Dạ dày là bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hóa nhưng rất dễ bị tổn thương. Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Đôi khi thói quen không tốt của mọi người vô tình gây tác động xấu tới dạ dày.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là khi bề mặt của niêm mạc dạ dày bị tổn thương, xuất hiện ổ loét làm lộ lớp mô phía dưới. Căn bệnh này càng ngày càng phổ biến do những thay đổi của môi trường và cuộc sống. Mọi đối tượng đều có khả năng mắc bệnh nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất ở người già.
Nếu bệnh không được phát hiện sớm sẽ khiến tình trạng viêm loét trở nên nặng hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
2. Các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày bạn cần biết
Qua các nguồn thông tin, chắc rằng ai cũng biết mức độ ảnh hưởng của bệnh viêm loét dạ dày đối với sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ những nguyên nhân gây bệnh. Nếu biết được nguyên nhân gây bệnh có thể giúp chúng ta chủ động phòng tránh.
2.1. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày hàng đầu là vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP hay có tên đầy đủ là Helicobacter pylori là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất. Chúng xâm nhập vào cơ thể và sinh sôi mạnh mẽ tại niêm mạc dạ dày. Chúng tiết ra các hoạt chất gây kích ứng và làm loét dạ dày. Các trường hợp ung thư dạ dày cũng thường bắt nguồn từ vi khuẩn HP.
2.2 Lạm dụng thuốc
Những người thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau sẽ khiến cơ thể sụt giảm prostaglandin. Prostaglandin là hoạt chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi lớp hàng rào bảo vệ bị lung lay sẽ khiến dạ dày dễ bị tổn thương.
2.3 Áp lực, căng thẳng kéo dài
Xã hội hiện đại, phát triển nhanh đồng nghĩa với việc con người luôn phải sống vội vã và chịu nhiều áp lực. Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng nhiều tới dạ dày khiến suy giảm chức năng và gây viêm loét.
2.4. Thói quen xấu trong sinh hoạt
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những thói quen xấu thường xuyên cũng có thể là nguyên nhân viêm dạ dày.
– Ăn không đúng giờ, bỏ bữa
– Ăn quá no, vận động nhiều sau khi ăn sẽ khiến dạ dày phải hoạt động liên tục gây ra tổn thương
– Ăn tối quá khuya, sau khi ăn không nghỉ ngơi mà đi ngủ khiến tạo áp lực lên dạ dày
– Thức khuya, ngủ không đủ giấc làm tăng sản sinh acid dịch vị dần dần tạo ra ổ loét
– Ăn quá nhanh sẽ khiến thức ăn chưa được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng mà chuyển xuống dạ dày ở dạng thô để tiêu hóa tiếp. Điều này sẽ tăng gánh nặng lên dạ dày khiến chúng phải hoạt động quá nhiều. Bạn nên ăn uống từ tốn để tăng sự tiết nước bọt giúp dạ dày dễ tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
2.5 Chế độ ăn uống
Thường xuyên ăn thức ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, hoặc sử dụng nhiều muối, lạm dụng bia rượu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày. Dạ dày bị kích thích sản sinh ra acid dịch vị quá mức cần thiết. Lượng acid sẽ gây bào mòn lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc.
2.6 Viêm dạ dày tự miễn
Người bị rối loạn hệ miễn dịch làm cơ thể sản sinh kháng thể tấn công niêm mạc dạ dày. Xảy ra tình trạng rối loạn này là do cơ thể thiếu hụt B12.
2.7 Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày do hút thuốc lá
Thuốc lá không chỉ gây hại cho hệ hô hấp mà còn ảnh thưởng tới dạ dày. Những người nghiện thuốc lá thường có nguy cơ đau bao tử cao. Nguyên nhân do trong thuốc lá có chứa các chất độc làm tăng bài tiết HCL và Pepsin dẫn tới bào mòn tế bào. Chúng còn gây ức chế tổng hợp Prostaglandin giúp bảo vệ phục hồi niêm mạc. Chức năng làm rỗng của dạ dày bị ảnh hưởng sẽ gây ra tình trạng chảy mật ngược trong dạ dày làm cho chất cholat trong mật bào mòn dạ dày.
2.8 Bia rượu
Đồ uống có cồn vô cùng có hại cho sức khỏe, không chỉ hại gan, giết chết tế bào não mà chúng còn gây viêm loét dạ dày. Khi uống rượu sẽ làm tăng acid dạ dày gây kích ứng niêm mạc và khởi phát cơn đau. Người bệnh sẽ thấy đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn dữ dội. Các độc tố trong rượu bia còn làm chậm quá trình chữa lành của tế bào
2.9 Ăn uống không vệ sinh là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Ăn uống không hợp vệ sinh khiến bạn dễ mắc các bệnh về đường ruột như: Đầy bụng, buồn nôn, đau dạ dày, viêm dạ dày cấp tính,..Đặc biệt khi thời tiết nóng nực sẽ khiến thực phẩm dễ biến chất và là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Các thực phẩm không được rửa sạch hoặc đồ không tươi rất dễ gây bệnh.
2.10 Bị lạnh
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày này có vẻ còn khá mới mẻ và ít người nghĩ tới. Dạ dày là cơ quan mẫn cảm với nhiệt độ và khí hậu. Khi cơ thể bị lạnh dạ dày sẽ co thắt và gây ra triệu chứng: Nôn, khó tiêu, đau dạ dày,…
Thông thường mọi người sẽ chú ý giữ ấm cơ thể vào mùa đông nhưng nếu thường xuyên ăn đồ lạnh và ngồi lâu dưới điều hòa cũng có thể khiến dạ dày bị lạnh.
3. Dấu hiệu thường gặp khi bị viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày thường có các triệu chứng dễ nhận biết như:
– Đau bụng vùng thượng vị
– Ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và khó chịu ở dạ dày
– Ngủ chập chờn, mất ngủ do các cơn đau gây ra
– Rối loạn tiêu hóa: Táo bón xen kẽ đi ngoài do hệ tiêu hóa không ổn định
4. Các biện pháp điều trị nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Cũng giống như các bệnh lý khác, viêm loét dạ dày nếu được phát hiện sớm và điều trị có thể tiến triển tốt và không gây nguy hiểm. Nếu chủ quan để bệnh trở thành mạn tính thì việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh nên đi khám ngay để có hướng điều trị phù hợp
– Dừng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau nếu nguyên nhân là do tác dụng phụ của thuốc. Việc này có tác dụng ổn định các enzym trong hệ thông bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nếu vẫn bắt buộc phải sử dụng thuốc bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn đổi sang loại lành tính hơn
– Sử dụng các thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn HP, thuốc trung hòa acid dịch vị, thuốc bảo vệ niêm mạc
– Ăn uống điều độ, đúng bữa
– Hạn chế ăn các đồ chua cay, chiên rán, các loại đồ uống có cồn để giữ cho dạ dày khỏe mạnh
– Tránh làm việc quá sức, căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực
– Thường xuyên rèn luyện cơ thể với những môn thể thao hoặc bài tập nhẹ nhàng
Hiểu rõ về các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày sẽ hỗ trợ nhiều trong việc điều trị bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó cũng giúp bạn biết được nguy cơ gây bệnh cao để phòng tránh. Mỗi người nên tự có ý thức giữ gìn để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.