Vitamin B12 có vai trò rất quan trọng đối với hệ thần kinh, đặc biệt là bộ não của con người. Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể gây thiếu máu, tổn thương não nghiêm trọng không thể phục hồi, tàn tật. Tham khảo bài viết để biết tầm quan trọng của vitamin B12 đối với hệ thần kinh, dấu hiệu nhận biết khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin B12 và cách xử trí.
Menu xem nhanh:
1. Sự cần thiết của Vitamin B12 đối với hệ thần kinh
Vitamin B12 hay còn gọi là Cobalamin được hấp thu vào cơ thể nhờ sự trợ giúp của yếu tố nội tại glycoprotein – một protein do tế bào thành của niêm mạc dạ dày tiết ra cùng với vitamin B12, cho phép các chất dinh dưỡng hấp thụ qua đoạn cuối ruột non (hồi tràng).
Sau khi được hấp thụ vào trong cơ thể, vitamin B12 tham gia vào quá trình tổng hợp DNA, axit béo và myelin.
Myelin bao bọc quanh các sợi thần kinh, làm tăng tốc độ giao tiếp điện giữa các tế bào thần kinh. Đây là yếu tố quan trọng cho thấy tầm quan trọng của vitamin B12 đối với hệ thần kinh.
Như vậy vitamin B12 có vai trò rất quan trọng đối với chức năng hoạt động của hệ thần kinh, não bộ. Đồng thời chúng cũng tham gia vào quá trình hình thành các tế bào hồng cầu (các tế bào hồng cầu mang oxy đi nuôi khắp cơ thể, đặc biệt là não bộ chiếm khoảng 20%-25% tổng lượng oxy được cung cấp cho toàn cơ thể). Ngoài ra, vitamin B12 còn giúp tạo và điều chỉnh DNA.
Việc bổ sung vitamin B12 đối với hệ thần kinh là rất cần thiết. Theo viện Y tế Quốc gia Mỹ (NHI) khuyến cáo: thanh thiếu niên và người lớn trên 14 tuổi, nên tiêu thụ 2,4 mcg vitamin B12 mỗi ngày. Còn phụ nữ đang mang thai nên tiêu thụ 2,6 mcg mỗi ngày, phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú cần đảm bảo tiêu thụ 2,8 mcg mỗi ngày.
2. Điều gì xảy ra khi cơ thể thiếu hụt vitamin B12
Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng không thể hồi phục, đặc biệt là đối với hệ thần kinh và não. Cụ thể là:
2.1 Thiếu máu, thiếu oxy lên não
Khi thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu, điều này khiến lượng oxy cung cấp lên não bị giảm bớt, lâu dần gây thiếu máu não (thiếu oxy lên não) có thể gây tổn thương không hồi phục các tế bào não không được cung cấp oxy. Người bị thiếu máu thường có biểu hiện: mệt mỏi, khó thở, nhịp tim không đều, da nhợt nhạt hoặc vàng, có thể đau miệng hoặc lưỡi, sút cân, tiêu chảy,…
2.2 Các biểu hiện về thần kinh do thiếu hụt vitamin B12
Khi thiếu vitamin B12 ở mức nhẹ, có thể gây các triệu chứng như: trầm cảm, lú lẫn, mệt mỏi, trí nhớ kém. Tuy nhiên các triệu chứng không đủ đặc hiệu để chẩn đoán tình trạng thiếu vitamin B12, trường hợp này các bác sĩ có thể kê thêm vitamin B12 cho bạn, nếu được bổ sung cơ thể sẽ dần ổn định trở lại.
Thiếu hụt vitamin B12 cũng có thể gây táo bón, chán ăn, sụt cân.
Đặc biệt, nếu thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng người bệnh sẽ gặp các thay đổi rõ rệt hơn về thần kinh như: tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Có thể bị yếu cơ và giảm phản xạ, khiến việc đi lại cũng trở nên khó khăn hơn. Thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng dễ gây tổn thương thần kinh và não vĩnh viễn, gây ra một số bệnh lý như rối loạn tâm thần, hưng cảm và sa sút trí tuệ với một số biểu hiện đó là: trầm cảm, hoang tưởng, mê sảng, mất trí nhớ, tiểu không kiểm soát, mất vị giác và khứu giác,…
Trẻ nhỏ cũng có thể bị thiếu hụt vitamin B12. Cụ thể là nếu trẻ sơ sinh bị thiếu hụt vitamin B12, bé thường có các biểu hiện bất thường như run mặt, khó bú, gặp các vấn đề về phản xạ, kích thích và các vấn đề về tăng trưởng nếu không được phát hiện và bổ sung kịp thời.
Ngoài ra, thiếu hụt vitamin B12 cũng khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn. Như vậy, bổ sung vitamin B12 đối với hệ thần kinh và cho các bộ phận khác là việc làm rất quan trọng.
3. Cách xử trí
Vitamin B12 đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết cho sức khỏe của mô thần kinh, chức năng não và sản xuất các tế bào hồng cầu. Chúng có sẵn tự nhiên trong các loại thịt đỏ, sản phẩm từ sữa và trứng. Bạn cần lưu ý bổ sung đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm trên để cung cấp vitamin B12 cho cơ thể.
Đối với những người không ăn thịt (ăn chay trường)… có thể lựa chọn bổ sung vitamin B12 dưới dạng bổ sung khác. Việc thiếu hụt vitamin B12 phần lớn là do cơ thể chưa bổ sung đủ lượng vitamin qua chế độ ăn, uống hàng ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp thiếu hụt vitamin B12 do cơ thể gặp khó khăn trong quá trình hấp thụ loại vitamin này.
Bạn nên đi thăm khám với bác sĩ, điều quan trọng là cần chẩn đoán và điều trị tình trạng thiếu vitamin B12 càng sớm càng tốt. Dựa trên các triệu chứng và kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ cho biết bạn có thiếu vitamin B12 hay không. Việc phát hiện sớm tình trạng thiếu vitamin B12 rất dễ điều trị. Nếu để lâu nguy cơ tổn thương vĩnh viễn càng cao. Nhiều triệu chứng được cải thiện khi điều trị nhưng một vài vấn đề do thiếu hụt vitamin B12 trầm trọng gây tổn thương vĩnh viễn, không thể hồi phục. Do đó, nếu có biểu hiện nghi ngờ thiếu vitamin B12 bạn nên đi thăm khám với bác sĩ, đừng để đến khi quá muộn rồi mới tìm cách “tẩm bổ”, khi đó hiệu quả sẽ không cao.