Các biện pháp tránh đột quỵ ghé thăm

Tham vấn bác sĩ

Đột quỵ não là một căn bệnh nguy hiểm có thể tước đi mạng sống một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, bệnh có thể được ngăn ngừa, dự phòng bằng các biện pháp tránh đột quỵ như tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, thực hiện tầm soát nguy cơ sớm.

1. Đột quỵ xảy ra do đâu và những hậu quả để lại

1.1 Đột quỵ xảy ra do đâu?

Đột quỵ não xảy ra khi mạch máu cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ, làm gián đoạn quá trình đưa máu lên não. Hậu quả là một phần não sẽ bị thiếu oxy và bắt đầu chết. Khi thời gian máu lên não bị đình trệ kéo dài sẽ khiến càng nhiều tế bào chết. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, và hình thành nên nhiều triệu chứng và biến chứng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các chuyên gia y tế cho biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não là do thiếu máu não cục bộ và xuất huyết não. Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ (nhồi máu não) là do các cục máu đông hình thành gây cản trở một phần hoặc hoàn toàn máu lưu thông lên não. Xuất huyết não là tình trạng mạch máu dẫn truyền máu lên não bị vỡ, khiến máu chảy ồ ạt gây tổn thương tế bào não.

Ngoài ra đột quỵ cũng liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ, khi kiểm soát tốt được các yếu tố nguy cơ thì có thể phòng được đột quỵ hiệu quả.

Các biện pháp tránh đột quỵ ghé thăm

Đột quỵ xảy ra do 2 nguyên nhân chính là xuất huyết não hoặc thiếu máu não cục bộ (nhồi máu não)

1.2 Các yếu tố nguy cơ gia tăng khả năng mắc đột quỵ

Nếu bạn sở hữu một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây, nghĩa là bạn đang nằm trong nhóm đối tượng có khả năng bị đột quỵ.

– Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến chảy máu. Cao huyết áp còn tạo điều kiện hình thành cục máu đông, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.

– Đái tháo đường có thể làm tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Cứ 5 người bị đột quỵ thì có 1 người mắc đái tháo đường.

– Bệnh tim mạch: Người có các bệnh lý tim mạch có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.

– Mỡ máu: Dư thừa cholesterol có thể tích tụ trên thành động mạch tạo thành vật cản gây gián đoạn máu lưu thông lên não.

– Thừa cân, béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh lý như cao huyết áp, mỡ máu, bệnh lý tim mạch, tiểu đường…

– Trầm cảm, căng thẳng là 2 yếu tố nguy cơ làm gia tăng gấp 2 lần so với người bình thường.

– Hút thuốc có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp 2 lần so với người bình thường. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch. Hơn thế nữa cũng là tác nhân gây hại cho tim, phổi, gây tăng huyết áp…

– Lối sống không lành mạnh: Làm dụng rượu bia, chất kích thích, ăn uống không điều độ, kém lành mạnh, lười vận động cũng là các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và các bệnh lý là nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

1.3 Hệ lụy của đột quỵ

Đột quỵ có thể gây biến chứng tạm thời hoặc vĩnh viễn ở người bệnh, hoặc thậm chí là tử vong. Các di chứng để lại sau quá trình hồi phục của mỗi người sau cơn đột quỵ não là khác nhau. Chúng có thể là liệt một bên cơ thể, vận động khó khăn, rối loạn ngôn ngữ, khó khăn trong việc ghi nhớ, biểu đạt cảm xúc, trầm cảm…

Ngoài ra bệnh nhân sống sót sau đột quỵ bị tàn phế lệ thuộc vào gia đình, xã hội cũng chiếm nhiều trường hợp. Trong số bệnh nhân bị đột quỵ có 10 đến 13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường, 12% bệnh nhân hồi phục một phần, 25% bệnh nhân có thể đi lại độc lập. Hậu quả nặng nề của đột quỵ không chỉ xảy ra đối với bệnh nhân mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến người nhà, gia đình bệnh nhân. Đột quỵ tạo gánh nặng trực tiếp về kinh tế thông qua việc mất đi sức lao động, và ảnh hưởng gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị nhiều ngày, tháng hoặc năm.

Các biện pháp tránh đột quỵ ghé thăm

Di chứng do đột quỵ để lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, do đó việc phòng tránh sớm là việc hết sức cần thiết.

2. Biện pháp phòng tránh đột quỵ xảy ra

2.1 Tuân thủ điều trị – Biện pháp tránh đột quỵ xảy ra hữu ích

Kiểm soát tốt các bệnh lý là nguy cơ dẫn đến đột quỵ là cách giúp dự phòng đột quỵ, tai biến mạch máu não hiệu quả.

Quá trình kiểm soát, điều trị các bệnh lý như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường… có thể cần đi kèm với việc dùng thuốc trong một thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Mặc dù thuốc có đủ hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tiến triển, nhưng lại có đến gần 50% bệnh nhân không sử dụng đúng, không tuân thủ chỉ định dùng thuốc. Bệnh nhân cần hiểu rõ mục đích điều trị, việc tuân thủ sử dụng thuốc là gì để gia tăng hiệu quả dự phòng đột quỵ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự tuân thủ chỉ định được định nghĩa là mức độ hành vi của một người sử dụng thuốc, thực hiện chế độ ăn kiêng và hoặc thay đổi lối sống theo lời khuyên của nhân viên y tế.

Do đó, để gia tăng hiệu quả điều trị, dự phòng đột quỵ, bạn cần tin tưởng vào sự chỉ định của bác sĩ, không nên bỏ thuốc hoặc tự ý điều chỉnh số lượng, liều lượng, số lần dùng, thời gian dùng thuốc. Ngoài ra bệnh nhân cũng không tự ý thêm bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc nào có thể xảy ra tình trạng tương tác thuốc nguy hiểm.

2.2 Thay đổi lối sống – Biện pháp giảm thiểu, tránh tối đa nguy cơ bị đột quỵ

Thay đổi lối sống lành mạnh không chỉ là cách giúp kết hợp với quá trình sử dụng thuốc gia tăng hiệu quả kiểm soát các bệnh lý là nguy cơ dẫn đến đột quỵ, mà còn là biện pháp tránh đột quỵ hiệu quả.

– Bữa ăn lành mạnh được khuyến cáo gồm nhiều rau củ, trái cây tươi, sử dụng ít chất béo bão hòa (nội tạng, mỡ động vật), hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày không nên quá 5g/ ngày.

– Giảm tối đa hoặc ngừng tiêu thụ thức uống có cồn.

– Dừng hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá tối đa.

– Tăng cường hoạt động thể chất, thể dục thể thao để giúp duy trì cân nặng ổn định hoặc giảm cân, điều hòa huyết áp, cholesterol trong máu… Chỉ khoảng 30 phút tập thể dục với tần suất 5 lần trong vòng 1 tuần có thể giảm tới 25% nguy cơ đột quỵ.

– Suy nghĩ tích cực, sống lạc quan bởi stress, căng thẳng kéo dài cũng là một trong các nguyên nhân hình thành nên các tác nhân gây đột quỵ như hút thuốc, sử dụng chất kích thích, mất ngủ

2.3 Tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm – Biện pháp dự phòng đột quỵ

Các biện pháp tránh đột quỵ ghé thăm

Tầm soát nguy cơ đột quỵ là giải pháp vàng giúp bạn phòng tránh hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này xảy ra.

Đây là một biện pháp phòng tránh đột quỵ hữu hiệu bởi sẽ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như: Cao huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, dị dạng mạch máu não, bệnh mạch vành, béo phì… Từ đó, mỗi bệnh nhân sẽ có các biện pháp phù hợp được bác sĩ tư vấn để ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng và nguy cơ đi đến đột quỵ.

Ngoài ra, tầm soát định kỳ còn giúp bệnh nhân có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe, các chỉ số bất thường để có thể thay đổi, kiểm soát sớm. Đây cũng là cách giúp nhận biết sớm và phòng tránh đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital