20.000 tỷ đồng cho giảm tải, phát triển các bệnh viện tuyến TW, tuyến cuối

Đây là số kinh phí mà BIDV sẽ dành để giảm tải và phát triển các bệnh viện trung ương và địa phương thông qua chương trình hỗ trợ tín dụng. Bên cạnh đó, BIDV cũng sẽ dành nguồn vốn tín dụng với quy mô 200 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để cho vay các y bác sĩ tham gia các chương trình đào tạo.

Chiều ngày 15/6, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã diễn ra lễ công bố chương trình hỗ trợ tín dụng giảm tải và phát triển các bệnh viện trung ương và địa phương; ký kết thoả thuận hợp tác triển khai chương trình tín dụng dành cho y tế giữa BIDV và Bộ Y tế.

tb-1434373942205

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ ký kết

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV cùng các đồng chí lãnh đạo vụ/cục trực thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo một số UBND tỉnh, lãnh đạo các BV tuyến TW và địa phương; lãnh đạo ngân hàng BIDV tham dự lễ ký kết.
Theo ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV, xuất phát từ nhu cầu cấp bách nhằm giải quyết bài toán giảm tải  cho hệ thống bệnh viện của Bộ Y tế và chủ trương đột phá ba mũi chiến lược của ngành y tế, BIDV đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế đề xuất, xây dựng Chương trình tín dụng dành cho Y tế, thực hiện chủ trương xã hội hóa cho việc đầu tư nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất cũng như nâng cấp trang thiết bị cho ngành y tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Tôi đã từng có lúc mang bệnh nặng, sức khỏe suy sụp, nhưng nhờ các thầy thuốc của chúng ta có chuyên môn cao, tay nghề giỏi đã giúp tôi vượt qua bạo bệnh. Có được sức khỏe như bây giờ, tôi càng thấy giá trị của ngành y và thấy mình cần chung tay với ngành y tế trong việc thực hiện giảm tải bệnh viện”- ông Trần Bắc Hà chia sẻ.
Được biết, số kinh phí trên sẽ được dành để ưu tiên: Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu các máy móc/thiết bị y tế tiên tiến phục vụ khám chữa bệnh chuyên khoa/cao cấp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đầu tư mới, cải tạo mở rộng và hiện đại hóa cơ sở khám chữa bệnh của các bệnh viện. Giảm tải cho các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (>120%) thuộc tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xuống dưới 100%.

hh-1434373915929

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế TW Đinh Văn Cương, phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cùng các đồng chí lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết

Chương trình tín dụng này được áp dụng theo nguyên tắc tín dụng thương mại có hoàn trả nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính để đẩy nhanh tiến độ triển khai các mục tiêu của Nghị quyết số 93 (Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế) với lãi suất cho vay ưu đãi hợp lý, thời gian vay dài tối đa lên tới 20 năm.
“Thời gian triển khai Chương trình diễn ra từ 15/6/2015 đến hết ngày 31/05/2022. Với quy mô chương trình lên đến 20.000 tỷ đồng nhưng theo nguyên tắc quay vòng vốn, do đó sẽ có nhiều dự án được sử dụng vốn từ chương trình và thời gian thực tế triển khai lên tới gần 30 năm”- ông Hà thông tin.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, giảm tải bệnh viện để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân là mục tiêu quan trọng đã được Bộ Y tế đặt ra trong nhiều năm qua. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Y tế đã và đang tập trung kết hợp nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính y tế. Trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu khả quan…
Bộ trưởng cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến Đề án giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế và các ngân hàng trong nước để trao đổi, tìm kiếm giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư cho y tế…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chương trình tín dụng đầu tư dành cho ngành y tế của ngân hàng BIDV là sự khởi đầu mới, thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ cho ngành y tế nhằm thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác công tư của Chính phủ.
Mục tiêu của chương trình này là các bệnh viện vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hai, xây dựng những bệnh viện hiện đại đạt tiêu chuẩn; các bệnh viện vệ tinh mua trang thiết bị để thực hiện các kỹ thuật đã được các bệnh viện hạt nhân chuyển giao, đưa dịch vụ về gần dân để người dân được thụ hưởng, giảm tải  tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
“Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ tính đủ chi phí, bao gồm cả khấu hao để các bệnh viện vay vốn có nguồn trả nợ, các bệnh viện có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

BIDV cũng cho biết, với mục tiêu cung cấp nguồn vốn phục vụ mục tiêu tăng cường đào tạo chuyên sâu, nâng cao kiến thức y học đạt trình độ quốc tế cho đội ngũ cán bộ y tế, đào tạo bồi dưỡng nhân tài cho tương lai, hình thành các bác sỹ đầu ngành có trình độ tầm quốc gia và quốc tế và hỗ trợ kinh phí đào tạo trực tiếp với tính chất ưu đãi và có hoàn trả, BIDV cũng sẽ dành nguồn vốn tín dụng với quy mô 200 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để cho vay các y bác sĩ tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài.
Theo Sức khỏe và Đời sống

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital