Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh cần được thực hiện tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để có thể phòng bệnh tối ưu suốt đời. Trong đó, lịch tiêm phòng của trẻ sơ sinh không thể thiếu 2 loại vacxin quan trọng cần được thực hiện đầu tiên, ngay sau khi trẻ sinh ra. Đó là 2 loại vacxin nào? Cha mẹ hãy tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh – Cách phòng bệnh tối ưu suốt đời
Trẻ vừa sinh ra có cơ thể rất non nớt, hệ miễn dịch cũng chưa được hoàn thiện nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công và gây bệnh. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ nhận được từ mẹ trong quá trình mang thai thông qua nhau thai và sữa mẹ cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và giảm dần theo thời gian.
Nếu chẳng may nhiễm bệnh thì nguy cơ tiến triển rất nặng và trẻ phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm. Thậm chí tính mạng cũng bị đe dọa nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Vì thế, tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong việc bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật:
– Tăng cường hệ miễn dịch để có thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
– Góp phần tạo nên miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguồn lây bệnh.
– Giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong do bệnh gây ra.
– Với trường hợp nhiễm bệnh thì cũng chỉ ở mức độ nhẹ, bệnh “phớt qua” và mau khỏi sau một thời gian điều trị đúng cách. Đồng thời, giảm chi phí điều trị và chăm sóc y tế.
2. Hai loại vacxin quan trọng cần tiêm đầu tiên cho trẻ sơ sinh
Theo chuyên gia y tế, ngay khi trẻ mới chào đời đã phải chống chọi với nhiều virus, vi khuẩn. Để có thể “tiếp sức” cho trẻ trong cuộc chiến không cân sức này, cha mẹ cần chủ động tiêm phòng cho trẻ với các vacxin thiết yếu. Trong lịch tiêm phòng của trẻ sơ sinh, có 2 loại vacxin quan trọng cần được thực hiện đầu tiên và trong khoảng thời gian em bé vừa sinh ra đó là:
2.1. Vacxin viêm gan B
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus HBV gây ra. Hơn 80% trường hợp ung thư gan nguyên phát đều bắt nguồn từ viêm gan B.
Con đường lây nhiễm bệnh viêm gan B gồm: quan hệ tình dục, truyền máu và từ mẹ sang con. Trong đó chủ yếu là con đường lây từ mẹ sang con. Có 3 thời điểm lây truyền từ mẹ sang thai nhi:
– Trong quá trình mang thai.
– Trong lúc chuyển dạ đẻ.
– Thời kỳ cho con bú.
Nhiễm virus HBV ở độ tuổi càng sớm thì nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan càng cao. Trẻ em sau khi nhiễm virus HBV sẽ diễn tiến sang mạn tính tới 90%, trong khi ở người lớn thì chỉ dưới 5%. Có 5-10% trường hợp nhiễm virus HBV mạn tính bị ung thư gan, trên 30% trường hợp diễn tiến đến xơ gan.
Do vậy, tiêm vacxin viêm gan B là cách an toàn và hiệu quả nhất phòng bệnh. Cha mẹ cần tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Đây là “thời gian vàng” để vắc xin phát huy khả năng bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của virus HBV.
2.2. Vacxin lao
Lao gây ra tử vong ở trẻ sơ sinh đến 80%. Nếu may mắn sống sót, trẻ vẫn phải đối diện với các di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến suốt cuộc đời như:
– Tổn thương đa cơ quan.
– Sa sút trí tuệ.
– Mù.
– Điếc.
Theo các chuyên gia, tất cả trẻ em được sinh ra cần được tiêm vắc xin lao BCG (Việt Nam). Cha mẹ cần thực hiện tiêm mũi này cho trẻ sơ sinh để phòng tránh những tác nhân gây bệnh phức tạp. Đồng thời ngăn chặn những biến chứng nặng nề xảy đến, ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của trẻ.
3. Lịch tiêm phòng của trẻ sơ sinh chi tiết với từng loại vacxin
3.1. Lịch tiêm phòng của trẻ sơ sinh: Vacxin viêm gan B
Vacxin viêm gan B là mũi tiêm đầu tiên, bắt đầu hành trình tiêm phòng của trẻ. Theo tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo: trẻ sau khi chào đời nên tiêm liều vắc xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt. Như đã đề cập ở bên trên, tiến hành tiêm trong vòng 24h đầu sau sinh mới đạt được hiệu quả phòng bệnh tối ưu. Nếu thực hiện mũi tiêm trong thời gian nói trên thì khả năng phòng bệnh đạt tới 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ chậm trễ trong lịch tiêm phòng của trẻ sơ sinh thì hiệu quả ngừa bệnh sẽ giảm dần. Quá 7 ngày sau sinh mới được tiêm thì không còn đạt được hiệu quả như mong muốn.
3.2. Lịch tiêm phòng của trẻ sơ sinh: Vacxin lao
Với vacxin lao thì cần tiêm cho trẻ ngay trong vòng 1 tháng đầu sau sinh, Bộ Y tế khuyến cáo. Có 2 trường hợp cha mẹ cần lưu ý:
– Trẻ đảm bảo sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì nên tiêm phòng lao càng sớm càng tốt. Lý tưởng nhất là 24 giờ đầu sau sinh.
– Trẻ sinh non hoặc có bệnh lý cần theo dõi hay chăm sóc đặc biệt thì chỉ nên tiêm phòng lao khi thể trạng ổn định và theo chỉ định của bác sĩ. Tất nhiên vẫn cần đảm bảo việc tiêm phòng diễn ra càng sớm càng tốt.
4. Một số vacxin cần thiết khác
Ngoài 2 loại vacxin trên thì cha mẹ cũng cần thực hiện tiêm đầy đủ các vacxin phòng bệnh cần thiết khác cho trẻ trong 2 năm đầu đời:
– Trẻ đủ 6 tuần tuổi: vacxin Rotavirus, vacxin phòng ngừa các bệnh do phế cầu (viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm tai giữa).
– Trẻ đủ 2 tháng tuổi: vacxin 6 in 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Hib, viêm gan B).
– Trẻ đủ 6 tháng tuổi: vacxin cúm, vacxin não mô cầu BC.
– Trẻ đủ 9 tháng tuổi: vacxin phòng sởi – quai bị – rubella, vacxin viêm não Nhật Bản, vacxin thủy đậu, vacxin não mô cầu ACYW135.
– Trẻ đủ 12 tháng tuổi: vacxin viêm gan A.
– Trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi: tiêm nhắc các loại vacxin đã tiêm theo lịch hẹn.
Như vậy, trong lịch tiêm phòng của trẻ sơ sinh thì vacxin viêm gan B và vacxin lao là 2 loại cần thực hiện đầu tiên. Cha mẹ không nên bỏ qua 2 mũi tiêm này để không bỏ lỡ cơ hội bảo vệ trẻ trọn đời.