Vẹo vách ngăn mũi là tình trạng phổ biến, xảy ra khi vách ngăn mũi bị lệch sang một bên. Nếu cơ quan chia đôi hốc mũi này bị lệch quá nhiều có thể gây ra viêm xoang, nghẹt mũi và khó thở. Vậy người bị vẹo vách ngăn mũi có cần phẫu thuật hay không? Quy trình thực hiện ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Vẹo vách ngăn mũi – “nỗi ám ảnh” của nhiều người
Nhiều trường hợp có vách ngăn mũi không nằm thẳng chính giữa, tức là có tình trạng lệch vách ngăn nhưng không nhiều. Nhưng nếu vách ngăn lệch sang hẳn một bên, làm cho một bên khoang mũi nhỏ hơn thì ảnh hưởng tới sức khỏe không ít.
Có nhiều dạng vẹo vách ngăn như:
– Vẹo hình chữ C, vách ngăn có thể vẹo bên trái hoặc phải.
– Vẹo hình chữ S, vách ngăn vừa vẹo bên trái, vừa vẹo bên phải.
– Gai hoặc mào vách ngăn mũi: gặp nhất là ở phần tiếp giáp của xương và sụn vách ngăn. Gai/mào vách ngăn mũi có thể chạm đến niêm mạc mũi gây chảy máu và tình trạng đau nhức dữ dội cho người bệnh.
1.1. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng vẹo vách ngăn mũi đó là:
– Do bẩm sinh: tình trạng vẹo vách ngăn đã xảy ra trong suốt quá trình phát triển bào thai và dễ nhận ra khi em bé sinh ra.
– Do viêm nhiễm: viêm mũi dị ứng, viêm xoang,…là những vấn đề gây khó chịu tại vùng mũi. Điều này khiến cho người bệnh hay có thói quen quẹt tay lên mũi thường xuyên, ấn mũi liên tục dẫn tới tình trạng vẹo vách ngăn.
– Chấn thương vùng mũi: có thể là do một sang chấn trong quá trình chuyển dạ của người mẹ cũng gây nên vẹo vách ngăn đối với trẻ nhỏ. Còn đối với người lớn, nguyên nhân là do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, do va chạm khi chơi thể thao hay bạo lực… gây tác động đến vùng mặt, mũi dẫn đến vẹo vách ngăn.
– Lão hóa: bởi quá trình lão hóa cũng một phần làm thay đổi cấu trúc mũi và vẹo vách ngăn mũi sang một bên.
1.2. Tác động
Khi bị vẹo vách ngăn mũi, một số triệu chứng hay gặp bao gồm:
– Nghẹt mũi: do hốc mũi 1 bên (hoặc thậm chí cả 2 bên) bị hẹp lại gây cản trở trong quá trình thở dù không bị viêm mũi. Nghẹt mũi càng trầm trọng hơn khi mắc cảm cúm hoặc dị ứng đường hô hấp trên.
– Chảy máu mũi: bề mặt vách ngăn mũi rất mỏng và là nơi tập trung của nhiều mạch máu nhỏ. Các mạch máu này ở vị trí nông nên khi vách ngăn bị vẹo, bề mặt vách ngăn trở nên khô hơn dễ gây chảy máu mũi.
– Khu vực vùng mặt đau nhức: vẹo vách ngăn gây tắc nghẽn một bên mũi cũng ảnh hưởng đến nửa bên mặt bị đau nhức, tức nặng.
– Cảm giác khó thở: đường thở bị cản trở nên không khí đi qua sẽ gây ra tiếng ồn ào, một số người buộc phải nằm nghiêng để thấy dễ thở hơn.
– Đau nhức nửa đầu âm ỉ, dai dẳng. Tình trạng nặng hơn khi trời lạnh hay nắng gắt. Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt cũng cảm thấy đau nhức, khó chịu hơn rất nhiều.
Các triệu chứng này khá giống với triệu chứng cảm cúm thông thường, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng như:
– Dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi,…
– Khô miệng trầm trọng do người bệnh phải thở bằng miệng trong thời gian dài.
– Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.
– Nhiễm trùng mũi tái phát.
2. Nên hay không phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi
Hiện nay rất nhiều người rơi vào tình trạng phân vân, chần chừ không biết bị vẹo vách ngăn mũi có cần phẫu thuật hay không? Để lý giải điều này còn tùy thuộc vào mức độ vẹo và những biến chứng gây nên. Nhiều trường hợp bị vẹo vách ngăn mũi mà không cần can thiệp điều trị, hoặc có thể dùng thuốc để cải thiện. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong số các trường hợp sau thì nên tiến hành phẫu thuật:
– Các triệu chứng không đỡ hơn dù đã dùng thuốc.
– Khó chịu, đau đớn nặng hơn do vẹo vách ngăn mũi gây ra
– Xuất hiện các biến chứng, viêm xoang tái phát nhiều lần.
3. Quy trình phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi
3.1. Trước khi phẫu thuật
Thực hiện kiểm tra với bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng bằng cách: kiểm tra da, bên trong và bên ngoài mũi; làm các xét nghiệm. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiểu sử bệnh lý để hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán của mình.
Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được chụp ảnh mũi từ các góc độ khác nhau. Nhằm mục đích thảo luận trước, trong và sau khi phẫu thuật. Hơn nữa, bạn cũng nên bày tỏ mong muốn, thắc mắc của mình để được tư vấn, giải đáp kỹ lưỡng nhất.
Một số lưu ý trước khi phẫu thuật bao gồm:
– Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hỗ trợ cho cuộc phẫu thuật.
– Ngừng hút thuốc lá.
– Không nên ăn sáng vào ngày phẫu thuật.
3.2. Trong khi phẫu thuật
Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi là thủ thuật để làm thẳng xương và sụn phân chia không gian giữa hai lỗ mũi. Bằng cách cắt tỉa, tái định vị và thay thế sụn, xương sẽ giúp vách ngăn mũi vào trung vị – tại đường giữa của hai bên mũi. Lúc này, bạn đã bị gây mê nên quá trình diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng.
Bác sĩ phẫu thuật sắp xếp lại vách ngăn thông qua các vết mổ bên trong mũi. Nếu cần, bác sĩ có thể phải rạch một đường nhỏ giữa lỗ mũi.
Nếu xương mũi bị vẹo và đẩy vách ngăn sang một bên, bác sĩ sẽ cần thực hiện các vết cắt trong xương mũi để định vị lại chúng. Một dải sụn nhỏ để ghép giúp điều chỉnh vách ngăn bị lệch.
Đối với dạng này, chỉ tự tiêu sẽ được sử dụng. Bên cạnh có, bác sĩ có thể sử dụng nẹp silicon mềm vào bên trong lỗ mũi để tăng hiệu quả phẫu thuật. Sau 30-90 phút, bạn sẽ được đưa ra phòng hồi sức để theo dõi thêm.
3.3. Sau khi phẫu thuật
Để kết quả phẫu thuật thành công, trong quá trình chăm sóc và phục hồi bạn nên lưu ý một số điều sau:
– Khi ngủ nên kê đầu trên gối cao, đảm bảo đầu cao hơn vai
– Không xì mũi
– Mặc các trang phục có khuy, dây kéo phía trước hoặc sau. Tránh chọn trang phục cần tròng qua đầu.
– Không tiếp xúc gần với người đang mắc các bệnh đường hô hấp
– Không hoạt động mạnh như: chạy bộ, nhảy dây, nhảy aerobic,…
Thông thường, phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi cần 3 tháng đến gần 1 năm để được hồi phục hoàn toàn. Đa số trường hợp đều thấy tình trạng bệnh cải thiện rõ rệt hơn hẳn sau phẫu thuật. Vì vậy, qua bài viết này chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “vẹo vách ngăn mũi có cần phẫu thuật hay không?” rồi nhé.