Đề phòng và xử lý người bị hóc dị vật đường thở đúng cách

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Phạm Thanh Thúy

Bác sĩ Tai Mũi Họng

Vấn đề phòng và xử lý người bị hóc dị vật đường thở hiện nay còn nhiều điều mà chúng ta vẫn thường hay thực hiện sai cách. Việc này không những khiến vấn đề hóc không được loại bỏ, mà có khi còn gây ra nhiều hệ lụy lâu dài. Chính vì thế, hiểu đúng về hóc dị vật đường thở, phòng và điều trị đúng cách là điều cần thiết mà mỗi chúng ta cần nắm bắt, thực hiện.

1. Hiểu đúng về hóc dị vật đường thở

Đường thở được xác định trong khoảng vùng thanh quản đến phế quản của con người. Dị vật đường thở sẽ xâm nhập từ mũi, miệng đến khu vực này. Chúng có thể là kim loại, nhựa, gỗ, nilon hoặc các vật chất hữu cơ khác. Tình huống dị vật đường thở có thể dễ dàng xảy ra trong đời sống và dị vật là bất cứ đồ vật, chất liệu nào quanh chúng ta, như: nhẫn, vòng, nắp bút, hòn bi, hạt lạc, hạt đậu, xương, vỏ tôm, vảy cá,…

Cách xử lý người bị hóc dị vật đường thở

Hóc dị vật đường thở dễ nhận biết

1.1. Nguyên nhân

Hóc dị vật đường thở là tình huống các vật chất từ khu vực mũi miệng bị giữ lại ở vùng thanh – phế quản. Tình huống hóc này có thể xảy ra do các nguyên nhân như:

– Không tập trung vào việc ăn uống với các biểu hiện như: Vừa ăn vừa xem phim, Nô đùa hoặc đang khóc trong lúc ăn uống,…

– Bị sặc khi ăn uống dẫn đến nuốt vội khi thức ăn vẫn còn kích thước lớn.

– Thói quen ngậm đồ trong lúc chơi hoặc làm việc và vô tình nuốt xuống mà không hay biết.

– Đi bơi hoặc uống nước ở sông, suối hoặc nước giếng khơi và bị các động vật nhỏ chui vào mũi hoặc theo đường uống xuống đường thở.

– Người có rối loạn phản xạ ở họng – thanh quản, mới thực hiện gây mê phẫu thuật.

– Do hẹp thanh – phế quản bẩm sinh dễ bị hóc.

– Do tình trạng thiếu răng (chưa mọc hoặc rụng) nên dễ xảy ra tình trạng nhai sót và nuốt khi thức ăn chưa được nghiền nát hoàn toàn.

– Viên thuốc lớn nhưng không được chia nhỏ khi uống thuốc

Dị vật đường thở có thể biểu hiện các triệu chứng ngay lập tức, cũng có thể sau 1 thời gian ngắn bị hóc.

1.2. Biểu hiện

Người có dị vật đường thở thường khá dễ nhận biết với những triệu chứng điển hình như: Đột nhiên ho sặc sụa; mặt mày đỏ bừng hoặc tím tái; biểu cảm khó thở, ngạt thở; mắt trợn;…. Có những bệnh nhân có thể chỉ có biểu hiện này trong một chốc rồi đỡ hơn, nhưng cũng có những trường hợp ngưng thở và tử vong ngay sau đó. Chính vì thế, những người xung quanh cần chú ý để có thể nhận biết nhanh và sơ cứu kịp thời cho người bệnh.

2. Xử lý nhanh, đúng cách với người bị hóc dị vật đường thở

Trong trường hợp chứng kiến cảnh hóc dị vật đường thở, nếu bệnh nhân vẫn còn tình táo, có thể thở được thì những người xung quanh cần để bệnh nhân giữ nguyên tư thế ngồi, sau đó mau chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được các bác sĩ tai mũi họng kiểm tra và lấy dị vật ra sau khi xác nhận vị trí dị vật.

Nếu bệnh nhân mất ý thức, hoặc tím tái; khó thở không nói được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức, đồng thời tiến hành sơ cứu để tránh nguy cơ tử vong do hóc dị vật cho bệnh nhân.

