Cơn đau dạ dày cấp là vấn đề tiêu hóa phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng thường xuất hiện đột ngột, gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống. Biết cách xử lý đau dạ dày cấp hiệu quả sẽ giúp người bệnh giảm thiểu những mệt mỏi do bệnh lý này gây nên.
Menu xem nhanh:
1. Các triệu chứng điển hình của cơn đau dạ dày cấp
1.1 Đau bụng vùng thượng vị là dấu hiệu đặc trưng của cơn đau dạ dày cấp
Thượng vị được tính từ vị trí trên rốn đến phía dưới xương ức. Người bệnh dễ cảm thấy các cơn đau thượng vị rõ ràng hơn khi bụng đói, sau ăn hoặc vào ban đêm đến rạng sáng. Tính chất đau có thể âm ỉ thời gian đầu, sau chuyển qua đau dữ dội, quặn thắt từng cơn kèm theo cảm giác nóng rát. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cảm thấy đau lan lên ngực hoặc ra sau lưng…
Đau thượng vị rất dễ nhầm lẫn với các cơn đau do bệnh lý lồng ngực, tim mạch nên để xác định đúng nguyên nhân của các cơn đau, người bệnh càn đến khám tại cơ sở y tế.
1.2 Cơn đau dạ dày cấp kèm theo nôn, buồn nôn
Người bệnh buồn nôn, nôn nhiều, nôn hết sau ăn cũng là dấu hiệu bệnh đáng chú ý. Tình trạng này diễn ra nhiều lần và không được can thiệp có thể khiến người bệnh mất nước và điện giải. Về lâu dài người bệnh sẽ bị sụt cân, xanh xao và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
Nôn cũng có thể đi kèm các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy và ăn không ngon miệng.
1.3 Xuất huyết tại niêm mạc dạ dày
Là dấu hiệu cảnh báo cơn đau dạ dày cấp tính có thể đang tiến triển nghiêm trọng. Người bệnh có thể nhận biết chảy máu tại niêm mạc dạ dày thông qua các triệu chứng như:
Đau bụng dữ dội kéo dài, đau quặn thắt từng cơn, lan rộng toàn vùng bụng. Đau nhiều hơn khi người bệnh ăn đồ ăn chua, cay, nóng.
Đi ngoài phân đen hoặc phân máu, có mùi hôi tanh bất thường. Đây cũng là dấu hiệu đặc trưng cho biết người bệnh đang bị xuất huyết dạ dày. Lượng phân có màu đen hắc ín càng nhiều thì tình trạng chảy máu càng nghiêm trọng.
Bệnh nhân nôn ra thức ăn kèm máu tươi hoặc máu đen. Đây là dấu hiệu nguy hiểm, bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu.
Một số triệu chứng ngoài tiêu hóa khác như: hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp, da xanh xao… (biến chứng thiếu máu).
2. Nguyên nhân gây bệnh
Cơn đau dạ dày cấp chủ yếu xảy ra khi axit tiêu hóa kích ứng lên các tổn thương tại dạ dày gây đau. Các tác nhân đứng sau tổn thương này có thể kể đến:
Sự ảnh hưởng của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Loại vi khuẩn này sinh sôi và phát triển tại niêm mạc dạ dày, đồng thời tiết các chất độc gây ra các tổn thương viêm loét.
Người bệnh uống quá nhiều bia rượu trong thời gian dài.
Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, đặc biệt là các thuốc NSAID không chứa steroid có trong phác đồ điều trị bệnh xương khớp.
Bệnh nhân có thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh.
Người bệnh thường xuyên căng thẳng thần kinh cũng dễ gặp phải các cơn đau dạ dày cấp
Ngộ độc thực phẩm cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng bệnh này.
3. Làm gì khi bị cơn đau dạ dày cấp hành hạ?
“Cần làm gì khi bị cơn đau dạ dày cấp hành hạ?” là câu hỏi nhiều người bệnh thắc mắc. Trên thực tế, cơn đau dạ dày cấp có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên trước các triệu chứng gây nhiều khó chịu, phần lớn bệnh nhân sẽ cần có phương pháp điều trị cụ thể. Các lựa chọn có thể bao gồm:
3.1 Sử dụng thuốc giúp thuyên giảm triệu chứng
Cần lưu ý trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần được thăm khám và chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa. Dựa trên kết luận bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp. Một số loại thuốc có thể được sử dụng nhằm điều trị triệu chứng do cơn đau dạ dày cấp như:
Thuốc ức chế bơm proton (PPI): có hiệu quả mạnh mẽ trong việc ức chế axit dịch vị, làm lành và giảm triệu chứng của vết loét.
Thuốc ức chế thụ thể histamin H2: có tác dụng ngăn quá trình kích hoạt sản xuất axit dạ dày.
Thuốc kháng acid: làm loãng axit dịch vị và tạo chất đệm cho acid bằng cách làm tăng độ pH dạ dày.
Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn HP( khi xác định HP là nguyên nhân gây bệnh)
3.2 Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa nói chung, bên cạnh sử dụng thuốc nhằm thuyên giảm triệu chứng, các bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh nên có một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý. Cụ thể:
Tránh xa các chất kích thích gây hại cho dạ dày như rượu, bia, thuốc lá…
Hạn chế ăn những món nhiều dầu mỡ, chua, cay, nóng: thực phẩm đóng hộp, chiên rán,
Bổ sung vào bữa ăn hàng ngày các thức ăn dễ tiêu hóa, có tác dụng thấm hút dịch vị như: ngũ cốc, bánh mì, rau củ quả tươi, sữa chua…
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn chậm nhai kỹ, không bỏ bữa, ăn quá no hay để bụng quá đói…
Có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi, giải trí phù hợp để giữ cho tinh thần thoải mái, tránh stress.
Nên ngủ đủ giấc (Từ 7-8 tiếng/ngày) và không thức khuya (Sau 23h)
Dừng sử dụng các thuốc gây tác dụng phụ ảnh hưởng dạ dày như aspirin hoặc NSAIDs.
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng và hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru, thuận lợi.
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu nhận biết cơn đau dạ dày cấp và hướng xử lý bệnh. Cơn đau dạ dày cấp hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh có đủ kiến thức và ý thức chủ động điều trị bệnh. Ngược lại, trường hợp người bệnh bị đau dạ dày cấp không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến đau mạn tính, thậm chí biến chứng nguy hiểm.