Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một bệnh lý rối loạn tự miễn trong cơ thể và ngày càng phổ biến hiện nay. Bệnh xảy ra phần lớn ở những trẻ thuộc nhóm 3-16 tuổi. Do đó các cha mẹ cần quan tâm và để ý tới triệu chứng bất thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về dấu hiệu nhận biết bệnh để cha mẹ kịp thời nghi ngờ và đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Menu xem nhanh:
1. Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là bệnh gì?
Trẻ em gặp tình trạng viêm khớp dạng thấp thường ở giai đoạn dưới 16 tuổi. Bệnh lý này còn được gọi là viêm khớp tự phát chưa thành niên. Đây là bệnh lý rối loạn tự miễn của trẻ có cơ thể không nhận được tế bào – mô nên hình thành phản ứng lại và tấn công chúng. Điều này khiến các khớp ở những vị trí như cổ chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay,… bị viêm, sưng và đau nhức. Khi xuất hiện, bệnh có thể kéo dài suốt vài tuần hay thậm chí là vài tháng.
Bệnh trải qua lần lượt 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Khớp sưng, nóng và đau nhức do màng trên khớp bị viêm. Các tế bào trong hệ thống miễn dịch sẽ di chuyển đến vị trí này nên dịch khớp chứa nhiều tế bào hơn bình thường.
– Giai đoạn 2: Bệnh tiến triển và tình trạng viêm nhiễm gia tăng, lan truyền trong các mô. Mô xương phát triển làm ảnh hưởng đến không gian trên sụn và các khoang khớp. Dần dần, sụn khớp sẽ có dấu hiệu bị phá hủy, khớp bị thu hẹp lại và mất đi sụn khớp. Tuy nhiên khớp của trẻ vẫn chưa bị biến dạng.
– Giai đoạn 3: Xương dưới sụn lộ ra ngoài do các sụn khớp đã bị phá hủy và biến mất. Trẻ sẽ cảm thấy đau khớp, cứng khớp, sưng tấy, không thể di chuyển bình thường, cơ thể bị suy nhược và hình thành dị dạng.
– Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối cùng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Khi bệnh đã chuyển biến trầm trọng, trẻ em có nguy cơ cao bị bại liệt.
1.1. Nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên viêm khớp dạng thấp ở trẻ, trong đó điển hình như:
– Chấn thương xương khớp trong sinh hoạt thường ngày: Khu vực khớp bị tổn thương sẽ dần suy yếu. Nếu những tổn thương này không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ gây nên bệnh viêm khớp dạng thấp.
– Trẻ em thừa cân, béo phì: Khi trọng lượng tăng lên quá mức, cơ thể sẽ tạo ra một lực chèn ép lên các cơ xương khớp. Đặc biệt, khớp gối và bàn chân sẽ chịu lực nhiều nhất nên rất dễ mắc bệnh.
– Do nhiễm khuẩn, virus: Sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa được hoàn thiện, tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể trẻ rồi gây bệnh.
1.2. Các thể viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Ở trẻ em, viêm khớp dạng khớp bao gồm 3 thể:
– Thể viêm ít khớp: đây là dạng phổ biến nhất. Bệnh chủ yếu phát sinh ở các khớp như đầu gối, khuỷu tay, cổ tay, cổ chân. Vì chỉ viêm sưng dưới 4 khớp nên thể viêm ít khớp không gây ra nhiều hậu quả và biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên cha mẹ cũng không nên xem nhẹ dạng thể viêm ít khớp này.
– Thể viêm đa khớp: xuất hiện tình trạng viêm, sưng từ 4 khớp trở lên. Bao gồm các khớp nhỏ như khớp tay, khớp chân và các khớp lớn như khớp vai, khớp đầu gối. Bệnh có xu hướng gây tổn thương khớp ở một bên cơ thể, kéo dài trên 4 tháng. Bên cạnh đó, trẻ em mắc viêm khớp thể này cũng thường bị thiếu máu.
– Thể hệ thống: được đánh giá tuy ít xuất hiện nhưng lại là dạng nghiêm trọng nhất. Trẻ em thuộc độ tuổi từ 5 đến 7 tuổi có nguy cơ mắc bệnh hơn cả. Bệnh xuất hiện kèm theo tình trạng sưng khớp, đau nhức khớp, sốt cao và phát ban nhẹ trên ngực, đùi hoặc một số vị trí khác trên cơ thể. Ngoài ra, bệnh cũng gây viêm gan, lá lách và các hạch bạch huyết.
2. Triệu chứng của bệnh
Trẻ em mắc viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện các triệu chứng điển hình như:
– Đau nhức nghiêm trọng ở các khớp bị tổn thương. Cơn đau dai dẳng gây khó chịu cho trẻ khi cử động.
– Trẻ bị cứng khớp vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, quấy khóc khi không thể cử động khớp như bình thường.
– Khớp bị tổn thương trở nên sưng tấy, ửng đỏ
– Trẻ khó khăn khi cử động các khớp, các hoạt động sinh hoạt cá nhân không thể diễn ra bình thường như các đứa trẻ khác.
– Trẻ có xu hướng đi khập khiễng vào mỗi buổi sáng, hình thành dáng đi bất thường. Do đó, cha mẹ cần lưu ý đặc biệt vào triệu chứng này.
Ngoài ra, ở một số trường hợp còn kéo theo các triệu chứng toàn thân như:
– Sốt cao
– Biểu hiện mệt mỏi, gầy sút
– Da xanh xao
– Chán ăn, bỏ bữa
– Nổi mẩn đỏ trên các khu vực như ngực, cánh tay hoặc ở chân
– Hạch bạch huyết ở cổ sưng
– Với trường hợp nặng có thể bị viêm mắt.
Nếu xuất hiện bất kỳ một hay nhiều triệu chứng trên, cha mẹ cần nghi ngờ và đưa trẻ đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Việc phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời mang ý nghĩa rất lớn về việc phòng ngừa biến chứng nguy hiểm xảy đến và ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
3. Các phương pháp điều trị và cách phòng bệnh hiệu quả
Tùy vào chẩn đoán tình trạng viêm khớp dạng thấp ở trẻ sẽ có những cách chữa trị khác nhau.
– Với tình trạng bệnh nhẹ, mới khởi phát thì có thể dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Nhóm thuốc được sử dụng lúc này nhằm mục đích cải thiện triệu chứng sưng viêm, đau nhức và nóng ở khớp. Đồng thời kết hợp tập vật lý trị liệu giúp tăng khả năng phục hồi xương khớp.
– Với tình trạng bệnh nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Cách điều trị này sẽ giúp ngăn biến chứng nguy hiểm xảy đến nếu bệnh duy trì và phát triển trong thời gian dài. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay gồm: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chỉnh trục, phẫu thuật sửa chữa gân và phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp không ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ thì cha mẹ nên:
– Giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh và cho trẻ mặc đồ thoáng mát vào mùa nóng.
– Duy trì cho trẻ ăn uống đủ chất, hạn chế trẻ ăn quá nhiều khiến trẻ béo phì.
– Hướng dẫn và hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày cho trẻ. Việc vận động thường xuyên giúp hệ thống xương khớp dẻo dai và tăng sức mạnh cơ bắp hơn.
– Chú ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, canxi.
Trên đây là triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Hy vọng cha mẹ có thêm thông tin hữu ích để bảo vệ trẻ khỏi bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này nhé.