Vì sao cần hàn răng sâu cho trẻ em?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Quyết

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Hàn răng sâu cho trẻ em được biết đến là cách hiệu quả giúp điều trị các trường hợp sâu răng nhẹ, chớm sâu răng khi trẻ không may bị răng sâu. Vậy hiệu quả thực sự của biện pháp này là gì và cần làm gì sau khi hàn răng để tránh bị sâu răng trở lại, cùng tìm hiểu qua bài tin dưới đây.

1. Tình trạng sâu răng báo động ở trẻ em

Sâu răng là tình trạng phổ biến ở trẻ

Sâu răng là tình trạng phổ biến ở trẻ

Khi nhắc đến bệnh lý răng miệng ở trẻ hiện nay thì sâu răng chính là bệnh xếp hạng đầu tiên. Không quá ngạc nhiên khi ở trẻ tỷ lệ sâu răng lại cao đến vậy bởi đặc điểm răng sữa ở trẻ cũng như những thói quen xấu hằng ngày đều tạo điều kiện cho sâu răng phát triển:

– Răng sữa thường “yếu” hơn các răng vĩnh viễn, chính vì vậy tốc độ tấn công của vi khuẩn cũng nhanh hơn.

– Sở thích ăn đồ ngọt, đồ chứa nhiều tinh bột và các đồ chiên rán của trẻ kết hợp với thói quen ăn vặt và không chịu vệ sinh răng miệng trước khi đi ngủ, sau khi ăn tạo môi trường lý tưởng để các vi khuẩn có hại trong khoang miệng phát triển: các đồ ăn thừa dính kẽ răng không được làm sạch là thức ăn và là môi trường phát triển của vi khuẩn. Dịch axit từ vi khuẩn khiến lớp men răng bị mài mòn tạo nên những bề mặt rỗ trên thân răng. Lâu dần vi khuẩn thông qua các vị trí này tấn công sâu hơn gây nên tình trạng sâu răng rõ rệt.

Khi trẻ sâu răng, một loạt các dấu hiệu cảnh báo sẽ xuất hiện:

– Răng xuất hiện những vết lõm, đốm đen,.. ở phần thân răng hoặc bề mặt nhai của răng.

– Hơi thở của trẻ có mùi hôi

– Trẻ có thể bị đau răng, ê buốt răng khi ăn đồ lạnh, đồ nóng.

– Trẻ có thể bị chảy máu chân răng, sưng tấy lợi răng,…

2. Vì sao cần hàn răng sâu cho trẻ em?

Khi trẻ có dấu hiệu sâu răng, cần đưa trẻ đến thăm khám và điều trị sớm để tránh tình trạng sâu răng nặng hơn

Khi trẻ có dấu hiệu sâu răng, cần đưa trẻ đến thăm khám và điều trị sớm để tránh tình trạng sâu răng nặng hơn

Hàn sâu răng cho trẻ em là một trong những biện pháp hiệu quả điều trị răng sâu ở trẻ bởi:

– Hàn răng giúp bảo toàn răng cho trẻ: Khi thực hiện hàn răng, trám răng sâu sẽ không cần nhổ bỏ chiếc răng. Sau khi thực hiện hàn răng, răng lại trở về tương tự hình dạng ban đầu và thực hiện chức năng nhai một cách bình thường. Bên cạnh đó, trước khi thực hiện hàn răng, toàn bộ răng sâu được xử lý và tiêu diệt vi khuẩn, chính vì vậy về cơ bản vấn đề sâu răng được chấm dứt sau quá trình hàn răng. Điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ viêm tủy răng, viêm hạch, viêm tủy xương và sâu răng lan sang các răng bên cạnh có thể xảy ra. Ngoài ra, đối với trẻ còn răng sữa thì việc bảo tồn răng sữa có vai trò quan trọng trong định hướng mọc của các răng vĩnh viễn sau này.

– Đảm bảo tính thẩm mỹ cho răng: Khi thực hiện hàn răng sâu, toàn bộ phần sâu, ố màu sẽ được mài và loại bỏ. Sau đó bác sĩ sẽ đổ một lớp chất liệu đồng màu men răng lên vị trí ổ sâu và lấp đầy. Do sự khác biệt về màu sắc rất ít nên thường sau khi hàn răng rất khó phát hiện ở khoảng cách tương đối. Điều này mang lại thẩm mĩ và sự tự tin cho trẻ do không còn các vết sâu đen, đổi màu.

– Tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị: Hàn răng sâu giúp tiết kiệm chi phí rất lớn trong điều trị sâu răng cho trẻ so với việc phải nhổ bỏ hoàn toàn răng sâu. Quá trình hàn răng diễn ra nhanh chóng và không ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai của trẻ. Sau hàn răng, trẻ có thể ăn uống trở lại bình thường ngay tức khắc.

Tuy nhiên, không phải trường hợp sâu răng nào ở trẻ cũng có thể tiến hành hàn răng. Khi tình trạng sâu răng đã quá nặng, sâu viêm vào tủy chân răng, mất hoàn toàn răng, hay sâu cụt chân răng,… thì cần thực hiện nhổ bỏ hoàn toàn chiếc răng sâu và vết tích sâu răng để điều trị viêm, tránh ảnh hưởng tới xương răng vĩnh viễn đang nằm dưới răng sữa hoặc xương răng của trẻ. Đối với trẻ bị sâu răng vĩnh viễn quá nặng, trẻ cần phải nhổ bỏ để thực hiện trồng răng Implant để tránh các biến chứng tiêu xương hàm xảy ra trong tương lai. Chính vì thế, ngay khi trẻ chớm sâu răng, hãy đưa trẻ đi thăm khám và điều trị hàn răng sớm trong trường hợp cần thiết.

3. Quá trình hàn răng sâu cho trẻ em

Phương pháp hàn răng sâu cho trẻ em không gây đau và dễ thực hiện

Phương pháp hàn răng sâu cho trẻ em không gây đau và dễ thực hiện

Khi có dấu hiệu sâu răng, cha mẹ hãy đưa trẻ đến thăm khám và điều trị. Với phương pháp hàn răng sâu, quá trình thực hiện cũng diễn ra một cách rất nhanh chóng và hoàn toàn không gây đau đớn cho trẻ:

– Vệ sinh toàn bộ răng miệng và dùng dụng cụ mài toàn bộ phần răng bị sâu.

– Pha cao trám răng đồng màu với các răng hiện có của trẻ và tiến hành trám răng. Quá trình trám răng bình thường sẽ diễn ra từ 1 tới 5 phút và chất trám cũng sẽ nhanh chóng khô và trở thành một phần của răng.

– Vệ sinh răng miệng cho trẻ và hướng dẫn chăm sóc răng hàng ngày để tránh sâu răng tái phát.

4. Chăm sóc sau hàn răng sâu cho trẻ

Sau hàn răng sâu cho trẻ, ổ răng sâu được điều trị đã khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là trẻ sẽ không bị sâu răng trở lại. Chính vì thế, một chế độ chăm sóc răng miệng tốt, duy trì đều đặn mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết với trẻ. Dưới đây là một số điều cần ghi nhớ khi chăm sóc hay hướng dẫn trẻ tự chăm sóc răng miệng:

– Trẻ nhỏ chưa thể tự vệ sinh răng, cha mẹ hãy chủ động vệ sinh răng cho trẻ bằng bàn chải mềm chuyên dụng.

– Hạn chế tối đa tác động lực mạnh vào vị trí răng vừa trám, hàn răng sâu để tránh bong vết hàn.

– Với các trẻ lớn hơn, trước hết cần cho trẻ hiểu tác hại của sâu răng và hướng dẫn trẻ tự giác chăm sóc răng miệng: dùng chỉ nha khoa, tăm vệ sinh sơ bộ răng sau ăn; đánh răng đúng cách vào sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.

– Hạn chế ăn đồ ngọt, đồ có ga, đồ ăn nhiều dầu vào buổi tối.

– Duy trì khám sức khỏe răng miệng mỗi năm 2 lần.

Như vậy với thông tin trên, hi vọng cha mẹ đã hiểu vì sao nên hàn răng sâu cho trẻ em. Phương pháp này không khó thực hiện và cũng không gây hại cho trẻ, vì vậy khi trẻ sâu răng, đừng trì hoãn việc thăm khám và điều trị cho trẻ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital