Viêm kết mạc là gì và những kiến thức cần nắm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Viêm kết mạc là bệnh lý về mắt phổ biến mà ai cũng có nguy cơ mắc phải, nắm được kiến thức viêm kết mạc là gì cũng như nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị chính sẽ giúp bạn bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh.

1. Viêm kết mạc là gì và nguyên nhân gây viêm kết mạc

1.1 Viêm kết mạc là gì?

Viêm kết mạc là cụm từ dùng để chỉ một tình trạng bệnh lý liên quan đến mắt, cụ thể là phần kết mạc. Tình trạng này xảy ra khi phần niêm mạc ngoài của nhãn cầu bị sưng tấy, nhiễm trùng dẫn đến viêm.

Thông thường, viêm kết mạc sẽ xảy ra ở một bên mắt nhưng sau đó lây lan sang cả hai mắt và lây lan cho cả những người khác nếu không cẩn thận. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng viêm kết mạc lại gây khó chịu và bất tiện trong cuộc sống cho người bệnh. Đó chính là lý do ai trong chúng ta cũng nên biết nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng tránh căn bệnh này như thế nào.

1.2 Nguyên nhân gây ra viêm kết mạc là gì?

Viêm kết mạc là tình trạng kết mạc nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn dẫn đến viêm. Do đó, nguyên nhân gây nên tình trạng này được chia thành 2 nhóm chính là do virus, vi khuẩn và do nguyên nhân khác (dị ứng, điều kiện vệ sinh kém…)

Viêm kết mạc là gì chính là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc

Hình ảnh so sánh mắt bình thường và mắt bị viêm kết mạc

Do vi khuẩn và virus gây ra viêm kết mạc

Virus và vi khuẩn xâm nhập là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm kết mạc. Trong đó, loại virus gây viêm kết mạc thường gặp nhất là Adenovirus – chính là loại virus gây ra cả bệnh viêm họng kết mạc, viêm phổi, viêm dạ dày ruột…

Bên cạnh đó, một số loại vi khuẩn như Hemophilus influenza hay tụ cầu cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm kết mạc.

Thông thường, viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus tấn công sẽ không gây nguy hiểm gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp, viêm kết mạc do những loại virus dưới đây có thể dẫn đến những biến chứng khó lường:

– Do vi khuẩn lậu cầu (hay còn gọi là Neisseria gonorrhoeae) là một song cầu Gram (-) gây ra, lây truyền qua đường tình dục và đường từ mẹ sang con. Nếu là nguyên nhân này, người bệnh cần hết sức chú ý bởi tốc độ phát triển của bệnh nhanh, kết mạc đỏ, phù nề… và cần điều trị sớm nhất có thể để tránh ảnh hưởng đến thị lực hay biến chứng về sau.

– Do khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra, với biểu hiện là mắt đỏ, cảm giác cộm ở mắt, chảy nhiều nước mắt, đôi khi tiết dịch mủ nhầy và nếu không được can thiệp sớm bệnh có thể dẫn đến sẹo kết mạc hoặc tổn thương lâu dài cho mắt.

Do nguyên nhân khác gây ra viêm kết mạc

Bên cạnh vi khuẩn, virus, dị ứng nói chung cũng là nguyên nhân gây viêm kết mạc. Người bệnh có cơ địa dị ứng với bất kỳ tác nhân nào như phấn hoa, lông động vật, thời tiết, điều hòa… đều có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác, và mắt là một trong số đó. Chỉ khi tìm được nguyên nhân dị ứng thì tình trạng này mới được khắc phục.

2. Biểu hiện của viêm kết mạc

Tùy vào nguyên nhân khác nhau mà biểu hiện của viêm kết mạc cũng khác nhau, cụ thể:

– Nguyên nhân do virus, vi khuẩn: Mắt nhiều dịch và ghèn hơn, ghèn mắt có màu trắng hoặc vàng, xanh, phần kết mạc mắt có màu đỏ, hai mắt dính lại mỗi khi ngủ dậy, nước mắt chảy nhiều hơn… người bệnh cũng có những biểu hiện khác đi kèm như cảm lạnh, khó thở…

– Do vi khuẩn lậu cầu: Phần mí mắt sưng, phù nề, kết mạc cũng sưng phù, mắt nhiều ghèn, mủ đặc biệt có hạch xuất hiện trước tai. Bên cạnh đó, mủ tiết ra nhiều, loét giác mạc và những ổ loét có thể kết nối với nhau gây ra tình trạng áp xe ở mắt.

