Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được sử dụng phổ biến trong sản khoa để giúp mẹ không phải chịu cảm giác đau trong quá trình chuyển dạ và sinh con. Gây tê màng cứng khá an toàn, tuy nhiên cũng có một số sản phụ cho biết sau gây tê màng cứng bị đau lưng. Vậy gây tê màng cứng có phải là nguyên nhân dẫn đến đau lưng không? làm gì để cải thiện tình trạng đau lưng sau sinh thường gây tê màng cứng? Trong bài dưới đây Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết.
Menu xem nhanh:
1. Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Gây tê ngoài màng cứng là thủ thuật đưa thuốc tê vào bên trong khoang màng cứng nhằm ức chế dẫn truyền thần kinh, giúp mẹ không còn cảm thấy đau trong quá trình sinh em bé.
Thông thường, quá trình gây tê màng cứng sẽ bắt đầu khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ và cổ tử cung đã mở được khoảng 2 đến 3 cm. Sau khi gây tê được khoảng 15 phút, thuốc tê sẽ có tác dụng. Phương pháp mang lại hiệu quả giảm đau cao ở bộ phận chịu lực nhiều nhất khi chuyển dạ, sản phụ vẫn có cảm giác từ bụng đến 2 chân, vẫn có thể di chuyển, rặn sinh bé bình thường.
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng khá an toàn cho quá trình chuyển dạ và sinh con. Thuốc tê sử dụng trong gây tê ngoài màng cứng hầu như không đi qua nhau thai nên không làm ảnh hưởng gì đến thai nhi, mẹ có thể hoàn toàn yên tâm.
2. Gây tê màng cứng có thể để lại tác dụng phụ gì?
Gây tê ngoài màng cứng là thủ thuật có thể áp dụng cho hầu hết các sản phụ sinh thường tự nhiên. Tuy nhiên cũng có những trường hợp gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Một số tác dụng phụ thường gặp sau sinh thường có gây tê màng cứng là:
– Đau đầu, buồn nôn
– Tạm thời gặp khó khăn khi đi đứng hay vận động
– Xuất hiện vết bầm nhỏ tại vị trí tiêm tê, vết bầm sẽ biến mất sau 1 đến 2 ngày
– Đau lưng
– Hạ huyết áp
– Mất kiểm soát bàng quang, không có cảm giác bàng quang căng cứng do tác động của thuốc tê
– Nhiễm trùng vị trí gây tê
– Gặp biến chứng hiếm gặp: khó thở, ngất, tổn thương dây thần kinh
Để đề phòng các phản ứng hiếm gặp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trước khi quyết định làm giảm đau khi sinh, sản phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định phù hợp. Nếu thuộc một trong những trường hợp dưới đây, sản phụ cần được cân nhắc thật cẩn thận trước khi dùng giảm đau:
– Sản phụ mắc các bệnh về tim mạch, bệnh cấp, mãn tính.
– Sản phụ bị viêm, nhiễm trùng vùng da thắt lưng hoặc sản phụ đang có các vấn đề tại vùng lưng.
– Sản phụ có cơ địa dễ kích ứng, dị ứng.
– Sản phụ có vấn đề về quá trình đông máu, mắc bệnh về máu.
3. Gây tê màng cứng bị đau lưng vì sao?
Nhiều sản phụ cho biết sau sinh thường bằng phương pháp gây tê màng cứng bản thân gặp phải tình trạng đau lưng và họ nghĩ rằng đau lưng chính là tác dụng phụ của phương pháp gây tê này.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khoa học vào năm 2010, không có sự gia tăng nguy cơ đau lưng kéo dài sau gây tê ngoài màng cứng. Đau lưng sau gây tê ngoài màng cứng thường kéo dài trong 2 đến 3 ngày sau sinh.
Nguyên nhân dẫn tình trạng đau lưng sau khi gây tê màng cứng là do khi thực hiện thủ thuật gây tê, thuốc tê được tiêm vào vị trí vùng lưng của sản phụ. Vì thế sản phụ cảm thấy đau nhức tại vùng lưng, vị trí mà kim đâm vào.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến đau lưng sau gây tê là do rò rỉ các dịch não tủy hoặc do các phản ứng dị ứng với thuốc gây tê hoặc các dịch khác được tiêm vào trong quá trình sinh.
Sản phụ nên chọn sinh tại các cơ sở y tế uy tín được đảm bảo về chuyên môn của bác sĩ và các trang thiết bị sinh sản để hành trình vượt cạn diễn ra thuận lợi, suôn sẻ nhất.
4. Phương pháp giúp “thổi bay” đau lưng do gây tê màng cứng
Để làm giảm những cơn đau lưng do gây tê ngoài màng cứng, bạn có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây.
– Massage cơ thể: Đây là phương pháp giúp giảm đau lưng tức thì hiệu quả. Mẹ có thể thực hiện bằng cách nằm nghiêng và nhờ người nhà dùng hai tay vuốt nhẹ nhàng từ hông xuống cuối lưng hoặc mẹ đứng thẳng, dùng hai nắm tay nắm hờ và vỗ vào vùng hông lan sang hai bên lưng. Thực hiện massage đều đặn sẽ giúp mẹ khôi phục hoạt động của tế bào và giảm đau lưng nhanh chóng, hiệu quả.
– Thực hiện chườm nóng để giúp giảm đau: Mẹ có thể thực hiện chườm nóng bằng cách đắp khăn nóng có nhiệt độ vừa phải lên lưng trong khoảng 30 phút. Việc này giúp mẹ được giãn cơ, giãn dây chằng, mạch máu và giảm cảm giác đau lưng.
– Chú ý đến tư thế cho con bú: Việc cho con bú đúng tư thế sẽ giúp mẹ giảm triệu chứng đau lưng. Khi cho con bú mẹ nên bế sát bé vào người, ngồi trên ghế mềm, ghế có tay vịn, có gối tựa và ngồi thẳng lưng để cho con bú.
– Vận động nhẹ nhàng sau sinh: Sau sinh cơ thể mẹ còn yếu, tuy nhiên mẹ không nên nằm một chỗ quá lâu mà nên đứng dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng để tăng tuần hoàn máu, giúp mẹ giảm đau lưng, sức khỏe nhanh phục hồi.
Các phương pháp trên phù hợp với những mẹ bị đau lưng nhẹ, nếu thường xuyên bị đau lưng, cơn đau lưng kéo dài nhiều ngày không thuyên giảm mẹ nên trò chuyện với bác sĩ để được tư vấn phương pháp giảm đau lưng hiệu quả.
Trên đây là những thông tin hữu ích về phương pháp giảm đau gây tê màng cứng, hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc mà mình đang quan tâm. Nếu có câu hỏi về gây tê ngoài màng cứng hay có nhu càu thăm khám sức khỏe sau sinh, bạn có thể liên hệ với Thu Cúc TCI để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.