Xét nghiệm máu ung thư dạ dày là một trong những cách đơn giản và thường cần phải thực hiện để phát hiện sớm bệnh. Vậy xét nghiệm máu trong chẩn đoán ung thư dạ dày được thực hiện như thế nào? Hiệu quả ra sao? Ngoài xét nghiệm máu cần làm thêm các xét nghiệm nào khác không?
Mời độc giả cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư dạ dày cũng như cách phát hiện sớm bệnh.
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa
Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam đứng thứ 18/20 nước có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, những người dưới 40 tuổi cũng có khả năng mắc bệnh do:
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học
- Nhiễm vi khuẩn HP do thói quen ăn uống chung đụng
- Không điều trị triệt để những bệnh lý ở dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày
- Không có thói quen thăm khám sức khỏe dẫn tới bệnh lý nặng dần lên
- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày có thể gặp phải ở cả nam và nữ vì thế chúng ta cần chủ động thăm khám, tầm soát ung thư dạ dày định kỳ để kịp thời phát hiện sớm bệnh. Ung thư dạ dày nếu được điều trị đúng cách ngay từ giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt 70%.
Xét nghiệm máu chẩn đoán ung thư dạ dày
Xét nghiệm máu là bước đánh giá ban đầu giúp chẩn đoán sớm các chỉ số bất thường trong cơ thể, trong đó có ung thư dạ dày. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để tìm chất chỉ điểm ung thư CA 72-4 và CEA:
- CA 72-4 ở người bình thường là ≤ 6 U/mL. Khi mắc ung thư dạ dày, chỉ số CA 72-4 sẽ tăng cao bất thường. Ngoài ra, chỉ số này cũng tăng cao ở một vài trường hợp lành tính khác như viêm dạ dày, xơ gan, viêm phổi…
- CEA ở người bình thường là 0-5 ng/ml. Khi mắc các bệnh ung thư, chỉ số CEA tăng > 5 ng/ml tuỳ theo các phủ tạng khác nhau. Chỉ số này cũng tăng cao ở những bệnh lý lành tính như xơ gan, loét dạ dày, hút thuốc lá nhiều, nhiễm trùng phổi…
Có nhiều trường hợp mắc ung thư dạ dày nhưng chỉ số CA 72-4 và CEA không tăng. Vì thế, xét nghiệm này chỉ mang tính chất gợi ý, giúp bác sĩ căn cứ vào đó để chỉ định làm thêm các chẩn đoán chuyên sâu khác.
Các xét nghiệm, chẩn đoán khác giúp phát hiện ung thư dạ dày
Để phát hiện có hay không khối u trong dạ dày, ngoài xét nghiệm máu, bạn cần thực hiện các chẩn đoán chuyên sâu khác như:
- Nội soi dạ dày: hiện nay nội soi dạ dày không đau được nhiều người tin tưởng sử dụng. Bạn sẽ được gây mê với lượng thuốc mê vừa đủ để thực hiện quá trình nội soi. Bác sĩ sẽ luồn ống nội soi mềm, nhỏ có gắn nguồn sáng và camera, đưa vào cơ thể qua đường miệng xuống dạ dày, thực quản để quan sát toàn bộ tổn thương bên trong đường tiêu hóa trên. Hình ảnh nội soi sẽ được bác sĩ theo dõi qua màn hình vi tính giúp bác sĩ xác định vị trí, kích thước của khối u. Qua nội soi, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết – lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra nhằm xác định tính chất của khối u là u lành tính hay u ác tính.
- Siêu âm ổ bụng: phương pháp này cũng giúp bác sĩ quan sát những tạng trong ổ bụng, phát hiện sớm kích thước, vị trí của khối u ở dạ dày.
- Chụp CT: phương pháp này hiện đại hơn, giúp chẩn đoán chính xác khối u ở dạ dày và đánh giá giai đoạn bệnh cụ thể.
Để làm các xét nghiệm, chẩn đoán ung thư dạ dày, bạn cần tới trực tiếp bệnh viện để bác sĩ tiến hành kiểm tra và đưa ra các chỉ định cụ thể.
Tầm soát ung thư dạ dày là cách hiệu quả mà đơn giản hiện nay bao gồm đầy đủ các bước thăm khám, chẩn đoán giúp bác sĩ tìm ra khối u ở dạ dày. Qua tầm soát ung thư dạ dày còn giúp phát hiện mầm mống ung thư ngay từ khi chúng còn chưa có biểu hiện cụ thể, kích thước nhỏ. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả cao, giúp kéo dài cơ hội sống.