Viêm tủy thị thần kinh có điều trị được không?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Minh Hải

Bác sĩ Chuyên khoa Mắt

Viêm tủy thị thần kinh là một bệnh ảnh hưởng đến mắt và tủy sống của chúng ta. Đây là bệnh lý không hề phổ biến, tuy nhiên lại khá nguy hiểm nếu không may mắc phải. Để bạn đọc có thêm thông tin cơ bản về căn bệnh này, hãy cùng Hệ thống y tế Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay quay bài viết dưới đây nhé!

Menu xem nhanh:

1. Viêm tủy thị thần kinh

1.1 Khái niệm

Bệnh viêm tủy thị thần kinh (Neuromyelitis optica – NMO) hay còn được gọi là bệnh Devic. Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tới các tế bào khỏe mạnh tại hệ thống thần kinh trung ương (tủy sống và não).

Những đợt tấn công diễn ra trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần liền được gọi là viêm đơn pha. Trường hợp tái đi tái lại nhiều tháng hoặc nhiều năm được gọi là viêm tái phát. Đối với thể tái phát, triệu chứng có thể biến mất nhưng sẽ xuất hiện trở lại và nặng hơn theo thời gian.

Viêm tủy thị thần kinh

Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tới các tế bào khỏe mạnh tại hệ thống thần kinh trung ương

Cả nam và nữ đều có tỷ lệ mắc viêm đơn pha là như nhau. Tuy nhiên, ở thể tái phát, nữ giới thường có tỷ lệ mắc nhiều hơn so với nam giới. Ngoài ra, trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải bệnh lý này.

1.2 Nguyên nhân

Hiện nay, y học vẫn chưa chắc chắn được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý. Bệnh dường như không xảy ra do yếu tố di truyền, nhưng nhiều người mắc bệnh lý này cũng mắc các bệnh lý tự miễn khác. Hoặc họ có các thành viên trong gia đình mắc các bệnh lý tự miễn. VD: Đái tháo đường, thấp khớp, vảy nến, bệnh bạch biến,…

1.3 Triệu chứng

Các dấu hiệu của rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh bao gồm suy giảm thị lực, co cứng cơ, yếu hoặc liệt một bên cơ thể hoặc toàn bộ tứ chi, cùng với tình trạng mất kiểm soát đại tiện. Những đặc điểm nổi bật gồm:

– Viêm dây thần kinh thị giác hai bên ở mức độ nặng, ảnh hưởng đến vùng giao thoa thị giác, dẫn đến mất thị lực ở nửa trên hoặc dưới của vùng nhìn (gây khiếm khuyết thị trường dọc – tức bán manh) hoặc thị lực suy giảm nghiêm trọng (đạt mức 20/200 hoặc tệ hơn).
– Hội chứng tổn thương tủy sống toàn diện, thường kèm theo tăng trương lực cơ.
– Hội chứng vùng postrema, gây ra nấc kéo dài khó chịu, buồn nôn hoặc nôn mửa (vùng postrema nằm ở sàn não thất 4, đóng vai trò điều hòa phản xạ nôn).
– Viêm tủy ngang cấp tính trải dài trên ít nhất 3 đoạn tủy sống liên tiếp.
– Viêm tủy là một biểu hiện điển hình khác, thường được gọi là viêm tủy ngang, vì nó gây ra các vấn đề về vận động, cảm giác hoặc chức năng thần kinh tự trị ở các phần cơ thể dưới mức tổn thương. Người bệnh có thể gặp đau lưng, liệt hai chân hoặc tứ chi, cảm giác tê, giảm nhạy cảm hoặc đau ở các chi, cùng với khó khăn trong việc đi tiểu hoặc đại tiện. Các triệu chứng này thường xuất hiện đồng đều ở hai bên cơ thể, dù đôi khi chỉ ảnh hưởng một bên. Phản xạ gân xương thường tăng lên, nhưng ở giai đoạn đầu có thể giảm hoặc mất, sau đó tăng trở lại.
– Người bệnh đôi khi cảm thấy buồn nôn, nôn hoặc nấc liên tục, và đây có thể là những dấu hiệu ban đầu. Ngoài ra, một số người còn gặp tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, rối loạn chức năng thần kinh tự trị như tụt huyết áp, nhịp tim chậm, hoặc hạ thân nhiệt.

Cần lưu ý rằng bệnh lý không phải là bệnh đa xơ cứng. Trước đây, các bác sĩ từng cho rằng bệnh lý là một dạng của bệnh đa xơ cứng. Các đặc điểm dưới đây hỗ trợ việc phân loại viêm tủy thị thần kinh khác với bệnh đa xơ cứng (MS):

– Viêm tủy thị thần kinh thường tác động đến nhiều đoạn tủy liên tiếp (thường từ 3 đoạn trở lên), trong khi MS chủ yếu ảnh hưởng đến một đoạn đơn lẻ.

– Khác với MS, viêm tủy thị thần kinh hiếm khi gây tổn thương ở chất trắng của não.

– Hình ảnh MRI cho thấy hình dạng và cách phân bố của các tổn thương khác biệt so với MS.

