Viêm đại tràng polyp – Những kiến thức cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Thẩm Hoàng Hải

Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa

Khi bị viêm đại tràng polyp cần thận trọng vì có thể trở thành ác tính (ung thư). Dựa trên số lượng, kích thước và giải phẫu bệnh học của polyp mà bác sĩ có thể dự đoán về mức độ nguy cơ để chỉ định điều trị đúng cách.

1. Khái niệm viêm đại tràng polyp

Viêm đại tràng polyp là khi trên niêm mạc đại tràng xuất hiện các tế bào dạng khối nhỏ lồi lên. Phần lớn các polyp xuất hiện ở đại tràng là lành tính. Tuy nhiên theo thời gian, một số trường hợp polyp có thể phát triển thành ung thư. Bệnh có thể gây tử vong khi phát hiện ở giai đoạn muộn. Bất cứ ai hay lứa tuổi nào cũng có thể bị polyp đại tràng.

Viêm đại tràng polyp là bệnh tiêu hóa thường gặp

Viêm đại tràng polyp là bệnh tiêu hóa thường gặp

2. Các dấu hiệu khi bị polyp đại tràng là gì?

Như đã nói ở trên, các polyp thường lành tính nên hầu như không gây triệu chứng. Để dễ dàng phát hiện mọi người cần kiểm tra định kỳ hoặc bệnh có thể được phát hiện khi đang chẩn đoán bệnh lý khác. Tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng giúp phát hiện bệnh sớm.

2.1 Chảy máu từ trực tràng

Sau khi đi ngoài bạn có thể thấy có máu trên đồ lót hoặc giấy vệ sinh. Đây có thể là một trong những dấu hiệu của polyp đại tràng, ung thư. Dấu hiệu này cũng có thể là do bệnh lý bình thường khác như bệnh trĩ, nứt hậu môn.

2.2 Viêm đại tràng polyp làm thay đổi thói quen đại tiện

Tiêu chảy và táo bón kéo dài hơn một tuần chỉ có thể là do xuất hiện polyp to ở đại tràng. Nhưng không phải chỉ có viêm đại tràng polyp mới gây ra tình trạng này. Một số các bệnh lý khác cũng sẽ gây ra thay đổi trong thói quen đi cầu.

2.3 Thay đổi màu phân do viêm đại tràng polyp

Người bị bệnh sẽ có màu sắc phân khác lạ. Máu có thể xuất hiện thành các vệt đỏ trong phân hoặc làm chúng có màu đen. Sự thay đổi màu sắc đôi khi không phải do bệnh mà từ việc người bệnh uống thuốc hoặc dùng thực phẩm có màu đen hoặc đỏ.

 2.4 Đau, buồn nôn hoặc nôn (hiếm)

Polyp đại tràng có thể gây cản trở đường ruột của bạn. Hiện tượng này khiến bạn xuất hiện cơn đau dữ dội, buồn nôn, nôn mửa do tắc ruột nhưng rất hiếm gặp.

2.5 Thiếu máu

Polyp có thể gây xuất huyết từ từ theo thời gian. Nhiều khi không thể nhìn thấy máu trong phân. Máu chảy mạn tính gây thiếu sắt để sản xuất giúp hồng cầu mang oxy cho cơ thể. Kết quả là người bệnh bị thiếu máu do thiếu sắt khiến cơ thể mệt mỏi, khó thở.

Người bệnh sẽ thay đổi thói quen đại tiện

Thay đổi thói quen đại tiện là dấu hiệu nghi ngờ người bệnh có polyp đại tràng.

3.  Đâu là nguyên nhân gây bệnh?

Nguyên nhân gây ra polyp vẫn chưa rõ ràng. Các tế bào khỏe phát triển và phân chia ổn định khi gặp một số tác động gây ra đột biến gen sẽ làm các tế bào tiếp tục phân chia ngay cả khi không cần tế bào mới. Sự tăng trưởng không kiểm soát này dẫn tới hình thành các polyp. Các polyp có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu trong ruột già của bạn. Kích thước của polyp càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao.

4. Các yếu tố nguy cơ gây ra viêm polyp đại tràng

Theo các nghiên cứu khoa học, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành viêm đại tràng polyp:

– Độ tuổi: Những người trên 45 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh vì vậy khi ở độ tuổi này cần thường xuyên kiểm tra kể cả khi không có triệu chứng.

– Người đã từng có polyp, ung thư đại tràng. Người bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung trước 50  tuổi cũng có thể xuất hiện polyp đại tràng.

– Người nghiện thuốc lá và rượu.

– Người ít vận động, béo phì.

– Một số trường hợp bệnh viêm loét đại tràng, bệnh Crohn cũng có khả năng gây polyp.

– Yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình bạn có những thành viên từng bị polyp thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

– Bệnh đái tháo đường type 2 chưa được điều trị dứt điểm.

5. Biến chứng của polyp

Nếu không may mắn, một số polyp ở đại tràng có thể tiến triển sang ung thư. Vì vậy các polyp cần được cắt bỏ càng sớm càng tốt để không còn khả năng trở thành polyp ác tính.

6. Chẩn đoán polyp đại tràng

Khi phát hiện có polyp đại tràng bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ và kiểm tra xem chúng có tế bào ung thư hay không. Hầu hết các polyp được phát hiện và loại bỏ ngay trong quá trình nội soi đại tràng. Nội soi đại tràng cũng là phương pháp ưu tiên được chỉ định.

Một số kỹ thuật chẩn đoán khác giúp bác sĩ có thể tìm thấy polyp là:

– CT scan – Cắt lớp điện toán CT

– Xquang đại tràng có cản quang

– Xét nghiệm phân

Nội soi đại tràng giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn

Nội soi đại tràng giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn

7. Bệnh viêm đại tràng polyp được điều trị và chăm sóc như thế nào?

Phần lớn các trường hợp polyp đều có cách điều trị là cắt bỏ. Sau khi bỏ polyp người bệnh cần chú ý chăm sóc sức khỏe để hạn chế bệnh tái phát.

7.1 Điều trị viêm đại tràng polyp

Bác sĩ sẽ cắt bỏ tất cả các polyp khi phát hiện ra chúng. Những phương pháp thường sử dụng để điều trị là:

– Cắt bỏ khối polyp trong quá trình nội soi tầm soát. Bác sí sẽ đánh giá tình trạng, kích thước của polyp để chỉ định phương pháp cắt phù hợp.

– Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Các polyp quá lớn sẽ không thể cắt an toàn trong khi tầm soát sẽ được cắt bỏ bằng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Ví dụ như cắt qua ngã hậu môn TEO, phẫu thuật nội soi.

– Cắt một phần đại tràng, trực tràng: Nếu bạn có hội chứng di truyền hiếm gặp như FAP thì cần phẫu thuật loại bỏ đại trực tràng.

7.2  Theo dõi chăm sóc sau cắt polyp

Đối với các trường hợp điều trị cắt polyp qua nội soi, phần lớn người bệnh không cần lưu viện và có thể trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường. Bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến cáo cụ thể về chế độ ăn cũng như chăm sóc sau đó. Với những ca cắt polyp lớn hoặc tiềm ẩn nguy cơ, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nằm viện 1-3 ngày để thuận tiện việc chăm sóc, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Người bệnh đặc biệt lưu ý cần thực hiện nội soi tái khám sau 1 năm để đánh giá hiệu quả điều trị cũng như kiểm tra các khả năng phát sinh sau cắt nếu có.

8. Biện pháp phòng chống polyp đại tràng

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để hạn chế polyp phát triển:

– Tuyệt đối không nên sử dụng chất kích thích, thuốc lá, đồ uống có cồn.

– Giữ cân nặng ở mức độ hợp lý.

– Nên bổ sung chất xơ từ rau củ và trái cây tươi.

– Hạn chế ăn các đồ ăn nhanh có nhiều chất béo.

– Nên ăn nhiều thức ăn chứa canxi như bông cải xanh, phô mai, sữa,…

Mọi người cần bổ sung nhiều rau xanh, trái cây

Mọi người cần bổ sung nhiều rau xanh, trái cây

Bài viết đã cung cấp đầy đủ những kiến thức cơ bản về bệnh viêm đại tràng polyp. Việc phát hiện và điều trị kịp thời polyp đại tràng là rất quan trọng, giúp người bệnh phòng chống tốt ung thư đường tiêu hóa.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital