Viêm tuyến vú gây đau đớn, sốt, ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ dấu hiệu, nguyên nhân của viêm tuyến vú để chị em có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Viêm tuyến vú là các mô vú của phụ nữ bị sưng đau hoặc viêm. Bệnh có thể liên quan tới nhiễm trùng, xảy ra ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, bệnh phổ biến ở phụ nữ đang cho con bú (do tiết sữa), đặc biệt là 3 tháng đầu sau sinh nở.
Tình trạng viêm vú xuất hiện khiến vú của người bệnh bị đau, sưng thậm chí gây sốt và ớn lạnh. Lúc này, cơ thể người bệnh thường mệt mỏi, khó chịu vì bị cơn đau hành hạ.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân nào gây viêm tuyến vú ở phụ nữ?
– Tắc ống dẫn sữa:
Đây là nguyên nhân chính gây viêm vú ở phụ nữ. Tình trạng này xảy ra khi sữa trong vú bị tồn dư, vón cục gây tắc nghẽn. Dòng sữa lúc này chảy ngược vào bên trong, gây viêm và có thể dẫn tới nhiễm trùng.
– Tuyến vú bị vi khuẩn xâm nhập:
Vi khuẩn ở trên bề mặt da và miệng của em bé xâm nhập vào bên trong thông qua vết nứt ở núm vú hoặc lỗ mở của ống dẫn sữa. Sữa ứ đọng bên trong vú không được giải phóng hoàn toàn trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi phát triển. Việc ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng này rất khó, vì vậy phụ nữ đang cho con bú cần vệ sinh sạch sẽ, theo dõi khi có dấu hiệu của bệnh.
– Viêm tuyến vú mãn tính và ung thư biểu mô viêm:
Tình trạng viêm vú mãn tính xảy ra ở những người phụ nữ không cho con bú. Đối với phụ nữ sau khi mãn kinh, nhiễm trùng vú có thể do liên quan tới viêm mãn tính, do các ống dẫn ở dưới núm vú. Việc thay đổi nội tiết tố có thể khiến ống dẫn sữa bị tắc, từ đó làm cho nhiễm trùng lan nhanh.
Ngoài ra, cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm ở tuyến vú:
– Bị nứt hoặc loét núm vú
– Giữ nguyên một tư thế trong lúc cho con bú
– Dùng áo ngực chật, bó sát
– Có tiền sử viêm vú trước đó
– Stress, mệt mỏi
2. Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng của bệnh viêm tuyến vú có thể xuất hiện đột ngột và phát triển nhanh chóng, bao gồm:
– Vú bị sưng, xuất hiện vùng đỏ và cảm thấy nóng, đau mỗi khi đụng vào.
– Có khối u hoặc mô vú dày lên
– Liên tục xuất hiện cơn đau rát khi cho con bú
– Có dịch tiết màu trắng hoặc vệt máu
– Đau nhức, sốt từ 38,5 độ C, có cảm giác ớn lạnh, cơ thể mệt mỏi
– Áp xe vú
3. Viêm ở tuyến vú có để lại biến chứng không?
Viêm tuyến vú để lại biến chứng không? Câu trả lời là có. Bệnh lý này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ cho con bú đã và đang “vật lộn” với tình trạng áp xe vú.
Có thể nhận biết áp xe vú thông qua một số dấu hiệu như: khối u mềm xuất hiện và di động dưới da, chảy dịch ở núm vú. Ngoài ra, người bị viêm ở tuyến vú còn có thể bị sốt cao. Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa, hạn chế biến chứng xấu.
3. Phương pháp chẩn đoán viêm tuyến vú
3.1 Chẩn đoán viêm tuyến vú thông qua thăm khám lâm sàng
Phần lớn người bị viêm vú có thể chẩn đoán nhờ thăm khám lâm sàng. Các bác sĩ sẽ đưa ra câu hỏi liên quan cũng như hỏi về triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Từ thời điểm bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng cho tới mức độ đau, cũng như một số triệu chứng khác… phục vụ cho việc chẩn đoán bệnh ban đầu.
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ có câu trả lời chính xác về bệnh. Trường hợp người bệnh bị viêm nặng, nhiễm trùng… bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm là sữa để xét nghiệm.
3.2 Chẩn đoán viêm tuyến vú qua siêu âm
Siêu âm có thể được thực hiện để phân biệt viêm vú đơn thuần hay áp xe, hoặc áp xe sâu ở bên trong vú. Bằng cách đặt đầu dò siêu âm ở trên vú, bác sĩ sẽ hình dung chính xác được áp xe. Từ đó, bác sĩ có thể chỉ định hút dịch, kê thuốc kháng sinh hoặc dẫn lưu phẫu thuật.
Trường hợp phụ nữ bị viêm vú dù không cho con bú hoặc không đáp ứng với điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang, sinh thiết vú để phòng ngừa ung thư vú.
4. Phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người, việc điều trị sẽ được tiến hành theo các phương pháp khác nhau:
– Nội khoa (dùng thuốc): Đây là phương pháp thường được bác sĩ chỉ định. Thuốc được sử dụng bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm sưng. Vi khuẩn gây tình trạng tuyến vú bị viêm có thể bị tiêu diệt nhờ một số loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ định đúng chuyên môn từ các bác sĩ. Tình trạng nhiễm trùng có thể được giải quyết hoàn toàn nhờ kháng sinh. Phụ nữ nuôi con vẫn có thể cho bú khi đang chữa bệnh bởi nhiễm trùng không phải trong sữa mà ở mô vú. Việc cho con bú thậm chí hữu ích cho việc điều trị của người bệnh.
– Ngoại khoa: Trong một số trường hợp thật sự cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện tiểu phẫu, dẫn lưu áp xe vú thông qua đường rạch ở vú. Điều này giúp kiểm soát sự phát triển của áp xe, cải thiện tình trạng sức khỏe.
5. Biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bệnh
Tình trạng viêm tại tuyến vú không làm tăng nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ. Nếu phát hiện sớm, bệnh dễ dàng được điều trị và gần như phục hồi rất nhanh.
Để giảm thiểu, phòng tránh nguy cơ bị viêm ở tuyến vú, mỗi người cần chủ động theo dõi cũng như chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Một số cách phòng ngừa như sau:
– Cho con bú mẹ thường xuyên. Đồng thời phụ nữ nên vắt sạch sữa sau mỗi lần cho con bú, tránh ứ đọng sữa bên trong.
– Vệ sinh sạch sẽ để tránh bị ngứa hay núm vú bị nứt
– Liên tục thay đổi tư thế trong lúc cho con bú
– Tránh cai sữa đột ngột cho con, thay vào đó thực hiện từ từ, không vội vàng.
– Trường hợp người mẹ hút thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc cai thuốc lá.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ có thể hiểu rõ hơn về bệnh viêm tuyến vú. Từ đó giúp nữ giới chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân.