Các bệnh lý đường thở gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh trong quá trình sinh hoạt thường ngày và thường gặp nhất là viêm họng hoặc viêm amidan. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh viêm họng hạt amidan nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viêm họng hạt amidan
Nếu bạn tra cứu bệnh lý này trên các công cụ tìm kiếm thì kết quả trả về sẽ chỉ cho ra những bệnh lý lẻ như viêm họng, viêm họng hạt, viêm amidan… Và trên thực tế, các tài liệu y khoa không ghi nhận bệnh lý viêm họng hạt amidan. Đây có thể là cách gọi của nhiều người để nói về tình trạng viêm họng hạt kèm theo sưng viêm amidan. Trong nội dung bài viết, chúng tôi cũng sẽ đề cập tới bệnh viêm họng hạt hay viêm họng hạt amidan theo cách hiểu này.
Viêm họng hạt là bệnh lý xảy ra khi niêm mạc họng bị viêm nhiễm kéo dài. Lúc này, các tế bào lympho phải làm việc quá mức và sưng to thành hình dạng các hạt trong họng. Viêm họng hạt được chia thành 2 dạng cấp tính và mãn tính. Bệnh có những triệu chứng đặc trưng như:
– Đau họng, khó nuốt thức ăn
– Ngứa họng, vướng họng
– Ho: Cơn họ có thể kéo dài, có đờm hoặc không tùy tình trạng viêm.
– Sốt cao
Amidan là cơ quan nằm trong khoang miệng và nằm gần cổ họng. Do đó, khi tình trạng viêm họng hạt kéo dài, bệnh có thể lan sang amidan. Tùy mức độ lây bệnh mà amidan có thể bị sưng viêm, áp-xe hoặc viêm có mủ…
2. Những thắc mắc phổ biến về bệnh viêm họng hạt
Bệnh viêm họng hạt thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh đường hô hấp khác. Điều này khiến người bị bệnh có tâm lý chủ quan, khiến việc điều trị thường không hiệu quả. Do đó, bạn đọc nên chú ý theo dõi những thắc mắc dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh viêm họng hạt.
2.1. Bệnh viêm họng hạt amidan có nguy hiểm không?
Tuy không phải là một bệnh lý ác tính những bệnh viêm họng hạt có thể biến chứng thành nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn. Khi viêm họng hạt đang lan sang các khu vực khác, bao gồm amidan có nghĩa là bệnh lý đã bước sang giai đoạn nặng. Do đó, người bệnh cần sớm nhận diện, xác định bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng đã liệt kê phía trên, bạn có thể dễ dàng quan sát bệnh bằng việc kiểm tra ngay tại nhà. Để có thể kiểm tra bạn nên nhờ một người quan sát từ phía đối diện, có thể sử dụng đèn để dễ dàng quan sát hơn. Bệnh viêm họng hạt có biểu hiện dễ quan sát là phần cổ họng sau lưỡi gà có những màng trắng bao quanh các nốt hạt hình tròn. Trong quá trình này, nếu bạn thấy amidan ở 2 bên thành họng bị sưng tấy, kích thước lớn, có thể có mủ trong các hốc thì cần tới bệnh viện để thăm khám kịp thời.
2.2. Viêm họng hạt amidan có thể điều trị dứt điểm không?
Khi mắc bệnh viêm họng hạt có kèm theo tình trạng viêm amidan thì nguyên nhân chủ yếu sẽ là do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tìm tới sự trợ giúp của các bác sĩ để có thể xác định chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Trong trường hợp nguyên nhân bệnh do vi khuẩn, virus gây ra, các bác sĩ sẽ kê một số loại kháng sinh để có thể ức chế các tác nhân gây bệnh. Đồng thời việc điều trị sẽ có kết hợp 1 số loại thuốc điều trị mũi, xoang, amidan (nếu có viêm nhiễm) để quá trình điều trị viêm họng hạt đạt kết quả tối ưu.
2.3. Viêm họng hạt có những biến chứng nào?
Viêm họng hạt được chia ra thành dạng cấp và mạn tính. Trong trường hợp điều trị không dứt điểm, bệnh tái lại nhiều lần thì viêm họng có thể chuyển từ dạng cấp tính sang mạn tính. Khi viêm họng hạt chuyển sang thể mạn tính, người bệnh sẽ thường xuyên bị viêm họng, cảm thấy đau họng, ngứa rát cổ họng, ho kéo dài… Những triệu chứng này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày, khiến cơ thể mệt mỏi, khó tập trung trong công việc.
Dưới đây là một số biến chứng thường gặp của bệnh viêm họng hạt:
– Áp-xe thành họng và amidan: Đây là biến chứng khá phổ biến bởi vị trí của hai cơ quan nằm khá gần nhau. Tình trạng sưng viêm thành họng và có mủ tại amidan sẽ gây cản trở việc ăn uống, nói chuyện, hơi thở có mùi…
– Viêm xoang: Tai – mũi – họng là các cơ quan có liên hệ mật thiết với nhau. Bởi vậy, tình trạng viêm họng có thể dễ dàng lây nhiễm lên vùng xoang mũi. Khi bị viêm nhiễm, người bệnh có thể bị mắc các bệnh lý viêm mũi, viêm xoang.
– Viêm tai giữa: Vì mối liên hệ mật thiết của các cơ quan tai – mũi – họng nên người bị viêm họng hạt cũng rất dễ mắc bệnh viêm tai, đặc biệt là viêm tai giữa.
– Viêm thanh quản: Đây là một biến chứng gần của viêm họng hạt. Khi bị viêm thanh quản, người bệnh có thể bị khàn tiếng hoặc mất tiếng.
– Viêm phổi: Dịch đờm chảy từ họng xuống khí quản, phế quản tới phổi sẽ khiến các cơ quan này trở thành nơi tích tụ vi khuẩn, virus. Khi tình trạng bệnh nghiêm trọng, người bệnh có thể có biểu hiện khó thở, suy hô hấp.
3. Một số biện pháp phòng ngừa viêm họng hạt
Để phòng ngừa mắc viêm họng hạt, bạn nên chú ý thực hiện những chỉ dẫn sau:
– Chú ý giữ gìn vệ sinh đường hô hấp trên hàng ngày
– Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là tại những nơi nhiều khói bụi.
– Không hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.
– Giữ ấm cổ và cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi.
– Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể thông qua việc bổ sung vitamin và khoáng chất trong chế độ dinh dưỡng, chú ý tập thể dục hàng ngày.
Nhìn chung, bệnh viêm họng hạt không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta cần thăm khám bác sĩ sớm, ngay khi phát hiện dấu hiệu bệnh để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, người bệnh cần tránh tự ý dùng thuốc không kê đơn hoặc điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh khó chữa dứt điểm, gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn.