Việc xử trí hóc dị vật đường thở không phù hợp và muộn màng trong các tình huống tai nạn đôi khi có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, chúng ta nên cảnh giác, tìm hiểu về các hình thức này để an tâm phòng bị, xử trí đúng cách khi gặp tình trạng dị vật đường thở.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan dị vật đường thở
1.1. Khái niệm
Dị vật đường thở có thể được mô tả dễ hiểu là tình trạng có những vật chúng ta nuốt bị mắc lại trên đường thở (thanh quản đến phế quản phân thùy). Đây là một trong những tình huống cấp cứu thường gặp tại khoa tai mũi họng với tỷ lệ xảy ra cao đối với trẻ nhỏ do những thói quen, hành vi độ tuổi. Tuy nhiên, ai cũng có thể bị hóc dị vật đường thở.
Các dị vật gây hóc có thể là bất cứ vật gì chúng ta nuốt phải như: xương, thức ăn, đồ chơi, vật dụng trong nhà, đồ dùng học tập, các loại hạt, trang sức,… Trong một số trường hợp hay uống nước suối hoặc tắm sông suối không chú ý, dị vật đường thở còn có thể là con tấc ký sinh trong đường thở.
1.2. Nhận biết
Trong tình huống dị vật sống hoặc người bệnh bị hôn mê, biểu hiện dị vật đường thở thường khó nhận biết hơn, không khai thác được hội chứng xâm nhập. Bên cạnh đó, tùy vị trí dị vật hóc mà biểu hiện của người bệnh cũng khác nhau. Một số dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết ở hóc dị vật đường thở như:
– Ho
– Khàn tiếng, mất tiếng
– Đau tức cổ ngực
– Khó thở, tức ngực
– Khó khăn trong việc nói, phát âm hoặc ngay cả việc thở.
– Tiếng kêu hoặc khóc không rõ ràng.
– Mặt biến đổi màu sắc hoặc biểu hiện sự hoảng loạn.
1.3. Tầm nguy hiểm
Hóc dị vật đường thở khi không được xử trí nhanh, kịp thời, đúng cách có thể gây ra tình trạng nguy hiểm như:
– Ngưng thở hoặc suy hô hấp.
– Nguy cơ bị hội chứng nghẹt.
– Viêm thanh khí phế quản,tràn khí màng phổi, áp xe phổi, viêm phổi, sẹo hẹp thanh quản,…
– Thiếu oxy, gây ra tổn thương não hoặc tử vong.
2. Cách xử trí trước tai nạn hóc dị vật đường thở
Trước tai nạn dị vật đường thở, tùy thuộc vào từng đối tượng và tình huống cụ thể, cần cân nhắc việc xử trí khác nhau. Nguyên tắc cần thiết là phải đảm bảo khai thông đường thở và lấy dị vật ra sớm cho người bệnh.
Trong trường hợp ngạt thở, nếu không cấp cứu ngay, người bệnh có thể tử vong. Do đó, cần nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các sơ cứu tại chỗ cho người bệnh.
2.1. Xử trí hóc dị vật đường thở với trẻ dưới 1 tuổi
– Đặt trẻ nằm sấp với tư thế đầu thấp, sau đó, vỗ lưng trẻ để tống dị vật ra.
– Trong trường hợp dị vật không ra, hãy lật trẻ nằm ngửa, vẫn ở tư thế đầu thấp, dùng 2 ngón tay trỏ và giữa ấn vào ngực trẻ.
– Thực hiện hai thao tác này lần lượt, nhịp nhàng cho đến dị trẻ ho và thở được.
Người sơ cứu cho trẻ có thể đặt trẻ lên đùi để thuận tiện thao tác. Trong tình huống trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hà hơi thổi ngạt cấp cứu ngừng tuần hoàn.
2.2. Xử trí hóc dị vật đường thở với trẻ trên 1 tuổi và người lớn
Thực hiện thao tác vỗ lưng ép bụng để tống dị vật ra khỏi vị trí gây tắc nghẽn đường thở cho người bệnh. Trong trường hợp người bị hóc dị vật đường thở còn tỉnh táo, có thể đứng để sơ cứu với tư thế: người sơ cứu đứng ngay sau lưng người bị nạn. Khi đó, thực hiện 5 lần vỗ mạnh vào lưng của người bị nạn bằng gốc tay, ở vị trí chính giữa xương bả vai của bệnh nhân. Đồng thời, kiểm tra việc thở của người bệnh bình thường chưa.
Trong tình huống người bệnh vẫn bị hóc và nguy kịch, cần đứng sau, ôm và dụng hai tay ép mạnh lên bụng, vùng thượng vị của người bệnh theo hướng lên trên và ra sau. Hai thao tác này lần lượt được thực hiện cho đến khi người bệnh thở trở lại bình thường.
Trong tình huống người bị hóc dị vật không tỉnh táo, không thể đứng, có thể đặt họ nằm trên mặt phẳng để thực hiện thao tác. Nếu có hiện tượng không thở, không sờ thấy mạch đập, người sơ cứu cần hỗ trợ hà hơi thổi ngạt.
2.3. Xử trí hóc dị vật đường thở với người mang thai, béo phì
Với người đang mang thai hoặc béo phì cần cấp cứu hóc dị vật đường thở, cách tiến hành tương tự trên, chỉ khác ở vị trí ép là ngực chứ không phải là bụng.
2.4. Gắp dị vật
Trong mọi trường hợp, dị vật đường thở cần đến các bác sĩ tai mũi họng để được kiểm tra và soi gắp sớm nhằm hạn chế nguy hiểm và các tai biến về phổi cũng như các cơ quan lân cận. Một số trường hợp nặng, có hiện tượng viêm, cần tiến hành hút mủ hoặc rửa phế quản, bơm kháng sinh giảm viêm điều trị.
3. Phòng ngừa dị vật đường thở
Dị vật đường thở luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng. Chính vì thế, việc phòng ngừa đúng cách, tuyên truyền phổ biến trong cộng đồng là điều cần thiết để ngăn ngừa tai nạn, tránh các tình huống nghiêm trọng do hóc dị vật gây nên. Để phòng ngừa dị vật đường thở, cần chú ý:
– Tránh cười đùa hoặc không tập trung trong khi đang ăn
– Ăn chậm, nhai kỹ.
– Không cưỡng bức, áp chế ăn khi đang khóc hoặc khi trẻ đang khóc.
– Bỏ thói quen ngậm đồ khi suy nghĩ, đồng thời, tránh thói quen ngậm đồ cho trẻ trong nhà.
– Cẩn trọng khi trẻ tiếp xúc với các loại hạt nhỏ, đồ vật nhỏ vì trẻ rất dễ đưa vào trong miệng và hóc.
– Chú ý trong khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ nhỏ và người già để tránh các dị vật có thể gây hhocs.
– Không uống nước suối hoặc các nước lấy trực tiếp từ thiên nhiên không thông qua chế biến.
Nhận định:
Dị vật đường thở là tai nạn dễ xảy ra với mọi đối tượng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Hiện tượng này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe và tính mạng. Chính vì thế, cần hết sức thận trọng và cảnh giác, tránh hóc dị vật xảy ra. Bên cạnh đó, khi đối mặt với tai nạn này, cần xử trí hóc dị vật đường thở đúng cách bằng việc sơ cứu kịp thời, gắp dị vật đúng cách tại các cơ sở y khoa tai mũi họng nhanh chóng, tránh những biến chứng nặng mà dị vật gây nên.