:
– Suy giảm thị lực, nhìn mờ, đau mỏi mắt ở một hoặc cả 2 mắt
– Mất thăng bằng, khó đi lại
– Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân (thường xảy ra trong thời gian ngắn)
2.4. Chỉ xảy ra ở người già
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ đáng kể với đột quỵ tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân khiến đột quỵ gia tăng ở người trẻ là do lối sống không lành mạnh, lạm dụng chất kích thích, ăn uống thiếu khoa học. Lưu ý, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nên không ai được chủ quan.
2.5. Cho rằng tất cả các cơn đột quỵ đều có triệu chứng
Thực tế, không phải tất cả các cơn đột quỵ đều có triệu chứng. Một số nghiên cứu cho thấy đột quỵ không có triệu chứng phổ biến hơn so với trường hợp có dấu hiệu cảnh báo. Thông thường, đột quỵ không triệu chứng được xác định khi người bệnh được chụp cộng hưởng từ MRI để chẩn đoán các bệnh lý thần kinh.
3. Gợi ý các biện pháp dự phòng đột quỵ
3.1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn uống khoa học làm giảm nguy cơ đột quỵ đồng thời ngăn bệnh tái phát. Vì vậy, mỗi người cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, tăng cường các thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Chuyên gia gợi ý một số loại thực phẩm có hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ gồm:
– Thực phẩm giàu Omega-3 gồm cá hồi, cá thu, cá ngừ, …
– Đậu, rau xanh đậm, măng tay, bông cải, các loại hạt, …
– Thực phẩm giảm cholesterol xấu như yến mạch, hạnh nhân và đậu nành.
– Thực phẩm giàu magie như chuối, bơ, ngũ cốc, rong biển, …
– Uống nhiều nước lọc, nước trái cây nguyên chất.
3.2. Thay đổi lối sống
– Cân bằng công việc, tránh stress, lo lắng, nóng giận kéo dài
– Nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày
– Không nên tắm đêm, ăn đêm, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ
– Giữ ấm cơ thể, chăm sóc sức khỏe nhất là vào thời điểm giao mùa
3.3. Tăng cường vận động, tập thể dục thể thao mỗi ngày
Tập thể dục ít nhất 4-5 ngày/tuần, 30 phút mỗi ngày với bài tập phù hợp. Tập luyện không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn giảm huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ. Lưu ý, nên chọn các bài tập vừa sức, tránh tập nặng tạo áp lực lên tim. Bạn có thể lựa chọn đi bộ, chạy bộ chậm, yoga, tập dưỡng sinh hoặc thái cực quyền.
3.4. Thực hiện tầm soát định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ đột quỵ cùng các bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời và tư vấn cách sinh hoạt để phòng ngừa bệnh.