Tiêm chủng cho trẻ em sớm là việc làm cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật sau này. Nhiều cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của việc làm ấy nhưng có một vài vấn đề lại chưa hiểu chính xác nên không tránh khỏi có những suy nghĩ sai lầm.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh truyền nhiễm – Mối đe dọa tới sức khỏe của trẻ
Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây từ người bệnh sang người lành, nếu không được kiểm soát và ngăn chặn thì có thể gây thành dịch hoặc đại dịch. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh hơn cả bởi:
– Hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện nên không thể đủ sức chống được tác nhân gây bệnh.
– Sức đề kháng yếu hơn người lớn nên khi có tác nhân bên ngoài thay đổi như thời tiết, dịch bệnh,… trẻ dễ bị virus, vi khuẩn tấn công và gây bệnh.
– Ở độ tuổi học đường, trẻ có nhiều tiếp xúc xã hội phức tạp, vui chơi thoải mái ở các môi trường như: bãi cỏ, sân trường,…
Một số bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ bao gồm:
– Bệnh cúm.
– Bệnh viêm phổi do phế cầu.
– Bệnh sởi, rubella.
Các bệnh truyền nhiễm trên đang có xu hướng gia tăng trong vài năm gần đây, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ cần bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách kết hợp phòng ngừa cả bên ngoài lẫn bên trong:
– Với yếu tố bên ngoài bao gồm: môi trường sinh hoạt sạch sẽ, không khói thuốc,…
– Với yếu tố bên trong là: chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể, tiêm vacxin theo quy định theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
2. Tiêm chủng cho trẻ em và những suy nghĩ sai lầm hiện nay
2.1. “Người lớn trong gia đình tiêm đầy đủ rồi thì tiêm chủng cho trẻ em không cần thiết”
Theo chuyên gia y tế, tiêm chủng là trọn đời và mọi lứa tuổi đều cần tiêm vacxin để bảo vệ bản thân mình và cộng đồng trước nguy cơ lây bệnh.
Nếu chỉ có người lớn trong gia đình tiêm vacxin đầy đủ thì không thể chặn được các nguồn lây từ cộng đồng cho trẻ. Bởi trẻ cần tiếp xúc xã hội nên khó tránh khỏi việc lây nhiễm từ bạn bè, thầy cô ở trường hay từ động vật, từ môi trường vui chơi của trẻ.
Vì thế, trẻ em cũng cần tiêm chủng đầy đủ như người lớn. Quan trọng là có những mũi tiêm cần thực hiện càng sớm càng tốt. Chẳng hạn vacxin viêm gan B nên tiêm ở trẻ trong vòng 24h sau sinh để đạt hiệu quả bảo vệ tối đa. Khi tất cả các thành viên trong gia đình đều có “rào chắn vacxin” bảo vệ thì hoàn toàn có thể loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh hơn 90%.
2.2. “Không nên tiêm nhiều mũi vacxin do gây ảnh hưởng đến phát triển của trẻ”
Tất cả loại vacxin đều được nghiên cứu và sản xuất đảm bảo tính an toàn tuyệt đối với cơ thể con người. Vacxin hoạt động bằng cách tạo miễn dịch cho cơ thể để chống lại mầm bệnh. Đồng thời vacxin không có khả năng gây bệnh cho người được tiêm chủng.
Nhờ khả năng kích thích cơ thể tạo miễn dịch trước các mầm bệnh nguy hiểm, trẻ được tiêm chủng đầy đủ có thể chống lại khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Trong trường hợp không may nhiễm bệnh thì tỷ lệ diễn tiến nặng và biến chứng nặng cũng giảm đi đáng kể.
Có thể thấy, việc tiêm nhiều mũi vacxin không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não và thể chất của trẻ. Cha mẹ hoàn toàn yên tâm đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi vacxin phòng bệnh cần thiết ở từng giai đoạn để bảo vệ sức khỏe suốt đời.
2.3. “Miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch từ vacxin”
Miễn dịch tự nhiên còn gọi là miễn dịch không đặc hiệu, xuất hiện một cách tự nhiên. Bao gồm 2 loại:
– Miễn dịch bẩm sinh là ngay từ khi sinh ra đã có khả năng miễn dịch không mắc một bệnh nào đó.
– Miễn dịch tập nhiễm là miễn dịch có được sau khi cơ thể mắc một bệnh nào đó và tự khỏi.
Tuy nhiên, miễn dịch tự nhiên không có sự chuẩn bị trước nên không thể chống chọi hoàn toàn với các loại virus, vi khuẩn. Từ đó có nguy cơ biến chứng cao hơn, thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ.
Do đó, tiêm chủng cho trẻ để tạo ra miễn dịch chủ động ngăn chặn bệnh truyền nhiễm tấn công. Cha mẹ không nên giữ quan điểm “không cần tiêm vacxin mà trông chờ vào miễn dịch tự nhiên là đủ” nhé.
2.4. “Quên lịch tiêm chủng cho trẻ em cũng không sao”
Nghiên cứu cho thấy, tiêm một mũi vacxin không đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu khi vacxin đó có phác đồ nhiều mũi. Chẳng hạn với vacxin 6in1 ngừa ho gà – bạch hầu – uốn ván – bại liệt – viêm gan B – viêm phổi – viêm màng não mủ do Hib có phác đồ tiêm 4 mũi. Nếu trẻ chỉ tiêm 1 mũi duy nhất mà bỏ qua các mũi sau thì hiệu quả ngừa bệnh không cao, chưa tới 30% bảo vệ.
Bên cạnh đó, một số loại vacxin sản sinh miễn dịch sau một thời gian sẽ suy yếu đi. Vì thế rất cần tiêm nhắc lại để duy trì khả năng bảo vệ. Tuy nhiên thực tế nhóm trẻ ở độ tuổi 4 – 6, cấp tiểu học và các cấp lớn hơn thường dễ bị quên mũi tiêm nhắc. Ở giai đoạn này trẻ dễ hình thành “khoảng trống miễn dịch” khiến nhiều trẻ có nguy cơ mắc bệnh, rủi ro biến chứng trong tương lai và tốn kém chi phí điều trị hơn. Đồng thời ảnh hưởng tới khả năng học tập, chất lượng sống và tương lai của trẻ.
Cha mẹ cần ghi nhớ lịch tiêm nhắc của trẻ đối với từng loại vacxin. Nếu quên lịch, vẫn cần đưa trẻ tới cơ sở tiêm chủng để lấy ý kiến từ bác sĩ. Một số loại vacxin vẫn có thể tiêm bình thường nếu quá lịch không lâu.
Trên đây là 4 sai lầm thường gặp của cha mẹ về tiêm chủng cho trẻ em. Hy vọng qua bài viết này, cha mẹ có kiến thức đúng đắn hơn về việc làm đầy ý nghĩa này. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác về tiêm chủng, cha mẹ có thể gọi điện tới cơ sở tiêm chủng uy tín để được hỗ trợ và giải đáp.