Viêm tuỷ răng sữa là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ em, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ răng miệng của trẻ. Vậy triệu chứng của bệnh lý này là gì và làm sao để điều trị hiệu quả?
Menu xem nhanh:
1. Viêm tuỷ răng sữa là gì?
Tuỷ răng là một bộ phận quan trọng nằm trong cùng của răng, có chức năng dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng. Viêm tuỷ răng sữa xảy ra khi mô tuỷ răng sữa của trẻ bị viêm nhiễm, từ đó chèn ép lên dây thần kinh và khiến trẻ có cảm giác đau, ê nhức.
2. Nguyên nhân gây viêm tuỷ răng
2.1 Do sâu răng gây ra
Khi trẻ bị sâu răng nhưng không được điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ xâm nhập sâu vào phần tuỷ và gây bệnh. Có 4 cấp độ sâu răng như sau:
Cấp độ 1
Acid tấn công khiến men răng bị phá huỷ, trên bề mặt men răng xuất hiện đốm trắng và dần chuyển thành màu đen. Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa có biểu hiện đau đớn.
Cấp độ 2
Ngà răng (nằm sau lớp men răng ) bị phá huỷ, do phần ngà này trực tiếp tiếp xúc với thức ăn nên trẻ sẽ có cảm giác ê buốt khi ăn đồ chua và lạnh.
Cấp độ 3
Lỗ sâu sẽ to hơn, nhưng nếu không đi trám ngay thì vi khuẩn sẽ tiến sâu vào tuỷ, khiến cho răng bị yếu và nhạy cảm, trẻ gặp phải những cơn đau dữ dội do viêm tủy cấp tính.
Cấp độ 4
Nếu để lâu ngày không chữa trị, sẽ xảy ra hiện tượng chết tuỷ, tuỷ bị thối và nhiễm trùng, có nguy cơ gặp những bệnh lý răng miệng nghiêm trọng như áp xe răng, viêm mô tế bào hay viêm xương hàm.
2.2 Do chấn thương ở răng
Khi răng bị chấn thương do tác động lực, chân răng và tuỷ răng bị tổn thương từ đó gây nên viêm tủy răng sữa. Bên cạnh đó, nhiễm hoá chất như chì, thuỷ ngân…. hay việc thay đổi áp suất môi trường cũng là những tác nhân có thể gây nên phản ứng viêm.
3. Chẩn đoán viêm tủy răng sữa ở trẻ
3.1 Đối với viêm tủy răng sữa có hồi phục
Đây là trường hợp mô tuỷ răng của trẻ bị viêm nhiễm tuy nhiên vẫn có khả năng hồi phục. Trẻ sẽ được chẩn đoán thông qua những biểu hiện như:
– Có những cơn đau nhẹ và ngăn.
– Khi ăn những thực phẩm chua, lạnh, nóng, ngọt…thì có cảm giác ê buốt tăng lên, tuy nhiên sẽ dừng lại khi ngừng ăn những thực phẩm đó.
– Trẻ có thể có lỗ sâu ở thân răng.
– Khi gõ dọc sẽ không đau, khi gõ ngang vùng thân răng có thể đau nhẹ.
– Có biểu hiện tổn thương mô cứng khi chụp X-quang.
– Răng không bị đổi màu.
3.2 Đối với viêm tủy răng sữa không hồi phục
Đây là trường hợp trẻ bị tổn thương mô tuỷ răng cấp tính, không có khả năng hồi phục tủy. Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán qua những biểu hiện đặc trưng của trẻ như:
– Có những cơn đau kéo dài hàng giờ, đặc biệt đau nhiều về đêm, khi cúi đầu hay nằm.
– Cơn đâu có thể lan nửa hàm, có thể không xác định được chính xác vị trí bị đau.
– Bị đau khi ăn những thực phẩm chua, ngọt, nóng, lạnh… nhưng cơn đau không dừng lại khi đã ngừng ăn.
– Răng không bị đổi màu hay lung lay.
– Khi gõ dọc có cảm giác đau nhẹ, gõ ngang có cảm giác đau dữ dội hơn.
– Khi chụp X-quang có hình ảnh mô cứng thân răng bị tổn thương.
4. Cách điều trị viêm tủy răng sữa
4.1 Với viêm tuỷ răng hồi phục
Việc điều trị trong trường hợp này sẽ được dựa trên nguyên tắc loại bỏ việc viêm nhiễm ra khỏi khoang miệng, bảo tồn và bảo vệ được tuỷ răng, hàn phục hồi tổn thương phần mô cứng.
Các bước tiến hành:
Bước 1: Vệ sinh để làm sạch lỗ sâu nhưng không lấy hết phần ngà phản ứng.
Bước 2: Hàn lót (trám lót) để bảo vệ phần tuỷ: Có thể lựa chọn nhiều cách khác nhau như Canxi hydroxit, MTA, chất dán ngà,…
Bước 3: Trám phục hồi bằng GIC, Composite,…
4.2 Với viêm tuỷ răng không hồi phục
Nguyên tắc điều trị đối với trường hợp viêm tuỷ răng sữa không hồi phục là làm sạch, tạo hình cho hệ thống ống tuỷ, hàn gắn hệ thống ống tuỷ và giúp phục hồi tổn thương của mô cứng.
Bước 1: Tiến hành gây tê
Bước 2: Mở tuỷ, bơm rửa và sửa soạn ống tuỷ.
Bước 3: Tạo hình sau đó làm sạch hệ thống ống tuỷ
Bước 4: Hàn bít hệ thống ống tuỷ bằng vật liệu phù hợp.
Bước 5: Hàn phục hồi phần mô cứng của thân răng bằng vật liệu phù hợp.
5. Phòng tránh viêm tủy răng ở trẻ em
– Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ và sau các bữa ăn.
– Kết hợp súc miệng bằng nước muối sinh lý và chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng trẻ toàn diện hơn.
– Hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ ăn chứa đường hay đồ ăn có tính dính cao như kẹo dẻo, trái cây sấy,…
– Thường xuyên theo dõi tình trạng răng miệng của trẻ, nếu thấy có dấu hiệu sâu răng cần đưa trẻ đi khám ngay.
– Khám nha khoa định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần để đảm bảo sức khoẻ răng miệng.
Hy vọng rằng bài viết trên của chúng tôi đã giúp các bậc phụ huynh có được những thông tin hữu ích về chủ đề viêm tuỷ răng sữa. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, phụ huynh có thể đến các cơ sở nha khoa uy tín để được bác sĩ giải đáp chi tiết nhé.