– Kiểm tra điện thế gợi thị giác có thể hỗ trợ phân định viêm dây thần kinh thị giác với các rối loạn thần kinh thị giác khác. Kết quả ở rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh thường cho thấy biên độ giảm hoặc thời gian phản ứng bị kéo dài. Phương pháp này cũng có giá trị trong việc phát hiện các tổn thương tiềm ẩn chưa biểu hiện triệu chứng rõ ràng.

Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để tìm kháng thể IgG đặc hiệu, chẳng hạn như kháng thể aquaporin-4 (hay còn gọi là NMO-IgG), nhằm phân biệt rối loạn này với bệnh đa xơ cứng. Ngoài ra, kháng thể chống MOG (myelin oligodendrocyte glycoprotein) xác định một nhóm nhỏ bệnh nhân mắc rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh, với đặc điểm lâm sàng khác biệt, ít tái phát hơn và khả năng hồi phục tốt hơn so với những người có kháng thể aquaporin-4 hoặc không có kháng thể. Một số trường hợp có dấu hiệu lâm sàng của rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh nhưng không phát hiện kháng thể nào, được xếp vào nhóm âm tính với cả hai loại kháng thể trên.

viêm tủy thị thần kinh

Cần lưu ý rằng viêm thị thần kinh không phải là bệnh đa xơ cứng

2. Chẩn đoán bệnh lý

Để chẩn đoán bệnh lý, các bác sĩ cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.

VỀ LÂM SÀNG:

– Bệnh khởi phát một cách tương đối đột ngột. Người bệnh có thể xuất hiện cùng lúc triệu chứng giảm thị lực và liệt hai chi dưới. Hoặc đôi khi triệu chứng thị giác xuất hiện trước chừng vài ngày (hay vài tuần).
– Rối loạn thị giác được biểu hiện bằng việc đột nhiên giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt. Thường có ám điểm trung tâm và thị trường thu hẹp. Gai thị có hiện tượng phù viêm, giảm thị lực từ giai đoạn nhẹ cho tới khi mù hẳn tương đối nhanh.
– Sau khoảng một đến hai ngày (hoặc một tuần) có triệu chứng cắt ngang tủy sống, rối loạn vận động và rối loạn cảm giác kiểu đường dẫn truyền, rối loạn cơ tròn.
– Có thể đi kèm các triệu chứng về não: Đau đầu, rối loạn ý thức nhẹ, co giật kiểu động kinh, có khi là động kinh tủy sống (co cứng ở hai chi dưới, đau đớn).

VỀ CẬN LÂM SÀNG:

– Dịch não tủy: Đa số vẫn bình thường, đôi khi trong một số trường hợp có tăng protein nhẹ.
– Chụp cộng hưởng từ sọ não, tủy sống phát hiện thấy có tổn thương.

3. Phương pháp điều trị

Điều đáng tiếc là cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh viêm thị thần kinh. Tuy nhiên, vẫn có những loại thuốc và cách điều trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Cụ thể:

– Thuốc phòng ngừa các đợt bệnh bùng phát: Hai loại thuốc thường được chỉ định là:

+ Eculizumab, một loại thuốc ngăn chặn hoạt động của bổ thể C5, được sử dụng để điều trị rối loạn phổ viêm dây thần kinh thị giác liên quan đến kháng thể aquaporin-4 dương tính. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm nhiễm trùng đường hô hấp, đau đầu và viêm phổi, đôi khi ở mức độ nghiêm trọng, vì vậy cần giám sát chặt chẽ người bệnh. Do đã ghi nhận trường hợp nhiễm trùng huyết do vi khuẩn não mô cầu ở một bệnh nhân, việc tiêm vắc xin phòng não mô cầu trước khi khởi đầu liệu pháp là cần thiết.

+ Satralizumab (kháng thể đơn dòng tác động lên thụ thể interleukin-6) và inebilizumab (kháng thể đơn dòng nhắm vào CD19 trên tế bào B) cũng là các lựa chọn điều trị cho rối loạn phổ viêm dây thần kinh thị giác do kháng thể aquaporin-4 dương tính. Người bệnh cần được theo dõi kỹ lưỡng để phát hiện các nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc đường hô hấp.

– Steroids hoặc corticosteroid: Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định để giúp giảm viêm. Các loại thuốc khác có thể khiến các kháng thể không tấn công vào các tế bào khỏe mạnh, đồng thời phòng ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.

– Thay huyết tương: Đây là quá trình lọc bỏ những kháng thể có hại ra khỏi máu. Một thiết bị sẽ phân tách các thành phần khác nhau ở bên trong máu. Sau đó huyết tương của người bệnh sẽ được thay thế bằng một số chất thay thế khác. Cuối cùng, máu đã được lọc và thay thế sẽ được truyền trở lại vào bên trong cơ thể.

viêm tủy thị thần kinh

Cho đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để đối với bệnh lý viêm thị thần kinh

Tóm lại, trên đây là những chia sẻ về bệnh viêm tủy thị thần kinh mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những hiểu biết về bệnh lý này. Để được giải đáp thêm các thắc mắc liên quan, hay liên hệ sớm với chúng tôi và nhận tư vấn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital