Theo báo Tuổi trẻ Online, tất cả biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố như uống thuốc, đặt vòng, cấy que hay tiêm nội tiết đều làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú, nghiên cứu mới đây đã chỉ ra..
Menu xem nhanh:
1. Tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú do tránh thai bằng nội tiết tố ngày càng cao
Trước đây, các nghiên cứu cũng đã xác định nguy cơ ung thư vú gia tăng ở người sử dụng thuốc tránh thai có 1 trong 2 loại tiết tố nữ tự nhiên là estrogen hay progesteron, hoặc loại thuốc tổng hợp cả 2 loại hormone này.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học khẳng định mọi phụ nữ dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố đều có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn từ 20-30% so với những người không sử dụng và mức độ rủi ro của các biện pháp hormone là như nhau, bất kể họ uống thuốc, đặt vòng, cấy que hay tiêm nội tiết.
Nguy cơ ung thư vú cũng tùy thuộc độ tuổi của nữ giới khi sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố. Các nhà khoa học đã theo dõi tình hình sức khỏe của hàng trăm phụ nữ ở độ tuổi 16-39 dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố trong thời gian 5 năm. Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm từ 16-20 tuổi là 8 trường hợp trên 100.000 người, trong khi ở nhóm từ 35-39 tuổi là 265 trường hợp trên 100.000 người. Các nhà khoa học nhấn mạnh cần cân nhắc nguy cơ ung thư vú khi sử dụng các biện pháp tránh thai bằng hormone, mặc dù liệu pháp này cũng có khả năng bảo vệ nhất định đối với các bệnh ung thư khác ở nữ giới.
Bà Gillian Reeves – giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford và là đồng tác giả của nghiên cứu – cho biết: “Không ai muốn nghe rằng thứ gì đó mà họ đang dùng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lên 25%. Nhưng đúng là vẫn có rủi ro này, dù chỉ ở mức thấp. Tất nhiên, sự gia tăng nguy cơ ung thư vú không thể che lấp lợi ích của việc dùng các biện pháp tránh thai nội tiết tố. Không chỉ giúp kiểm soát sinh sản, liệu pháp này còn cung cấp sự bảo vệ đáng kể và lâu dài trước các bệnh ung thư khác ở nữ giới như: ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine ngày 21-3.
2. Lợi hại đan xen, chị em phụ nữ cần lưu ý gì khi tránh thai bằng nội tiết tố?
Phụ nữ càng hiện đại càng có nhiều sự lựa chọn trong việc kế hoạch hóa gia đình. Với sự ra đời của thuốc tránh thai thực sự là một phát minh sớm bởi đây là phương pháp tránh thai tạm thời, tiện lợi, không xâm lấn và mang lại hiệu quả cao.
Theo các bác sĩ Thu Cúc TCI, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học về mối quan hệ giữa các phương pháp tránh thai và ung thư vú, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi phương pháp tránh thai đều có mức độ rủi ro nhất định. Dù rằng tránh thai bằng hormone đẩy cao nguy cơ ung thư vú nhưng các rủi ro cũng sẽ giảm dần khi ngừng sử dụng. Và thực tế cho thấy, mặc dù ung thư vú đang dần trẻ hóa nhưng tỉ lệ người trẻ mắc vẫn tương đối thấp cho dù họ có sử dụng biện pháp tránh thai chứa nội tiết tố, mà chủ yếu rơi vào nhóm tuổi 50-70 tuổi.
Ở phụ nữ, có thể có nhiều nguy cơ ung thư vú cùng tồn tại như: tuổi tác, không có con, gen di truyền, khối u vú lành tính…. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có nguy cơ ung thư vú di truyền nên tham khảo ý kiến bác sĩ phụ khoa để có phương pháp tránh thai phù hợp nhất. Nguy cơ tiềm ẩn ung thư vú có thể liên quan đến việc sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố lâu dài, do đó cần xem xét cẩn thận các lợi ích và yếu tố rủi ro khác. Hy vọng rằng, trong tương lai các nhà nghiên cứu khoa học sẽ tìm ra các phương pháp hiệu quả mà không có các tác dụng phụ.
Để có thể phòng ngừa tốt đối với bệnh ung thư vú, chị em hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia để có phương pháp tránh thai phù hợp. Các bác sĩ Thu Cúc TCI khuyên rằng, chị em phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nên tiến hành khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh. Đồng thời, nên xây dựng một lối sống tích cực, chế độ ăn uống lành mạnh, vận động tích cực để giảm thiểu rủi ro của bệnh ung thư vú gây ra.
3. Tầm soát ung thư vú sớm có ý nghĩa gì? Độ tuổi nào nên tầm soát?
Ung thư vú được ví như kẻ giết người thầm lặng, bởi sự chủ quan khiến chị em phụ nữ phát hiện ra bệnh thường vào giai đoạn cuối, khi mà căn bệnh này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bệnh nhân và việc điều trị trở nên phức tạp hơn.
Với bất kể căn bệnh nào và bệnh ung thư vú nói riêng nếu được phát hiện sớm, can thiệp đúng cách thì khả năng chữa khỏi bệnh rất cao, có tới 90% cơ hội sống trên 5 năm. Ngược lại, phát hiện và điều trị bệnh khi ung thư vú đã di căn thì cơ hội sống trên 5 năm chỉ còn lại 20%. Qua quá trình kiểm tra, xét nghiệm, các bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dựa vào thông tin này để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với thể trạng giúp kiểm soát sự phát triển của khối u và ngăn ngừa nguy cơ di căn.
Chính vì thế mà chị em phụ nữ cần trang bị thêm cho mình các kiến thức về căn bệnh ung thư vú: cách nhận biết, tự kiểm tra vú, phòng bệnh… Tầm soát ung thư vú càng sớm càng tốt, nhất là độ tuổi 40-60 nên tiến hành tầm soát 1 năm 2 lần.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
https://tuoitre.vn/tranh-thai-bang-noi-tiet-to-co-the-lam-tang-nguy-co-ung-thu-vu-20230322165437.htm