Tiêm ngừa cho bé là việc làm rất có ý nghĩa đối với sức khỏe và sự phát triển đầy đủ về mọi mặt trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chưa nắm rõ được quy trình, thường bỏ qua nhiều bước khi đưa con đi tiêm. Vì vậy gây ra hậu quả như: mắc bệnh, phản ứng sau tiêm không mong muốn,… Dưới đây là 5 điều cha mẹ thường quên khi đưa bé đi tiêm phòng.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao cần thực hiện tiêm ngừa cho bé càng sớm càng tốt?
Bé ngay khi sinh ra phải chống chọi với sự tấn công của rất nhiều virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, giai đoạn này hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện nên việc “đánh bại” các tác nhân gây bệnh là không dễ dàng. Đồng thời, trong quá trình lớn lên, bé có tiếp xúc xã hội phức tạp, vui chơi ở nhiều môi trường có khả năng lây nhiễm cao như trường học, bãi cỏ,…
Khi bé nhiễm bệnh sẽ chịu ảnh hưởng sức khỏe rất nặng nề, thậm chí là tử vong. Các biến chứng do bệnh gây ra sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển về thể chất, tư duy và tinh thần của bé. Trong tương lai bé sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập, sinh hoạt và làm việc so với các bé chưa từng bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, có một số loại vacxin có giới hạn độ tuổi nhất định, nếu bỏ qua cơ hội phòng bệnh thì bé hoàn toàn có khả năng mắc phải khi lớn lên.
Tất cả những điều trên cho thấy cha mẹ cần chủ động trong việc tiêm ngừa cho bé càng sớm càng tốt. Đây là cách tạo rào chắn vững vàng để bảo vệ sức khỏe của bé khỏi sự tấn công của các bệnh truyền nhiễm.
2. 5 Điều cha mẹ thường quên khi đưa bé đi tiêm ngừa
2.1. Thông báo tiền sử dị ứng, sức khỏe của trẻ trước khi tiêm
Trong quá trình tiêm ngừa cho bé để đảm bảo an toàn, khám sàng lọc là bước khám quan trọng và được thực hiện đầu tiên. Thực tế, tại bước khám này, nhiều cha mẹ quên không cung cấp đầy đủ các thông tin quan trọng như: tiền sử bệnh lý, tình trạng dị ứng,… Điều này ảnh hưởng đến:
– Chỉ định tiêm chủng của bác sĩ
– Hiệu quả của vacxin giảm
– Đe dọa đến sức khỏe của bé sau khi tiêm
Trong quá trình khám sàng lọc, bác sĩ hỏi và kiểm tra tình trạng sức khỏe toàn diện của bé. Lúc này cha mẹ cần phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết bao gồm:
– Cân nặng, tình trạng sức khỏe hiện tại có đang gặp vấn đề gì bất thường không, các bệnh lý, thuốc đang sử dụng,… Nếu thấy sức khỏe của trẻ chưa đáp ứng được điều kiện tiêm chủng thì phải hoãn lịch tiêm cho đến khi sức khỏe ổn định.
– Phản ứng của bé ở các lần tiêm trước. Nếu với các mũi tiêm trước mà bé có phản ứng bất thường và nghiêm trọng thì cha mẹ cần báo lại ngay cho bác sĩ ở lần tiêm tiếp theo. Điều này giúp bác sĩ cân nhắc lựa chọn loại vacxin phù hợp hoặc có phác đồ tiêm hợp lý với sức khỏe của bé.
2.2. Theo dõi sau khi tiêm ngừa cho bé
Phản ứng sau tiêm là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các vacxin. Hầu hết các phản ứng sau tiêm ở mức độ nhẹ, thường biến mất sau 1-2 ngày. Rất hiếm trường hợp có phản ứng nặng xảy ra, nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan về điều này.
Nhiều cha mẹ đưa bé đi chích ngừa vacxin nhưng không ở lại cơ sở tiêm chủng theo dõi đủ thời gian theo yêu cầu. Hầu hết là lý do cha mẹ bận việc đi làm, có việc đột xuất,…. Điều này tiềm ẩn không ít trường hợp rủi ro bé gặp phản ứng nghiêm trọng và không được can thiệp kịp thời.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bé, cha mẹ cần thực hiện đúng theo yêu cầu hướng dẫn đó là bé cần được ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi sau tiêm. Nếu bé có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế hoàn toàn xử lý kịp thời và ngăn chặn những tình huống xấu xảy ra.
2.3. Không phân biệt được đâu là phản ứng sau tiêm bình thường và bất thường
Có nhiều cha mẹ chưa có kiến thức đầy đủ về việc tiêm ngừa cho bé. Phần lớn chỉ dừng ở mức nhận thức cần tiêm vacxin sớm cho bé nhưng không tìm hiểu kỹ về các vấn đề khác. Điển hình là có những bậc phụ huynh không phân biệt được đâu là phản ứng bình thường và bất thường ở trẻ sau tiêm chủng.
Phản ứng bình thường sau tiêm được đánh giá là những phản ứng ở mức nhẹ, tự biến mất sau 1 – 2 ngày mà không cần điều trị đặc biệt. Bao gồm:
– Quấy khóc.
– Sưng đỏ, hơi đau ở vị trí tiêm.
– Sốt nhẹ (dưới 38,5 độ).
– Có thể bỏ ăn hoặc bỏ bú.
– Phát ban nhẹ.
– Tiêu chảy.
Trong khi đó, phản ứng nặng là những phản ứng cần thận trọng, rất nguy hiểm đối với bé bao gồm:
– Sốc phản vệ.
– Toàn thân co giật.
– Sốt cao bất thường.
– Quấy khóc không ngừng.
– Khó thở, không tỉnh táo.
Vì thế, việc nhận biết, phân biệt được đâu là phản ứng bất thường và phản ứng bình thường là rất quan trọng. Khi nhận thấy bé có những biểu hiện lạ, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
2.4. Lịch tiêm ngừa cho bé
Hầu hết các loại vacxin hiện nay đều có phác đồ nhiều mũi. Nếu chỉ tiêm 1 mũi duy nhất mà bỏ qua các mũi sau trong liệu trình tiêm cơ bản thì hiệu quả phòng bệnh không cao, chưa tới 30%. Lí do các mũi sau bị bỏ qua là vì cha mẹ quên mất lịch tiêm do khoảng cách giữa các mũi tiêm xa, tiêm trễ lịch hoặc không tiêm nhắc lại.
Cha mẹ nên tuân thủ phác đồ và lịch tiêm chủng vacxin theo lứa tuổi, tiêm bù,… đã được bộ Y tế và các tổ chức y tế, chuyên gia khuyến cáo. Khi bé được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch sẽ tạo miễn dịch hiệu quả, phòng bệnh sớm và giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như nguy cơ biến chứng nặng nếu không may nhiễm phải.
Trên đây là 5 điều mà cha mẹ thường quên khi tiêm ngừa cho bé. Cha mẹ cần lưu ý và ghi nhớ để việc tiêm chủng ở trẻ được diễn ra chuẩn xác, an toàn và mang lại hiệu quả cao.