2.1. Sơ cứu trẻ nhỏ

Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cần thực hiện sơ cứu với phương pháp vỗ lưng ấn ngực đẩy dị vật khỏi đường thở cho trẻ. Cách thực hiện: Để trẻ nằm úp dọc theo cánh tay hoặc đùi của người hỗ trợ, trong đó, trẻ ở tư thế đầu thấp hơn chân. Chú ý giữ chắc phần cổ để trẻ không bị tuột xuống. Khi đó, người hỗ trợ hãy xác định vị trí lưng giữa hai xương bả vai của trẻ và dùng gót bàn tay còn lại vỗ 5 lần vào vị trí đó. Sau khi thực hiện điều này, xem bé đã thở lại bình thường, da mặt hồng hào lại chưa.

xử lý người bị hóc dị vật đường thở đúng cách

Sơ cứu trẻ nhỏ bị dj vật đường thở

Nếu trẻ chưa hô hấp bình thường, hãy tiếp tục dùng phương pháp ấn ngực để sơ cứu cho trẻ đang bị hóc. Thực hiện đơn giản bằng cách: Đặt trẻ ngửa trên bàn tay hoặc đùi người cứu hộ, chú ý vẫn để trẻ ở tư thế đầu thấp hơn chân, đầu nghiêng hướng đất. Sau đó, xác định vùng thượng vị trẻ: trên rốn và ngay dưới xương ức. Người hỗ trợ hãy lấy 2 ngón tay (tay còn lại) ấn mạnh 5 lần theo hướng lên trên cho bé. Trong quá trình đó, cần xem trẻ đã khó và thở lại bình thường chưa. Nếu trẻ chưa hết khó thở, cần tiếp tục lặp lại thao tác này cho đến khi xe cấp cứu đến.

2.2. Sơ cứu trẻ trên 2 tuổi và người lớn

Với những đối tượng từ 2 tuổi trở lên, có thể sử dụng phương pháp ép bụng, hay còn được gọi là nghiệm pháp Heimlich trong cấp cứu hóc dị vật tai mũi họng.

2.2.1. Bệnh nhân còn tỉnh

Nếu bệnh nhân còn tỉnh, hãy thực hiện nghiệm pháp Heimlich ở tư thế đứng. Người hỗ trợ đứng sau người bệnh. Trong trường hợp với trẻ nhỏ, người hỗ trợ có thể ở tư thế quỳ để có thể dễ dàng thực hiện thao tác hơn. Khi này, người hỗ trợ đưa hai tay ôm lấy bụng của bệnh nhân, một tay nắm chặt thành nắm đấm, tay kia ôm lấy tay này, đặt ở khu vực vùng thượng vị và đột ngột đấm vào theo hướng vào xương ức và hướng lên trên. Thực hiện ấn vào thượng vị như thế này liên tiếp 5 -10 lần cho đến khi dị vật ra khỏi đường thở.

Trong trường hợp thực tế, nếu bệnh nhân bị hóc dị vật đường thở mà còn tỉnh táo, thì nên đến luôn các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và gắp dị vật ra từ sớm, bởi thao tác sơ cứu không phải là thao tác mà ai cũng có thể thực hiện đúng kỹ thuật. Cần đặt sự an toàn của bệnh nhân lên trên cùng trước khi thực hiện thao tác sơ cứu.

Bác sĩ xử lý cho người bị hóc dị vật đường thở

Nên đến các cơ sở y tế và chữa hóc kịp thời

2.2.2. Bệnh nhân hôn mê

Với trường hợp người bị hóc bị hôn mê: nếu bệnh nhân bất tỉnh, không thở được thì cần hà hơi thổi ngạt để lấy lại hơi thở cho bệnh nhân. Sau đó, thực hiện thao tác như thông thường: Đặt bệnh nhân nằm trên mặt phẳng cố định, người hỗ trợ quỳ trên bệnh nhân với tư thế hai đầu gối cạnh má đùi ngoài của bệnh nhân. Người hỗ trợ nắm hai tay thành nắm đấm rồi đột ngột ấn vào xương ức dưới sườn 5 cái liên tiếp theo chiều hướng lên so với thân của bệnh nhân. Nếu dị vật chưa ra, cần kết hợp hà hơi thổi ngạt và ấn ngực bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân hồng hào trở lại hoặc đến khi cấp cứu đến.

Điều cần chú ý khi xử lý người bị hóc dị vật đường thở là, dù dị vật đã ra khỏi đường thở, bệnh nhân hồng hào trở lại, thì cũng cần phải đến các cơ sở y tế tai mũi họng để kiểm tra xem dị vật còn không để xử lý triệt để tình trạng này, tránh những tình huống nguy hiểm do dị vật gây ra về sau.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital