Viêm gan B mạn tính có chữa khỏi không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bệnh viêm gan B mạn tương đối phổ biến ở Việt Nam, có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau. Hãy tham khảo bài viết để tìm hiểu liệu người mắc bệnh lý này có thể điều trị dứt điểm hay không.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính gây ra bởi virus HBV tồn tại trong cơ thể người trên 6 tháng. Bệnh lý này tiến triển âm thầm, rất khó phát hiện, có thể kéo dài trong nhiều năm mà người bệnh không hề hay biết. Có đến 50% người mắc viêm gan B mạn không phát hiện mình bị bệnh do không có triệu chứng đặc hiệu.
HBV tàn phá lá gan của người bệnh trong âm thầm. Ban đầu, nó khiến người bệnh mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa nhưng các triệu chứng lại dần giảm nhẹ đi. Điều này khiến người bệnh chủ quan, nghĩ rằng cơ thể bị suy nhược thông thường nên không thực hiện thăm khám.
Đây chính là lý do vì sao viêm gan B mạn tính thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Lúc này lượng virus sản sinh quá lớn khiến cơ thể không còn sức đề kháng để chống lại. Viêm gan B mạn làm tăng nguy cơ xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Người bệnh cần cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo viêm gan B mạn như sau:
– Triệu chứng tại hệ thống tiêu hóa như: đau bụng vùng gan, chán ăn, mệt mỏi, đại tiện nhiều lần liên tục,…
– Triệu chứng bên ngoài gồm: vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu,,…
Khi bắt gặp các triệu chứng này, bạn nên đến các cơ sở y tế để khám ngay trước khi có những biến chứng xấu hơn xảy ra.
2. Chữa trị viêm gan B mạn tính
2.1. Bệnh viêm gan B mạn tính có chữa khỏi không?
Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viêm gan B mạn tính vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm hoàn toàn. Thay vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp nhằm khống chế hoạt động của HBV để người bệnh có thể chung sống hòa bình với virus.
Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết, có đến 90% trường hợp viêm gan B có thể tự khỏi trong 6 tháng. 10% còn lại chuyển sang mạn tính. Tuy nhiên, một nửa trường hợp virus không hoạt động, không gây nguy hiểm. Nửa còn lại là viêm gan B mạn thể hoạt động, gây ra nhiều biến chứng xấu.
Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn và tình trạng nhiễm virus viêm gan B. Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc và liều dùng thích hợp cho người bệnh. Những trường điều trị hiệu quả có thể ngừng uống thuốc và tiến hành theo dõi ngăn ngừa virus hoạt động trở lại.
2.2. Phác đồ điều trị viêm gan B mạn tính
Các thuốc uống kháng virus NAs là lựa chọn ban đầu trong điều trị. Chỉ một số trường hợp đặc biệt mới sử dụng phác đồ có Peg-IFN. Việc điều trị diễn ra trong thời gian dài, có thể kéo dài suốt đời.
Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thuốc kháng virus cho những người xơ gan còn bù hoặc mất bù có tải lượng HBV DNA trên ngưỡng. Với trường hợp không xơ gan, thuốc kháng virus được chỉ định cho những người có tổn thương tế bào gan và HBV đang tăng sinh. Ngoài ra, những người trên 30 tuổi với mức ALT cao hơn ULN kéo dài và HBV DNA > 20,000 IU/ml; người có tiền sử gia đình mắc xơ gan hoặc ung thư gan;… cũng là những đối tượng được chỉ định điều trị.
Các thuốc kháng virus phổ biến nhất hiện nay gồm Tenofovir disoproxil fumarate, Entecavir, Tenofovir alafenamide, Peg-IFN-α-2a (với người lớn) và IFN-α-2b (với trẻ em). Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp với từng người bệnh để đảm bảo điều trị hiệu quả và an toàn. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc.
Điều trị với thuốc NAs đòi hỏi thời gian dài, có thể suốt đời, đặc biệt với những người bệnh xơ gan. Trong khi đó, phác đồ có Peg-IFN sẽ có thời gian điều trị là 48 tuần.
3. Cách phòng ngừa căn bệnh viêm gan B mạn tính
Câu hỏi “viêm gan B mạn tính có chữa khỏi không” đã có đáp án là chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn. HBV lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường màu và đường quan hệ tình dục. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, dưới đây là những cách phòng ngừa viêm gan B mạn tính hiệu quả:
– Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng viêm gan B. Việc tiêm phòng cần thực hiện với trẻ sơ sinh và mọi đối tượng chưa có kháng thể chống lại HBV.
– Không dùng chung kim tiêm với bất kỳ ai; không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác như bàn chải đánh răng, bấm móng, dao cạo,…
– Quan hệ tình dục thủy chung, nếu bạn tình nhiễm viêm gan B cần có biện pháp an toàn khi quan hệ.
– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mắc viêm gan B, không tiếp xúc với máu và dịch tiết của người bệnh.
– Không lạm dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá để tránh gây hại cho gan.
– Khám gan mật định kỳ 2 lần mỗi năm để theo dõi sức khỏe lá gan và phát hiện sớm các bất thường, bệnh lý trong đó có viêm gan B.
– Người nhiễm virus viêm gan B cần có chế độ ăn uống – sinh hoạt – theo dõi hợp lý, khoa học. Người bệnh viêm gan B cấp cần điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng viêm gan B mạn tính.
4. Kết luận
Tóm lại, hiện nay chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B mạn tính. Mục đích của việc điều trị là ức chế lâu dài sự sao chép của virus và dự phòng các biến chứng. Bạn hãy có ý thức phòng ngừa viêm gan B để bảo vệ sức khỏe chính bản thân cũng như gia đình của mình.