Tiêm chủng cho trẻ hiện nay được coi là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất, giúp cơ thể trẻ chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Vậy nên việc tiêm chủng luôn được các bậc phụ huynh chú ý từ sớm. Dưới đây là những mũi tiêm chủng quan trọng trong suốt lịch tiêm phòng của trẻ mà cha mẹ cần biết.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ
Đơn giản, bản chất việc tiêm chủng chính là sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Vậy nên khi tiêm chủng sẽ giúp cơ thể trẻ tạo kháng thể miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và lây lan bệnh cho cộng đồng.
Do không bị mắc bệnh nên trẻ được tiêm chủng sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra. Từ đó giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường.
2. Các mũi tiêm quan trọng trong lịch tiêm phòng của trẻ
2.1. Vắc xin ngừa Viêm gan B
Vắc xin sẽ giúp bảo vệ trẻ chống lại virus viêm gan B và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra như xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra, việc tiêm chủng vắc xin phòng viêm gan B cũng góp phần kiểm soát và giảm tỷ lệ mắc phải viêm gan D, do viêm gan D không thể xảy ra nếu trẻ không bị nhiễm viêm gan B.
Theo khuyến nghị của chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh cần phải được tiêm vắc xin viêm gan B ngay sau khi sinh 24 giờ. Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus từ mẹ sang bé (nếu chẳng may người mẹ bị nhiễm virus này khi mang thai). Với các mũi vắc xin tiếp theo, tùy vào loại thuốc mà cha mẹ lựa chọn cho trẻ sẽ có lịch tiêm chủng khác nhau.
2.2. Vắc xin phối hợp ngăn ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván
Đây đều là những bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể:
– Bạch hầu: là bệnh gây ra các vấn đề về hô hấp, suy tim và tử vong. Bệnh rất dễ lây lan khi tiếp xúc với người bệnh ho và hắt hơi.
– Uốn ván: là vi khuẩn sẽ tiết ra chất độc tấn công hệ thần kinh, gây co thắt cơ và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Loại vi khuẩn này có nhiều trong môi trường và xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở.
– Ho gà: là bệnh lý gây ho và co thắt cổ họng nghiêm trọng, khiến trẻ gặp khó khăn khi hô hấp và ăn uống. Bệnh cũng rất dễ lây lan trong môi trường thông qua hô hấp. Trong trường hợp xấu có thể dẫn đến viêm phổi, co giật, tổn thương não và tử vong.
Hiện nay, có nhiều loại vắc xin kết hợp giúp phòng ngừa cả 3 bệnh lý và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
2.3. Vắc xin phối hợp ngăn ngừa sởi, quai bị, Rubella
Loại vắc xin này sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi 3 loại virus:
– Sởi: gây sốt cao và phát ban toàn cơ thể.
– Quai bị: gây đau vùng mặt, sưng tuyến nước bọt và đôi khi sưng bìu ở bé trai.
– Rubella: gây dị tật bẩm sinh nếu xảy ra nhiễm trùng xảy ra trong thai kỳ.
Có thể tiêm vắc xin khi trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.
2.4. Vắc xin ngăn ngừa Thủy đậu
Thủy đậu là căn bệnh gây phát ban trên toàn cơ thể do virus thủy đậu gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh, có thể dẫn đến nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác cho sức khỏe của trẻ. Do đó, trẻ cần được tiêm phòng thủy đậu ngay ở độ tuổi 12 đến 15 tháng, và nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.
2.5. Vắc xin phòng vi khuẩn Hib
Vi khuẩn Hib gây viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản hay viêm phổi ở trẻ. Do đó, cha mẹ cần cho con tiêm vắc xin phòng ngừa vi khuẩn Hib để bảo vệ con khỏi các căn bệnh nguy hiểm này.
2.6. Vắc xin phòng bại liệt
Đây là một trong những mũi tiêm quan trọng trong những năm tháng đầu đời của trẻ. Nếu không may mắc bệnh bại liệt có thể gây tê liệt cơ thể, thậm chí là tử vong. Vậy nên việc tiêm phòng vắc xin bại liệt cho trẻ là vô cùng quan trọng.
2.7. Vắc xin phòng ngăn ngừa phế cầu khuẩn liên hợp
Vắc xin phế cầu khuẩn liên hợp giúp bảo vệ cơ thể bé khỏi 13 loại vi khuẩn, gây ra các bệnh ở trẻ như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tai và thậm chí tử vong.
2.8. Vắc xin ngừa bệnh cúm
Vắc xin cúm là loại vắc xin phòng ngừa sự xâm nhập và gây bệnh của các chủng virus cúm. Tiêm vắc xin cúm hàng năm giúp trẻ em giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nặng xảy ra. Có thể tiêm vắc xin cúm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
2.9. Vắc xin phòng ngừa Rotavirus
Vắc xin phòng Rotavirus là loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, nguyên nhân top đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em.
Loại vắc xin này được sản xuất ở dạng lỏng dùng để uống. Liều uống đầu tiên có thể bắt đầu khi trẻ đủ 6 tuần tuổi và hoàn thành 2 liều trước 6 tháng tuổi.
2.10. Vắc xin phòng ngừa viêm gan A
Virus viêm gan A có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ khi ăn uống các thực phẩm và nước uống bị ô nhiễm. Bệnh có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng, từ vài tuần đến vài tháng.
Vì thế khi trẻ được 12 đến 24 tháng tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan A. Mũi tiêm nhắc lại cách mũi đầu ít nhất 6 – 12 tháng.
3. Làm sao để sắp xếp lịch tiêm phòng của trẻ phù hợp và hiệu quả?
3.1. Tham khảo lịch tiêm phòng của trẻ theo khuyến nghị của bác sĩ
Để có thể có lịch tiêm phòng phù hợp nhất với trẻ, cha mẹ nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ khi đăng ký tiêm chủng cho trẻ. Hiện nay tại các cơ sở tiêm chủng đều có phát sổ tiêm chủng với lịch tiêm cụ thể cho trẻ bao gồm: các mũi tiêm cần thiết, lịch sử tiêm trước đây của trẻ và nhắc lịch tiêm chủng cho các lần tiêm tới. Cha mẹ hoàn toàn có thể quản lý hành trình tiêm chủng của con dễ dàng và hiệu quả.
3.2. Lựa chọn các loại vắc xin kết hợp để rút gọn lịch tiêm phòng của trẻ
Ngoài ra, với sự phát triển của nền y học, hiện nay đã có các loại vắc xin phối hợp giúp phòng 6 bệnh trong 1, 5 bệnh trong 1. Từ đó, với số mũi tiêm được giảm bớt, việc tiêm chủng cho trẻ trở nên đơn giản và tiết kiệm hơn bao giờ hết. Đặc biệt, số lần tiêm giảm cũng sẽ giảm bớt đau đớn cho trẻ khi phải tiêm quá nhiều mũi
Trên đây là những mũi tiêm cần thiết trong lịch tiêm phòng cho trẻ và những lưu ý khi xếp lịch tiêm phòng. Mong rằng với những thông tin trên cha mẹ đã có thể xây dựng lịch trình tiêm phù hợp cho con.