Viêm loét giác mạc hình cành cây là bệnh lý nhiễm trùng mắt gây ra bởi virus Herpes với những triệu chứng nổi bật bao gồm cộm mắt, chảy nước mắt và sợ ánh sáng. Bệnh dễ tái phát và có thể dẫn đến loét, sẹo vĩnh viễn, mờ mắt, bào mỏng lớp đệm giác mạc và suy giảm thị lực. Chẩn đoán bệnh dựa vào biểu hiện loét hình cành cây đặc trưng, đôi khi là nuôi cấy virus.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh lý viêm loét giác mạc hình cành cây
1.1. Định nghĩa
Viêm loét giác mạc cành cây là bệnh lý nhiễm trùng mắt gây ra bởi virus Herpes (simplex Herpes – HSV). Đây là loại virus sống trên vật chủ duy nhất là người. Có hai loại virus Herpes chính, trong đó:
– Loại I cực kỳ phổ biến, dễ lây lan chủ yếu là qua tiếp xúc da với người nhiễm virus, thường gây ra nổi bọng nước hay Herpes vùng mép. Hầu như 90% dân số đã tiếp xúc với Herpes loại I, thường là trong suốt giai đoạn thơ ấu và đã phát triển kháng thể Herpes trong huyết thanh, chỉ một số ít người có biểu hiện lâm sàng của bệnh.
– Loại II ít phổ biến hơn với phương thức lan truyền qua đường tình dục, gây bệnh tại cơ quan sinh dục như mụn rộp sinh dục.
Trong trong cả hai loại virus đều có thể lây lan đến mắt và gây nhiễm trùng thì loại I cho đến hiện tại vẫn là nguyên nhân thường gặp nhất của nhiễm trùng mắt. Tình trạng nhiễm trùng và viêm loét có thể được lây cho mắt thông qua việc chạm vào tổn thương (vết bọng nước, Herpes trên mép) và đưa đến mắt.
1.2. Triệu chứng
Tùy theo trường hợp nhiễm trùng nguyên phát hay thứ phát sẽ có một vài khác biệt. Cụ thể:
Nhiễm trùng nguyên phát
Tình trạng này thường là viêm kết mạc đơn thuần không đặc hiệu, xuất hiện từ khi còn nhỏ và đa phần không ảnh hưởng đến giác mạc. Trong trường hợp giác mạc tổn thương sẽ đi kèm các triệu chứng như cộm, chảy nước mắt, sợ ánh sáng và cương tụ kết mạc. Đôi khi xuất hiện viêm bờ mi kèm mụn nước, suy giảm tầm nhìn. Mụn nước vỡ gây loét nhưng có thể tự phục hồi sau vài tuần và không để lại sẹo.
Nhiễm trùng thứ phát
Sự tái hoạt động của virus trong cơ thể có thể do một vài yếu tố như:
– Tiếp xúc với tia cực tím như ánh mặt trời gay gắt, liên kết chéo giác mạc hoặc các thủ thuật laser.
– Sốt.
– Kinh nguyệt.
– Căng thẳng.
– Bỏng.
– Gãy xương.
– Ức chế miễn dịch.
– Sử dụng glucocorticoid theo dạng bôi mắt, tiêm quanh mắt, tiêm nội nhãn hoặc toàn thân.
Nhiễm trùng thứ phát thường biểu hiện dưới dạng viêm giác mạc biểu mô hay còn gọi là viêm giác mạc đuôi gai với các triệu chứng đặc trưng như chảy nước nước, cộm mắt và tổn thương phân nhánh hình đuôi gai hoặc ngoằn ngoèo của biểu mô giác mạc với đầu tận cùng giống bóng đèn nhuộm màu huỳnh quang. Bệnh tái phát nhiều lần có thể gây loét, sẹo vĩnh viễn, suy giảm thị lực và bào mỏng lớp đệm giác mạc.
2. Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm loét giác mạc do Herpes
2.1. Chẩn đoán viêm loét giác mạc hình cành cây
Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng dựa vào triệu chứng và đặc trưng tổn thương của bệnh như:
– Đau nhức mắt.
