Menu xem nhanh:
1. Viêm phế quản mạn tính ở người già biểu hiện thế nào?
Tùy vào từng giai đoạn bệnh mà có các triệu chứng báo hiệu cụ thể:
- Giai đoạn đầu: Người cao tuổi bị viêm phế quản thường có biểu hiện là ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi. Bệnh càng kéo dài thì gây ho càng nhiều, đờm ngày càng đặc hơn.
- Ở giai đoạn muộn: Người bệnh viêm phế quản mạn tính thường có khó thở. Lúc đầu người bệnh chỉ mới cảm thấy nặng ngực, dần dần là khó thở thực sự. Bệnh càng lâu và càng nặng thì sự thiếu hụt không khí càng nhiều, gây rối loạn chức năng hô hấp. Do đó, người bệnh thường xuyên mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương (tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ…).
Viêm phế quản mạn tính ở người già thường được chia làm 2 loại là: lành tính và ác tính.
- Viêm phế quản mạn tính lành tính chỉ xảy ra ở phần thân của các phế quản lớn (khí quản, phế quản gốc, thùy và phân thùy). Nếu hiện tượng viêm nhẹ thì ít khi gây suy hô hấp.
- Viêm phế quản mạn tính thể ác tính chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều (khoảng 10%). Bệnh thường xảy ra ở các tiểu phế quản và gây nên hội chứng tắc nghẽn thở ra dẫn đến suy thở và rất dễ dẫn đến tâm phế mạn ở người cao tuổi.
Dựa vào các giai đoạn cụ thể với các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán chính xác bệnh. Căn cứ vào đó sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.
2. Phương pháp điều trị
Điều trị viêm phế quản mạn tính ở người già cần tuân theo nguyên tắc chung:
Kháng sinh được chỉ định khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn đờm vàng, có mủ. Sốt và chỉ số bạch cầu tăng trong máu. Thể tắc nghẽn mạn tính và nhày mủ nên chọn kháng sinh mạnh, phổ rộng ngay.
Ngoài ra người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc long đờm, thuốc điều trị giãn phế quản để cải thiện tình trạng viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi.
3. Cách phòng bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già
Để phòng bệnh viêm phế quản mạn tính, người cao tuổi cần ngừng hoặc bỏ thuốc lá, thuốc lào.
Nhà ở cần thông thoáng để tránh hiện tượng khói bếp ứ đọng nhiều giờ, không khí không được lưu thông thoáng.
Cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, choàng khăn, bịt khẩu trang, đi găng tay, chân khi ra đường để tránh gió lùa.
Vệ sinh mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý và đánh răng hàng ngày, đúng cách.
Nếu bị viêm đường hô hấp (hô hấp trên và hô hấp dưới) cần được khám và điều trị dứt điểm không để bệnh trở thành mạn tính.
Cần tập thể dục thường xuyên để điều hòa nhịp thở như: hít thở, đi bộ, chơi thể thao. Tập thể dục và chơi thể thao là phải tùy theo sức của mình, không nên gắng sức vì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.