Mỗi nguyên nhân gây ra viêm kết mạc lại có những biểu hiện khác nhau

Tùy từng nguyên nhân bệnh mà viêm kết mạc sẽ có những biểu hiện khác nhau

– Do các tác nhân dị ứng: Ngoài biểu hiện của từng loại dị ứng, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa mắt, xung huyết nhẹ, chảy nhiều nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng…

Mặc dù biểu hiện viêm kết mạc khá khác nhau giữa các nguyên nhân nhưng để biết chính xác tác nhân cũng như cách điều trị phù hợp, hãy đến bác sĩ thăm khám để được can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

3. Điều trị viêm kết mạc

Tin vui là dù khả năng lây lan nhanh chóng và có thể tái đi tái lại nhiều lần nhưng viêm kết mạc thuộc dạng bệnh lý lành tính, có thể tự khỏi từ 1 – 2 tuần mà không cần sử dụng các liệu pháp đặc trị.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những trường hợp viêm kết mạc do virus gây ra, còn bệnh do vi khuẩn thì thời gian lành bệnh sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn và cần phải sử dụng thuốc kháng sinh do bác sĩ chỉ định, kê đơn để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của mắt cũng như hạn chế lây bệnh cho những người xung quanh.

Biết được nguyên nhân chính là cơ sở để khám chữa viêm kết mạc đạt hiệu quả cao

Hãy đến khám bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân gây viêm kết mạc là gì

Trong trường hợp viêm kết mạc do dị ứng, đầu tiên cần chấm dứt hiện tượng dị ứng – tác nhân gây ra viêm kết mạc bằng các loại thuốc dị ứng cũng như tránh xa yếu tố dị ứng như phấn hoa, lông động vật..

Bên cạnh đó, nếu bị viêm kết mạc bạn có thể thực hiện một số lời khuyên dưới đây để giúp mắt nhanh khỏi, tránh biến chứng cũng như phòng bệnh viêm kết mạc quay trở lại:

– Sử dụng khăn hoặc bông ẩm, sạch để loại bỏ ghèn, mủ, dịch trên mắt. Khi dùng xong hãy vứt ngay bông hoặc khăn ẩm vào thùng rác, tránh để bệnh lây lan và tuyệt đối không sử dụng lại.

– Sử dụng thuốc nhỏ mắt phù hợp để làm sạch mắt

– Rửa tay sạch sẽ, thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn khi rửa mắt hoặc tiếp xúc với mắt

– Sử dụng kính khi đi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi tác nhân gây hại từ môi trường

– Hạn chế đến những nơi đông người để không làm lây lan bệnh ra cộng đồng.

Hãy giữ cho mắt luôn sạch sẽ khi bị viêm kết mạc

Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách để làm sạch mắt khi bị viêm kết mạc

Ngoài ra, người bệnh cũng nên lưu ý một số điểm dưới đây để phòng ngừa viêm kết mạc quay trở lại:

– Không sử dụng đồ cá nhân như khăn mặt, thuốc nhỏ mắt, kính mắt… chung với người khác.

– Luôn giữ mắt sạch sẽ bằng cách sử dụng nước rửa mắt chuyên dụng hoặc nước nhỏ mắt. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc, rửa nước lá… khi chưa được bác sĩ chỉ định.

– Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh (từ máy tính, màn hình điện thoại, các thiết bị điện tử…) và tia UV (từ ánh nắng mặt trời hoặc một số thiết bị điện)

– Tăng đề kháng cho mắt bằng các bổ sung thực phẩm hoặc vitamin A, C, E, dầu cá, Lutein…

– Quan hệ tình dục an toàn để tránh những bệnh lây qua đường tình dục ảnh hưởng đến mắt

– Khám mắt định kỳ để phát hiện mọi nguy cơ bệnh về mắt có thể xảy ra.

Lời kết

Hy vọng bài viết của chúng tôi đã có thể giúp bạn giải đáp thắc mắc về bệnh viêm kết mạc là gì, nguyên nhân cũng như cách điều trị hiệu quả. Chúc các bạn luôn giữ cho cửa sổ tâm hồn này sáng khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital