Viêm gan siêu vi C là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan, bên cạnh viêm gan B và việc lạm dụng rượu. Do bệnh không có biểu hiện rõ ràng, phần lớn người bệnh không biết bản thân nhiễm bệnh, khiến việc điều trị chậm trễ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc thông tin về triệu chứng, con đường lây nhiễm, cách chẩn đoán và điều trị của bệnh lý viêm gan siêu vi này.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân viêm gan C và phân loại
Viêm gan C là tình trạng nhiễm trùng gan do virus viêm gan C (Hepatitis C Virus – HCV) gây ra. HCV là loại virus có tính đa hình thái kiểu gen rất cao, với 6 kiểu gen chính được xác định và đánh số từ 1 đến 6. Kiểu gen 1 là kiểu gen virus viêm gan C phổ biến nhất tại Việt Nam, tiếp đó lần lượt là kiểu gen 6, 2 và 3. Khuyến cáo điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào kiểu gen virus.
Virus viêm gan C tấn công tế bào gan gây nhiễm trùng và rối loạn chức năng gan. Tình trạng viêm trong mô gan nếu kéo dài có thể hình thành các tổn thương xơ chai vĩnh viễn. Từ đó, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan C được chia thành 2 dạng chính như sau:
– Viêm gan C cấp tính: Là tình trạng nhiễm trùng trong thời gian ngắn, diễn ra trong vòng 6 tháng sau khi bội nhiễm HCV. Khoảng 15 – 25% trường hợp viêm gan C cấp tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, đa số trường hợp bệnh tiến triển thành mạn tính,
– Viêm gan C mạn tính: Là tình trạng nhiễm trùng kéo dài trên 6 tháng, có nguy cơ tồn tại suốt đời nếu không được điều trị. Bệnh gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.
2. Dấu hiệu nhận biết viêm gan siêu vi C
2.1. Triệu chứng viêm gan virus C cấp tính
Thống kê của WHO cho biết có khoảng 80% trường hợp nhiễm virus viêm gan C không có triệu chứng. Ở giai đoạn viêm gan cấp tính, người bệnh có thể gặp phải một số biểu hiện như sau:
– Sốt nhẹ;
– Chán ăn, ăn không ngon;
– Mệt mỏi;
– Buồn nôn, nôn;
– Nước tiểu đậm;
– Phân nhạt màu;
– Đau bụng trên bên phải (vùng hạ sườn phải);
– Vàng da;
– Đau khớp.
Các triệu chứng thường xuất hiện sau từ 2 đến 12 tuần nhiễm virus, diễn ra trong vòng 2 tuần đến 3 tháng. Bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính nếu HCV không được loại bỏ.
2.2. Triệu chứng viêm gan siêu vi C mạn tính
Ở giai đoạn mạn tính, virus viêm gan C sẽ tồn tại “âm thầm” trong cơ thể người bệnh trong nhiều năm. Hầu hết người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có các triệu chứng không đặc hiệu như: mệt mỏi kéo dài, rối loạn tiêu hóa,… Do đó, nhiều người thường chỉ biết mình bị viêm gan C mạn khi sàng lọc hiến máu, xét nghiệm máu khi khám sức khỏe định hoặc xét nghiệm trước các thủ thuật vì bệnh lý khác.
Theo thời gian, khi tổn thương gan đủ nặng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng suy chức năng tế bào gan, gây các triệu chứng như:
– Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
– Dễ bị chảy máu, bầm tím, có triệu chứng ngứa da.
– Tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây sưng phù chân, chảy máu tiêu hóa (nôn ra máu do vỡ tĩnh mực thực quản, đại tiện ra máu do trĩ biến chứng nặng…), cổ trướng (báng bụng).
– Lú lẫn, nói lắp, hôn mê gan do biến chứng não gan hoặc ung thư tế bào gan.
3. Viêm gan C có lây không và lây truyền qua đường nào?
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao. HCV chủ yếu lây truyền qua đường máu với các hình thức cụ thể gồm:
– Truyền máu không qua sàng lọc virus viêm gan C.
– Dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy (ống tiêm, kim tiêm, garô…) hoặc ống dùng để hút/hít ma túy đều có thể làm lây truyền HCV do chúng có thể dính máu nhiễm virus.
– Sử dụng và tái sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế không đảm bảo khử trùng đúng cách, như: các loại bơm kim tiêm, dụng cụ nha khoa, kìm sinh thiết,…
– Dùng chung dụng cụ xăm hình, xỏ khuyên không được xử lý khử khuẩn.
– Dùng chung các đồ dùng có khả năng dính máu của người bệnh như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay chân,…
Ngoài ra, virus viêm gan C cũng có thể lây truyền qua đường tình dịch và truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên các phương thức lây truyền này ít phổ biến hơn so với đường máu nói trên.
4. Đối tượng cần đặc biệt cảnh giác với nguy cơ nhiễm HCV
Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm virus viêm gan C, đặc biệt là các đối tượng sau đây:
– Người tiêm chích ma túy có nguy cơ cao lây nhiễm virus viêm gan C.
– Nhân viên chăm sóc sức khỏe (bác sĩ, điều dưỡng), nhân viên phòng thí nghiệm thường xuyên tiếp xúc với máu và các chế phẩm máu.
– Người bệnh chạy thận nhân tạo có thể bị lây nhiễm HCV nếu các thiết bị lọc máu không được vệ sinh đúng cách.
– Người có đời sống tình dục không lành mạnh: Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, không có biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
– Tiếp xúc gần gũi hàng ngày với người bệnh viêm gan C cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
– Thực hiện xăm hình, làm móng, thực hiện các thủ thuật y khoa tại cơ sở không uy tín, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh sạch khuẩn.
– Trẻ sơ sinh có người mẹ nhiễm viêm gan C có nhiều khả năng nhiễm HCV hơn các trẻ khác.
Các đối tượng nguy cơ nói trên nên thực hiện xét nghiệm viêm gan C để tầm soát và có kế hoạch điều trị kịp thời nếu nhiễm bệnh.
5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm gan C
5.1. Chẩn đoán viêm gan siêu vi C
Xét nghiệm máu là giải pháp tối ưu để chẩn đoán viêm gan C. Kết quả xét nghiệm cho biết sự hiện diện của kháng thể chống HCV. Kháng thể này được thường xuất hiện sau khoảng 12 tuần từ khi nhiễm virus. Kết quả xét nghiệm kháng thể HCV dương tính cho biết người bệnh có khả năng cao nhiễm virus viêm gan C.
Một số xét nghiệm khác có thể được chỉ định để xác định chẩn đoán gồm:
– Xét nghiệm HCV-RNA nhằm đo lượng ARN virus viêm gan C đang có trong máu người bệnh.
– Xét nghiệm xác định kiểu gen để tìm ra loại HCV nào đang gây bệnh. Đây là thông tin quan trọng để bác sĩ xác định hướng điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Nếu các xét nghiệm cho thấy người bệnh bị viêm gan C mạn và có dấu hiệu tổn thương gan, người bệnh có thể cần thực hiện các kiểm tra để đánh giá hoạt động của gan. Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định là:
– Xét nghiệm chức năng gan.
– Siêu âm bụng, siêu âm đàn hồi mô gan (đo độ xơ gan)
– Chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ (phát hiện u gan)
– Xét nghiệm máu tầm soát sớm ung thư tế bào gan.
5.2. Phác đồ điều trị viêm gan C
Thuốc kháng virus được ứng dụng phổ biến trong điều trị viêm gan C. Loại thuốc và thời gian điều trị phụ thuộc vào kiểu gen HCV, tình trạng tổn thương gan và các phương pháp điều trị trước đó.
Phác đồ điều trị viêm gan C hiện nay chủ yếu sử dụng các loại thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp – DAAs (Direct-Acting Antivirals). Các loại thuốc thường gặp nhất là Sofosbuvir, Ledipasvir, Daclatasvir, Elbasvir, Grazoprevir, Velpatasvir… Việc dùng thuốc có tác dụng loại bỏ HCV ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa tổn thương gan.
Phác đồ sử dụng DAAs có thời gian trung bình là 12 tuần. Một số trường hợp cần điều trị kéo dài đến 24 tuần. Tùy từng trường hợp cụ thể, DAAs có thể được chỉ định sử dụng phối hợp hoặc không phối hợp với Ribavirin.
Với trường hợp viêm gan C mạn gây biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể được thực hiện ghép gan. Đây là phẫu thuật thay thế một phần hoặc toàn bộ lá gan của người bệnh bằng gan khỏe mạnh phù hợp.
Bên cạnh điều trị y khoa, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý để giảm gánh nặng cho gan và nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Thực đơn hàng ngày nên bổ sung các thực phẩm giàu dưỡng chất như các loại hạt, các loại đậu, cá, thịt gà, rau xanh, trái cây,… Người bệnh cần hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, thịt đỏ; kiêng bia rượu và không hút thuốc lá.
Kết luận
Trên đây là các thông tin về triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị viêm gan siêu vi C. Thăm khám thường xuyên là chìa khóa vàng sàng lọc và điều trị kịp thời các bệnh lý về gan nói chung, viêm gan B nói riêng.