Viêm thanh quản mất tiếng là hậu quả của việc lạm dụng giọng nói quá mức hoặc do ảnh hưởng của các tác nhân xấu lên thanh quản. Vậy đối với tình trạng viêm thanh quản gây mất tiếng, bạn cần làm gì?
Menu xem nhanh:
1. Viêm thanh quản mất tiếng
Thanh quản gồm các vòng sụn nối với nhau bằng các cơ màng, dây chằng và các khớp. Cùng với sự đóng mở dây thanh, khi luồng khí di chuyển qua thanh quản sẽ tạo nên âm thanh, tiếng nói. Tuy nhiên, khi thanh quản, dây thanh bị kích thích rung động quá mức hoặc bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như hơi lạnh, nóng, vi khuẩn tân công, chất độc làm sưng nề niêm mạc, cơ, sụn dẫn đến tình trạng viêm khiến cho giọng nói bị biến đổi. Ở nhiều trường hợp viêm thanh quản quá nặng sẽ làm mất âm thanh hoàn toàn, gây ra tình trạng tắt tiếng. Viêm thanh quản được chia thành ba mức độ nhẹ, vừa và nặng, trong đó:
1.1.Ở mức độ nhẹ
Người bệnh thường có các triệu chứng như nói rè rè và tiếng chỉ hơi khàn. Ở trẻ em nhận biết rõ nhất là những tiếng rè khi khóc. Ở mức độ này, tình trạng khó thở chưa được biểu hiện rõ lắm, thanh quản thường bị đau nhẹ, và có thể có những cơn rít thanh quản khi thở gấp. Các triệu chứng toàn thân không rõ ràng.
1.2. Mức độ trung bình
Lúc này, tình trạng bệnh lý đã gia tăng, các triệu chứng cũng trở nên rõ ràng hơn. Khi nói, người bệnh khàn giọng và có thể mất tiếng bất chợt. Các cơn ho xuất hiện nhiều hơn, tiếng rít khi thở rõ hơn. Ở trẻ em thường thấy biểu hiện kích thích, hốt hoảng và lộ rõ vẻ lo sợ.
1.3. Mức độ nặng
Khi bệnh lý tiến triển mức độ nặng thì tình trạng mất tiếng xảy ra hoàn toàn. Người bệnh không thể ho thành tiếng, các triệu chứng khó thở dữ dội hơn. Trẻ em có biểu hiện và cử chỉ khóc nhưng không phát thành tiếng hoặc chỉ nghe thấy tiếng phào phào và có thể bị tím tái, nhịp thở rối loạn, hôn mê và da tái, thường xuyên vã mồ hôi.
Nếu viêm thanh quản khàn tiếng kéo dài trên ba tuần thì được đánh giá chuyển từ giai đoạn cấp tính sang viêm mạn tính, thường khó điều trị hơn rất nhiều.
2. Những biến chứng của viêm thanh quản mất tiếng
Viêm thanh quản gây mất tiếng cho thấy tình trạng viêm đã lan rộng toàn bộ thanh quản, dây thanh, trước hết ảnh hưởng tới giao tiếp thường ngày và sinh hoạt của người bệnh. Nếu không được kịp thời, tình trạng viêm sẽ lan theo dây thanh quản và tấn công trực tiếp vào phổi, phế quản và gây viêm phổi, viêm phế quản. Điều này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, nhất là bệnh viêm phổi ở trẻ thường có diễn biến nhanh, nguy hiểm và khó lường, có thể chuyển biến xấu bất cứ lúc nào.
Bệnh lý nếu không được điều trị kịp thờ, tái phát nhiều lần sẽ chuyển sang mạn tính và có thể dẫn đến tình trạng hen suyễn.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm thanh quản
Khi bị viêm thanh quản mất tiếng, cần tới gặp bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám và chẩn đoán.
3.1. Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật nội soi để quan sát tình trạng sưng viêm của thanh quản cũng như quan sát những cử động của dây thanh khi nói để đánh giá sơ bộ tình trạng bệnh. Cùng với kết quả thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng viêm mất tiếng.
Ngoài ra, nếu nghi ngờ khi có các dấu hiệu bất thường bề mặt dây thanh hay thanh quản, bác sĩ sẽ chỉ định làm sinh thiết để chẩn đoán người bệnh có đang gặp một bệnh lý nguy hiểm nào khác như bạch hầu, ung thư,…. hay không.
3.2. Điều trị
Điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh cho nhiều kết quả tích cực và hiệu quả điều trị cũng sẽ nhanh hơn. Phương pháp điều trị phổ biến là điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp phương pháp chăm sóc phù hợp để làm giảm các triệu chứng của bệnh, giảm viêm và giúp thanh quản tự phục hồi.
Các thuốc kê đơn sẽ giúp làm người bệnh giảm ho, giảm cảm giác rát, ngứa thanh quản cũng như làm tiêu viêm các vùng mô tổn thương trong thanh quản. Tuy nhiên, bạn cần kết hợp với các biện pháp chủ động chăm sóc cho bản thân để quá trình điều trị hiệu quả:
– Hạn chế nói to, nói nhiều để tránh tổn thương thêm cho thanh quản.
– Người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc cần loại bỏ những chất kích thích này trong quá trình điều trị.
– Trong trường hợp viêm thanh quản do trào ngược dạ dày cần tránh ăn quá no, nằm cao đầu,.. hoặc sử dụng thuốc để làm giảm trào ngược.
– Thực hiện thói quen vệ sinh vùng miệng họng hằng ngày: sau khi đánh răng nên sử dụng nước muối loãng để súc miệng vệ sinh. Lưu khí khi súc miệng không nên khạc họng quá nhiều, tránh làm thanh quản rung động.
– Luôn giữ cho không khí ẩm. Không khí ẩm sẽ giúp thanh quản, cổ họng được ẩm, từ đó giúp hỗ trợ lành thương tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cần uống nhiều chất lỏng để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
– Đối với trẻ em, khi chăm sóc trẻ bị viêm thanh quản khàn tiếng, cần đặc biệt chú ý theo dõi các triệu chứng của bệnh như: tiếng thở của trẻ, sốt, tình trạng ăn uống. Nếu các triệu chứng gia tăng, trẻ khó thở hơn và có nhiều cơn thở rít, sốt li bì, sốt cao và bỏ ăn,… hãy nhanh chóng báo với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời và đúng cách.
4. Phòng ngừa viêm thanh quản hiệu quả
Viêm thanh quản là bệnh lý không khó để phòng ngừa nếu bạn duy trì một thói quen sống lành mạnh:
– Ăn uống đầy đủ, vận động, nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể luôn khỏe mạnh.
– Bảo vệ thanh quản bằng cách không lạm dụng giọng nói của mình. Nếu bạn phải nói nhiều, hãy chủ động tìm đến các dụng cụ giúp bạn khuếch đại âm thanh để giảm áp lực cho thanh quản.
– Bảo vệ tai, mũi họng khi tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, khói bụi và có nhiều chất độc.
– Tránh xa các môi trường bị ô nhiễm không khí.
– Hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá, nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, hãy dần từ bỏ thói quen này bởi hậu quả của thuốc lá về sau này rất nghiêm trọng.
Trên đây là một vài thông tin về tình trạng viêm thanh quản mất tiếng, khàn tiếng. Hi vọng rằng với những thông tin này, bạn sẽ chủ động nhận biết tình trạng bệnh nếu không may gặp phải cũng như có cách xử trí phù hợp khi điều trị bệnh và phòng tránh bệnh hiệu quả.