– Kích thích mắt như cộm, sợ ánh sáng và chảy nước mắt.
– Mức độ suy giảm thị lực.
– Sốt.
– Nổi hạch trước tai.
– Xuất hiện mụn nước trên mặt.
Bên cạnh đó có thể chẩn đoán lâm sàng dựa vào phân loại tổn thương giác mạc do virus Herpes:
– Loét hình cành cây là đặc trưng và điển hình nhất.
– Loét hình địa đồ.
– Viêm giác mạc hình đĩa.
– Viêm nhu mô kẽ.
Chẩn đoán cận lâm sàng, xác định và phân biệt
Chẩn đoán lâm sàng thông qua xét nghiệm tế bào học với bệnh phẩm là chất nạo bờ ổ loét. Bên cạnh đó có thể thực hiện xét nghiệm PCR để tìm gen của virus Herpes. Nhìn chung xét nghiệm PCR có tính đặc hiệu khá cao.
Chẩn đoán xác định viêm loét giác mạc thuộc phân loại loét giác mạc hình cành cây, loét giác mạc hình địa đồ hay viêm giác mạc hình đĩa. Bên cạnh đó chẩn đoán phân biệt với các loại viêm loét giác mạc khác gồm:
– Viêm loét giác mạc do vi khuẩn với đặc điểm ổ loét bờ nham nhở không rõ, thẩm lậu hoặc hoại tử nhiều.
– Viêm loét giác mạc do nấm với đặc điểm ổ loét hình tròn hoặc bầu dục, đáy phủ lớp hoại tử dày và gồ cao, nhu mô xung quanh ổ loét có thẩm lậu.
– Viêm loét giác mạc do acanthamoeba với đặc điểm ổ loét thường kèm theo áp xe vòng.
2.2. Cách điều trị viêm loét giác mạc hình cành cây
Đối với trường hợp nhiễm trùng nguyên phát dù không điều trị bệnh vẫn có 50% tự khỏi. Tuy nhiên việc điều trị sẽ chữa khỏi 95% ca bệnh trong thời gian nhanh và giảm thiểu tối đa khả năng tái phát của virus.
Quá trình điều trị viêm loét giác mạc do Herpes phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, trong đó nhiễm trùng nhẹ thường được điều trị bằng thuốc kháng virus tại chỗ và bác sĩ có thể cạo nhẹ các vùng bị ảnh hưởng tại giác mạc để loại bỏ tế bào bệnh. Ngoài ra khi mắc bệnh, bệnh nhân không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt để điều trị bởi một số loại có thể khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Một khi đã nhiễm virus Herpes, bạn không thể đào thải hết chúng khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm giác mạc phát triển, bạn hãy lưu ý những điểm sau để ngăn chặn dịch tái phát:
– Không chạm vào mắt sau khi chạm vào vết mụn rộp, mụn nước.
– Không nhỏ mắt bằng steroid.
– Ngưng đeo kính áp tròng.
– Đi khám sớm nhất có thể nếu các triệu chứng viêm loét tái phát.
2.3. Vệ sinh và chăm sóc mắt sau điều trị
Trong và sau quá trình điều trị thì vấn đề giữ vệ sinh mắt là rất quan trọng, giúp hạn chế những biến chứng nặng như rách giác mạc, mù lòa,… và đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh. Do đó bệnh nhân cần lưu ý:
– Vệ sinh mắt sạch sẽ, có thể sử dụng nước muối sinh lý.
– Để mắt nghỉ, hạn chế bắt mắt điều tiết nhiều như ngồi xem TV, chơi game,…
– Hạn chế dùng kính áp tròng, vệ sinh kính sạch sẽ trước khi sử dụng.
– Tránh nhiễm bẩn vào mắt, không bơi ở bể công cộng, đi ra ngoài sử dụng kính.
– Không sử dụng tay bẩn chạm vào mắt. Nếu mắt có dị vật hãy sử dụng nguồn nước sạch và chớp mắt dần để đẩy dị vật ra.
Hi vọng những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc của bạn về bệnh lý viêm loét giác mạc cành cây. Trong trường hợp bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp.