Viêm túi mật có phải mổ không là thắc mắc của rất nhiều người. Bởi tâm lý chung của đại đa số bệnh nhân là sợ đau, sợ mổ. Bài viết này sẽ cập nhật các thông tin cần thiết về mổ viêm túi mật.
Menu xem nhanh:
1. Viêm túi mật có phải mổ không?
Viêm túi mật có phải mổ hay không phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Nguyên nhân gây bệnh viêm túi mật phần lớn là do sỏi hình thành ở túi mật. Sỏi ở túi mật về lâu dài sẽ gây tắc nghẽn ống dẫn mật, làm thành mật dày lên và tạo nên viêm nhiễm.
Tình trạng viêm nếu là mạn tính và không gây triệu chứng quá nguy hiểm thì có thể được điều trị ổn định bằng các loại thuốc kháng sinh, chống viêm. Tuy nhiên, khi xuất hiện viêm túi mật cấp tính cùng cơn đau mạn sườn dai dẳng trong nhiều giờ, túi mật bị vôi hóa… hoặc sỏi chiếm đến ⅔ diện tích túi mật thì thường có chỉ định cắt bỏ túi mật. Việc cắt bỏ túi mật nhằm đảm bảo tình trạng viêm không tái phát, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như vỡ mật, dịch tràn ổ bụng…
2. Mổ viêm túi mật có nguy hiểm không?
Đối với các cuộc phẫu thuật, tỉ lệ rủi ro là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cắt bỏ túi mật không ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bệnh nhân. Lựa chọn cơ sở y tế có bác sĩ giàu kinh nghiệm, máy móc thiết bị và chế độ chăm sóc chu đáo sẽ giúp giảm thiểu tỉ lệ rủi ro khi phẫu thuật cắt túi mật. Hiện nay, phẫu thuật cắt túi mật thường được thực hiện bằng cách mổ hở hoặc mổ nội soi. Dưới đây là quy trình thực hiện của 2 phương pháp này để người đọc có cái nhìn tổng quan và hiểu biết về cắt túi mật.
2.1. Mổ mở viêm túi mật thực hiện như thế nào?
Mổ mở cắt túi mật điều trị viêm túi mật được thực hiện khi bệnh nhân đã thăm khám và làm đầy đủ các xét nghiệm: xét nghiệm máu, sàng lọc các bệnh liên quan.
– Người bệnh được hướng dẫn tắm bằng dung dịch sát trùng. Trước khi vào phòng phẫu thuật, trong vòng 8h bệnh nhân không được ăn uống, không dùng bất cứ loại thuốc nào.
– Bệnh nhân được gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật, tầm 1h.
– Trên vùng bụng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành tạo một vết rạch 5 – 10cm. Quan sát ổ bụng bằng mắt thường, xác định túi mật bị viêm và cắt bỏ.
– Vết mổ được khâu lại sau khi bác sĩ xác định đã cắt bỏ hoàn toàn túi mật, ổn định vùng bụng.
Bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng bệnh để được theo dõi và nghỉ ngơi sau mổ.
2.2. Phẫu thuật nội soi viêm túi mật thực hiện như thế nào?
Tương tự như mổ mở, trước khi cắt túi mật bằng phương pháp nội soi, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh liên quan để xác định cơ thể đủ điều kiện mổ nội soi.
– Bệnh nhân được gây mê toàn thân khi tiến hành phẫu thuật nội soi.
– Thay vì vết rạch rất lớn như phẫu thuật mở, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng tạo nên 4 vết rạch rất nhỏ (tầm 3 – 5mm) để đưa dụng cụ nội soi tiếp cận vùng túi mật của bệnh nhân.
– Vùng ổ bụng sẽ hiển thị rõ nét trên màn hình siêu âm được đặt ở vị trí thuận tiện nhất cho bác sĩ quan sát. Tiếp đến tiến hành cắt bỏ túi mật rồi loại bỏ ra ngoài.
– Vết mổ nhỏ cũng được bác sĩ khâu lại hoặc dán tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân.
Về cơ bản, mổ nội soi sẽ khiến bệnh nhân ít đau, an toàn và ít biến chứng hơn so với khi mổ hở. Đây cũng là giải pháp được ưu tiên lựa chọn để điều trị viêm túi mật hiện nay.
3. Chế độ sau khi mổ viêm túi mật
3.1. Trong thời gian người bệnh nằm viện
Để người bệnh được chăm sóc tốt nhất trong thời gian nằm viện, nhất là nếu không có người nhà hỗ trợ, nên lựa chọn cơ sở y tế có dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp. Điều dưỡng sẽ trực tiếp đưa bệnh nhân về phòng bệnh nghỉ ngơi. Sau đó bệnh nhân uống nước và nghỉ ngơi 1 chút trước khi được ăn nhẹ theo tư vấn của bác sĩ. Tốt nhất trong thời gian nằm viện, bệnh nhân cần tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ để nhanh phục hồi. Sau khi thăm khám và xác định bệnh nhân có sức khỏe ổn định, bác sĩ sẽ cho người bệnh xuất viện.
3.2. Trong thời gian người bệnh nghỉ ngơi tại nhà
Bệnh nhân sau khi được xuất viện vẫn cần thời gian nghỉ ngơi ở nhà để vết thương liền cũng như hồi phục sức khỏe. Thông thường, thời gian nghỉ ngơi là 1 – 3 tuần. Bệnh nhân mổ nội soi sẽ hồi phục nhanh hơn so với bệnh nhân mổ hở.
Bệnh nhân sau khi về nhà có thể gặp một số tình trạng như đau bụng nhẹ, hơi nôn… Những tình trạng này có thể nhanh chóng chấm dứt. Tùy trường hợp bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc chống nôn, giảm đau. Đối với vết bầm xuất hiện ở vết mổ, đây là hiện tượng bình thường và sẽ sớm biến mất.
Một chế độ ăn uống nhiều rau xanh, thức ăn dễ tiêu hóa, hạn chế chất béo là cần thiết đối với người vừa mổ viêm túi mật. Bệnh nhân cũng cần uống đủ nước và có chế độ tập luyện vận động nhẹ nhàng như đi bộ… Những công việc nhẹ nhàng hằng ngày cũng có thể thực hiện. Người bệnh không nên nằm tại chỗ vì sẽ khiến hoạt động trao đổi chất trì trệ thêm. Nếu có vấn đề hay cơn đau đột ngột, cần liên lạc với bác sĩ để được tư vấn cách giải quyết.
4. Kết luận
Viêm túi mật có phải mổ không tùy vào đánh giá và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đối với trường hợp cấp tính, việc mổ là cần thiết. Đồng thời, hiện nay phương pháp mổ nội soi cũng đang được đánh giá cao nhờ tính an toàn và hiệu quả. Bệnh nhân không nên quá lo lắng khi có chỉ định phải mổ viêm túi mật.