Viêm gai thị thần kinh: Tồn tại nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Viêm gai thị thần kinh hay viêm dây thần kinh thị giác là hiện tượng dây thần kinh thị giác bị nhiễm khuẩn và viêm cấp tính hoặc mạn tính từ một phần đến toàn bộ chiều dài dây. Bệnh xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn ở đàn ông và xuất hiện ở người dưới 45 tuổi nhiều hơn ở người trên 45 tuổi.

1. Nguyên nhân

Dây thần kinh thị giác có cấu tạo gồm một bó sợi thần kinh được bao bọc bởi vật liệu cách nhiệt gọi là Myelin. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm dây thần kinh thị giác là bệnh lý tự miễn. Cụ thể ở đây là bệnh đa xơ cứng. Khi mắc bệnh lý này, hệ miễn dịch của người bệnh tự tấn công Myelin. Tỷ lệ bệnh đa xơ cứng phát triển thành viêm dây thần kinh thị giác là 50%. Ngoài ra, bệnh còn có thể khởi phát do bệnh lý tự miễn Neuromyelitis Optica.

Một số nguyên nhân gây viêm dây thần kinh thị giác ít gặp hơn có thể kể đến là:

– Nhiễm trùng: Nhiễm trùng ở các cơ quan khác lan tới dây thần kinh thị giác, như: Nhiễm trùng do vi khuẩn giang mai, sốt đầu mèo, Lyme,… hoặc nhiễm trùng do virus viêm gan B, HIV, Herpes,…

– Bệnh tiểu đường

– Bệnh viêm động mạch nội sọ

2. Dấu hiệu nhận biết

Viêm dây thần kinh thị giác có thể được nhận biết bằng các dấu hiệu sau:

– Suy giảm thị lực 1 mắt hoặc 2 mắt tiến triển nhanh. Sự giảm có thể gia tăng cùng với sự tăng của nhiệt độ cơ thể, tức là tăng sau vận động mạnh hoặc sốt.

Suy giảm thị lực 1 mắt hoặc 2 mắt là một trong 5 dấu hiệu điển hình của viêm gai thị thần kinh

Người viêm thị thần kinh có thể bị suy giảm thị lực 1 mắt hoặc 2 mắt

– Tổn khuyết thị trường, bao gồm một hoặc nhiều tổn khuyết sau: Bước nhảy phía mũi, ám điểm trung tâm/cạnh trung tâm, ám điểm hình cung hoặc khuyết nửa ngang của thị trường.

– Rối loạn sắc giác (hay rối loạn nhận biết màu sắc).

– Đau nhãn cầu hoặc đau sau hốc mắt (mức độ đau tỉ lệ nghịch với thị lực và tỉ lệ thuận với mức độ chuyển động của nhãn cầu).

– Vật thể di chuyển theo đường thẳng nhưng lại nhìn thành đường cong.

3. Biến chứng

Biến chứng viêm dây thần kinh thị giác được chia thành 2 nhóm, 1 nhóm là biến chứng trực tiếp của bệnh lý, 1 nhóm là biến chứng do sử dụng thuốc điều trị.
Nhóm 1:

– Dây thần kinh thị giác bị tổn thương không thể cải thiện

– Suy giảm thị lực: Hầu hết thị lực bệnh nhân viêm gai thị thần kinh đều có thể được cải thiện hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn trong vài tháng sau đợt viêm cấp tính. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp mất thị lực vĩnh viễn dù viêm dây thần kinh thị giác đã được kiểm soát 100%.

Nhóm 2: Chủ yếu là tác dụng phụ của Steroid – thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Việc sử dụng Steroid khiến cơ thể dễ: Tăng cân, loãng xương, viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, rối loạn dung nạp đường, thay đổi tâm trạng,…

Việc sử dụng Steroid để điều trị viêm thị thần kinh dễ khiến cơ thể tăng cân

Điều trị viêm thị thần kinh bằng Steroid, người bệnh dễ tăng cân

Nhìn chung, các tổn thương do viêm dây thần kinh thị giác thường khu trú và có khả năng phục hồi cao. Mặc dù thế, đôi khi bệnh vẫn để lại di chứng nặng nề. Người có những biểu hiện bất thường đã được liệt kê phía trên, cần thăm khám sớm với chuyên gia.

4. Chẩn đoán và điều trị

4.1. Chẩn đoán

Sau khai thác triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân viêm dây thần kinh thị giác thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng sau:

– Xét nghiệm: Tốc độ máu lắng, chức năng tuyến giáp, kháng thể kháng nhân, Enzyme ACE, phản ứng huyết tương nhanh, nghiên cứu đột biến acid nhân.

– Chẩn đoán hình ảnh: Cộng hưởng từ MRI (sở hữu độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong đánh giá viêm dây thần kinh thị giác) và điện thế gợi thị giác (có thể phát hiện những bất thường do viêm thị thần kinh ngay cả khi hình ảnh cộng hưởng từ bình thường).

4.2. Điều trị

Viêm dây thần kinh thị giác được điều trị theo hướng ngăn ngừa, hạn chế phát triển và giảm mức độ của đợt bệnh cấp tiến triển, bằng các phương pháp:

– Liệu pháp Corticosteroid đơn thuần, có hoặc không phối hợp thuốc ức chế miễn dịch hoặc chỉ sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Cụ thể thì Methylprednisolone và Azathioprine thường được chỉ định phối hợp trong trường hợp này.

– Nếu không đáp ứng liệu pháp Corticosteroid, bệnh nhân có thể được chỉ định thay huyết tương, nhằm loại bỏ các phức hợp kháng nguyên kháng thể còn tồn tại trong máu.

– Sử dụng rituximab hoặc các kháng thể chống lại tế bào B giúp giảm sản xuất kháng thể IgG.

– Kết hợp điều trị triệu chứng bất thường.

Khi thấy những dấu hiệu đã được liệt kê, đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt

Thăm khám với chuyên gia nếu các dấu hiệu viêm dây thần kinh thị giác xuất hiện

Bệnh nhân viêm gai thị thần kinh hoàn toàn có thể mất thị lực vĩnh viễn nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, khi thấy những dấu hiệu đã được liệt kê phía trên, đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt, bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital