Viêm tuyến giáp: Những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Ma Thị Nga

Bác sĩ Nội tiết

Viêm tuyến giáp là bệnh tuyến giáp ít gặp nhưng có thể dẫn đến hệ quả suy giáp hoặc cường giáp, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vậy đây là tình trạng bệnh như thế nào, điều trị ra sao, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Hiểu về tình trạng viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị viêm gây tăng tiết hormone tuyến giáp hoặc giảm tiết hormone tuyến này, từ đó ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Viêm tuyến giáp có thể do nhiều tác nhân gây ra như bệnh tự miễn, yếu tố di truyền, nhiễm trùng hay tác dụng phụ của một số loại thuốc interferon và amiodarone…

Biểu hiện viêm bệnh có thể khác nhau, tuy nhiên hầu hết đều trải qua 3 giai đoạn:

– Giai đoạn nhiễm độc giáp (hay còn gọi là viêm giáp giai đoạn cường giáp): bản chất quá trình này sự phá hủy các tế bào tuyến giáp nhanh chóng, khiến lượng hormone dự trữ bị rò rỉ làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp. Người bệnh lúc này có thể gặp các triệu chứng nhiễm độc giáp (tương tự như cường giáp).

– Giai đoạn suy giáp (hay nhược giáp): Sau khi các tế bào tuyến giáp bị phá hủy, tuyến giáp không đủ khả năng bài tiết hormone dẫn đến thiếu hụt hormone tuyến giáp hay suy giáp. Giai đoạn này có thể diễn ra thoáng qua, hoặc gây ảnh hưởng vĩnh viễn.

– Giai đoạn bình giáp (phục hồi từ bệnh): Là giai đoạn thường thấy sau cường giáp và trước suy giáp. Lúc này, nồng độ hormone tuyến giáp về mức ổn định trước khi chuyển sang suy giáp, hoặc trở về mức bình thường hoàn toàn.

Viêm tuyến giáp có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng thường thấy ở phụ nữ từ 30-50 tuổi.

Viêm tuyến giáp có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng thường thấy ở phụ nữ từ 30-50 tuổi.

2. Viêm tuyến giáp có phải căn bệnh nguy hiểm?

Viêm tuyến giáp không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng bệnh có thể tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Trong đó, cơn bão giáp là một tình trạng nguy hiểm.

Khi xảy ra cơn bão giáp, các hormone tuyến giáp là triiodothyronine và thyroxine được sản xuất ồ ạt. Điều này khiến thân nhiệt người bệnh tăng cao, sốt có thể lên tới 41 độ C. Quá nhiều hormone tuyến giáp được giải phóng cũng khiến tốc độ trao đổi chất tăng không thể kiểm soát, dẫn đến nhịp tim tăng vọt. Người bệnh thở khó, nếu không được can thiệp có thể dẫn đến suy tim nhanh chóng.

Người bệnh bị cơn bão giáp còn có thể rơi vào trạng thái mê sảng, lú lẫn hoặc kích động, khát nước, vàng da, tiêu chảy, buồn nôn, run không tự chủ, cơ bắp yếu, loãng xương… ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.

3. Các dạng viêm tuyến giáp thường gặp

3.1. Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto

Đây là thể viêm tuyến giáp phổ biến nhất, thường gặp ở phụ nữ từ 30-50 tuổi. Viêm tuyến giáp Hashimoto phát triển chậm nên hầu hết được phát hiện khi người bệnh đã bị suy giáp vĩnh viễn, hoặc chỉ tình cờ được phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ.

Đến một giai đoạn nhất định, khi tế bào tuyến giáp bị phá hủy quá nhiều, không còn khả năng sản xuất hormone, người bệnh có thể có các triệu chứng như tăng cân, mệt mỏi, không chịu được lạnh, da tóc khô, gãy rụng, bong tróc… Tuyến giáp bị sưng do viêm tuyến giáp cũng khiến người bệnh cảm thấy nuốt khó, nuốt nghẹn.

Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto xuất phát từ sự nhầm lẫn của cơ chế miễn dịch kháng nguyên – kháng thể.

Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto xuất phát từ sự nhầm lẫn của cơ chế miễn dịch kháng nguyên – kháng thể.

3.2. Viêm tuyến giáp bán cấp (De Quervain)

Thường xảy ra ở phụ nữ từ 20-50 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng tuyến giáp sưng lên nhanh chóng, gây sốt, đau vùng cổ, hàm, có khi lan đến mang tai. Viêm sau đó cũng đi kèm với các biểu hiện cường giáp như hồi hộp, lo lắng, mất ngủ…

Viêm giáp bán cấp chủ yếu do virus. Bệnh cũng có thể xảy ra đối với phụ nữ sau mang thai và sinh con.

3.3 Viêm tuyến giáp cấp tính

Thường do vi khuẩn gây ra, xuất hiện ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc trẻ em bị suy giáp. Bệnh biểu hiện bởi tình trạng tuyến giáp sưng to, có các cơn đau một bên cổ, sờ vào thấy ấm, nóng, nuốt đau…

3.4. Viêm giáp mạn tính Riedel

Là tình trạng viêm giáp hiếm gặp dẫn đến xơ hóa tuyến giáp. Mức độ, biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào mức độ mô xơ hóa tại tuyến giáp và khu vực lân cận.

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là vùng cổ cứng, có thể có các triệu chứng đi kèm như khó thở, khó nuốt, khàn giọng, khi thở có tiếng rít nhỏ… Bệnh cũng có thể dẫn đến suy giáp và các triệu chứng tương tự như suy giáp.

3.5. Viêm giáp sau sinh

Thường xuất hiện trong khoảng 6 tháng sau khi người bệnh sinh con. Lúc này, tế bào miễn dịch tấn công tế bào tuyến giáp khiến nồng độ hormone tuyến này tăng lên tạm thời. Thông thường, nồng độ hormone mô tuyến giáp sẽ quay về ngưỡng ổn định trong vòng 12 tháng sau sinh. Có rất ít trường hợp gây suy giáp vĩnh viễn.

3.6. Viêm tuyến giáp lympho bào thầm lặng (viêm giáp không đau)

Xảy ra ở 5-10% phụ nữ sau sinh nhưng đặc trưng bởi dấu hiệu sưng tuyến giáp không đau. Bệnh diễn ra trong khoảng từ 3-4 tháng sau sinh và dẫn trở lại ổn định.

3.7. Viêm giáp do nhiễm trùng cấp

Là một dạng nhiễm trùng giáp hiếm gặp, xảy ra do sự xâm nhập của các vi khuẩn gram dương như vi khuẩn tụ cầu vàng, streptococci… hay các vi khuẩn gram âm vùng hầu họng. Trường hợp ít gặp, người bệnh có thể mắc viêm giáp nhiễm trùng do vi khuẩn mycobacteria hoặc nấm (Thường gặp hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch).

3.8. Viêm tuyến giáp do một số loại thuốc

Là tình trạng viêm tuyến giáp diễn ra trong thời gian ngắn, thường biến mất sau người bệnh ngưng dùng thuốc. Một số loại thuốc có thể gây tình trạng viêm giáp như thuốc điều trị ung thư, rối loạn lưỡng cực… Người bệnh có các dấu hiệu như đau tuyến giáp cùng với các triệu chứng cường giáp hoặc suy giáp.

3.9. Viêm giáp do bức xạ ion hóa

Thường xảy ra ở người bệnh từng có tiền sử điều trị bệnh bằng xạ trị, iod phóng xạ… Người bệnh viêm tuyến giáp do bức xạ thường phải trải qua giai đoạn suy giáp vĩnh viễn, phải điều trị thuốc suốt đời. Việc sử dụng lượng lớn iod phóng xạ còn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là cơn bão giáp trạng.

4. Điều trị viêm giáp như thế nào?

Đối với viêm cấp tính, điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh, dẫn lưu mủ trong trường hợp có xuất hiện ổ áp xe.

Đối với các loại viêm khác, điều trị như thế nào sẽ căn cứ vào giai đoạn bệnh.

Người bệnh trong giai đoạn nhiễm độc giáp có thể được chỉ định các loại thuốc làm giảm triệu chứng.

Người bệnh trong giai đoạn suy giáp cần thiết áp dụng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp.

Liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm giáp.

Liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm giáp.

Người bệnh bị đau tuyến giáp có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc giảm đau chống viêm như aspirin, ibuprofen hoặc steroid (đối với cơn đau nghiêm trọng).

Người bệnh có các triệu chứng toàn thân như đánh trống ngực, hồi hộp, lo âu, run rẩy, tăng tiết mồ hôi… thường được điều trị bằng thuốc chẹn beta.

Trường hợp bướu giáp to, không thể thu nhỏ về trạng thái bình thường, chèn ép các cơ quan lân cận, giải pháp có thể áp dụng là phẫu thuật cắt tuyến giáp.

Hy vọng qua các thông tin được cung cấp bên trên, bạn đã phần nào có cái nhìn tổng quan về bệnh viêm tuyến giáp và phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Để phát hiện sớm bệnh lý và có hướng can thiệp kịp thời, kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có xét nghiệm tuyến giáp là phương án tối ưu. Liên hệ Chuyên khoa Nội Tiết, Thu Cúc TCI để được tư vấn chi tiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital